Một bất hợp lý tồn tại lâu nay đối với ngành khí tượng thủy văn là các Trạm khí tượng thủy văn được xây dựng ở đồng bằng còn tâm mưa chủ yếu ở vùng trung du miền núi. Thực tế này khiến công tác dự báo thường thiếu chính xác, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội cho các địa phương. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thí điểm Dự án “Thiết lập mạng lưới đo mưa cộng đồng” trên lưu vực sông Ngàn Sâu - Ngàn Phố, tỉnh Hà Tĩnh và lưu vực Sông Kôn - Hà Thanh, tỉnh Bình Định thu hút sự tham gia của người dân địa phương.

lut_bao_1_shwf.jpg Lũ lụt gây ngập nặng ở tỉnh Bình Định (Ảnh tư liệu)

Đợt mưa lũ tháng 11/2013 gây thiệt hại nặng về tính mạng, tài sản ở tỉnh Bình Định. Hậu quả sẽ không lớn như thế nếu công tác dự báo về lượng mưa chính xác và kịp thời. Thời điểm đó, các trạm quan trắc mưa và dòng chảy trên các lưu vực sông quá ít khiến công tác dự báo thiếu chuẩn xác. Chẳng hạn, hồ chứa Định Bình có diện tích lưu vực lên tới hơn 1.000km2, nhưng chỉ có 1 trạm đo mưa; còn trên các lưu vực sông Kôn và sông Hà Thanh thì không có trạm đo mưa nào. Việc thí điểm bổ sung các trạm đo mưa từ Dự án “Thiết lập mạng lưới đo mưa cộng đồng tại lưu vực sông Kôn - Hà Thanh” do Ban quản lý Trung ương các dự án thủy lợi (CPO) làm chủ đầu tư nhằm mục đích góp phần dự báo chính xác lượng mưa trên địa bàn tỉnh Bình Định, giúp người dân chủ động phòng tránh lũ lụt.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định cho biết, qua các đợt lũ lịch sử, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh nhận thấy các trạm đo mưa không đủ, chưa thể hiện hết bức tranh về mưa lũ của lưu vực nên đề nghị Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung lập dự án đo mưa cộng đồng để tăng dày cho mạng lưới đo mưa lưu vực sông Kôn và sông Hà Thanh và sẽ phục vụ thiết thực cho công tác dự báo của lũ.

Sau thời gian triển khai lắp đặt, đến nay trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh, tỉnh Bình Định đã có 45 trạm đo mưa cộng đồng với 90 thùng đo mưa tại 43 xã, phường và khu vực các hồ chứa nước, đập dâng. Với thiết bị này, người dân vùng lũ của tỉnh Bình Định có thể biết tương đối chính xác cường độ mưa xảy ra trên địa bàn. Từ đó, dùng điện thoại di động nhắn tin về Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định giúp cán bộ cập nhật thông tin dữ liệu về lượng mưa đo được vào chương trình quản lý và truyền dữ liệu của địa phương.

 Lũ dữ khiến người dân không kịp trở tay (Ảnh tư liệu)

Ông Nguyễn Nam, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho hay: “Tỉnh Bình Định thường bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt, nên có thiết bị đo mưa cộng đồng, người dân sẽ chủ động phòng tránh”.

Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đây là dự án rất thiết thực đối với tỉnh Bình Định, địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai; Dự án này góp phần giúp địa phương có khả năng dự báo tình hình mưa lũ tốt hơn.

Hiện nay Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương đang cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn những nơi điển hình để đặt trạm và đào tạo để người dân có thể theo dõi mưa ở từng nơi. Người dân có thể báo lại với Chi cục Phòng chống lụt bão xử lý các thông tin này để chính quyền địa phương các cấp kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự án “Thiết lập mạng lưới đo mưa cộng đồng” đề cao vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý rủi ro thiên tai. Đồng thời quy định rõ, trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ, mực nước tại các trạm thủy văn, lưu lượng nước về hồ... Đây là cơ sở tốt để tỉnh Bình Định triển khai Quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra./.