Chiều nay (16/1), tại Trụ sở Chính phủ, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tổ chức hội nghị đánh giá công tác năm 2014 và triển khai công tác năm 2015. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chủ tịch Ủy ban chủ trì hội nghị.
Đạt nhiều thành tích
Năm 2014, các Bộ, ngành thành viên Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và các địa phương tích cực chủ động phối hợp triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã điều động khoảng 153.000 lượt người, với trên 5.000 lượt phương tiện, kết quả đã cứu được 3.800 người, trên 240 lượt phương tiện các loại; thông báo kêu gọi, hướng dẫn trên 350.000 phương tiện của ngư dân đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú khi có bão, áp thấp nhiệt đới... Đặc biệt là các vụ tìm kiếm máy bay MH370 của hàng không Malaysia; cứu 12 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập đường hầm đang thi công thuộc công trình thủy điện Đạ Dâng- Lâm Đồng...
Tuy nhiên, công tác công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 vẫn còn một số tồn tại, một số địa phương chưa chủ động, tích cực hoặc có biện pháp quyết liệt trong triển khai công tác ứng phó sự cố, thiên tai.
7 nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2015, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát kiện toàn hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt là cơ chế phối hợp và điều hành để thực hiện có hiệu quả công tác ứng phó thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng kế hoạch quốc gia ứng phó các sự cố, thảm họa theo các tình huống cơ bản; phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”....
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương nỗ lực của các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã triển khai các phương án nhanh chóng, kịp thời. Các cơ quan thông tin địa chúng đã kịp thời cung cấp thông tin phản ánh công tác phòng chống thiên tai, lũ lụt, giúp người dân chủ động phòng chống thiên tai.
Phó Thủ tướng lưu ý, hiện nay, sự phát triển kinh tế- xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài các sự cố do thiên tai gây ra, còn có nhiều sự cố do hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân nên việc chuẩn bị ứng phó rất quan trọng. Vì vậy, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn phải rà soát, đánh giá các phương án cứu hộ cứu nạn, thường xuyên tổ chức diễn tập, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông... để người dân biết và chủ động xử lý khi có tình huống xảy ra.
Phương án phải động
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Hạn chế của chúng ta là vẫn còn người dân rất chủ quan. Mà đất nước tiến lên hiện đại, công nghiệp hóa- hiện đại hóa, cơ sở hạ tầng phát triển, đô thị hóa cao thì khả năng xảy ra các thảm họa quốc gia lại càng lớn hơn. Việc đưa ra các diễn tập là để tìm ra được những hạn chế tồn tại để phương án xử lý của chúng ta tốt hơn. Cần phải tiếp tục đánh giá lại các giải pháp mà chúng ta đã ứng phó trong thời gian vừa qua để hoàn thiện nó. Việc này là việc thường xuyên phải làm nhưng chúng ta tiếp tục phải làm nữa. Như tôi đã nói tác động của biến đổi khí hậu hiện nay làm cho tất cả các phương án của chúng ta không còn tĩnh nữa mà phải động.”./.