Sáng nay (16/8) tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên đối thoại với chủ đề “Trách nhiệm của ngành y tế trong việc thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”.
Theo ý kiến nhiều đại biểu tham dự phiên đối thoại, thời gian qua, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đã cơ bản hoàn thành hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến giải quyết chế độ chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Danh mục 17 bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học còn nhiều điểm chưa đầy đủ. Về bệnh ung thư, theo ý kiến các đại biểu, chất độc hóa học nhiễm vào cơ thể đều gây ra ung thư ở bất cứ vị trí nào, việc Bộ Y tế chỉ quy định một số dạng ung thư là thiếu hợp lý.
Bên cạnh đó, việc khám, xác nhận và giám định y khoa cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; thủ tục để được xác nhận là nạn nhân da cam/dioxin còn phức tạp, thời gian kéo dài.
Ông Nguyễn Sỹ Thúy, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/dioxin thành phố Hà Nội nêu ý kiến: “Thủ tục giám định y khoa công nhận nạn nhân chất độc da cam có quá nhiều phiền hà. Ví dụ ở Hà Nội là phải nộp 1,5 triệu đồng để đi giám định làm các thủ tục trong khi đó bệnh nhân hầu hết là người nghèo, cận nghèo, xa trung tâm thành phố, đi lại ăn ở rất khó khăn. Bên cạnh đó là giám định lại thì loại 1 không phải giám định, nhưng thực trạng hiện nay có nhiều người loại 1, sức khỏe bình thường lại được hưởng chế độ người phục vụ”.
Ngành y tế cũng nêu những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, như ngành chỉ được giao xây dựng danh mục và khám giám định. Còn đối tượng giám định là do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu và phí thủ tục về giám định y khoa là theo quy định của nhà nước.
Chất độc da cam/dioxin là thách thức lớn với ngành y tế. Hiện chưa có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn về bệnh, tật, dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nói: “Hiện nay do yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, đều phải có danh mục bệnh tật thì mới được hưởng chế độ. Bộ Y tế ban hành danh mục các bệnh có liên quan đến phơi nhiễm để xây dựng chế độ chính sách. 17 nhóm bệnh này tính theo tài liệu chuyên môn thì chia lẻ ra đến nay cũng gần 100 bệnh”.
Các đại biểu đề nghị, Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần hướng dẫn thống nhất danh mục bệnh, tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; hướng dẫn các bệnh viện trong việc điều trị bệnh thần kinh ngoại biên liên quan đến chất độc hóa học.../.