Gần 40 năm sau chiến tranh, nhưng hàng triệu người Việt Nam vẫn đang phải sống trong nỗi đau của bệnh tật do hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Đau đớn hơn, khi họ lại phải chứng kiến các thế hệ kế tiếp cũng bị ảnh hưởng nặng nề của thứ chất độc chết người này. Và nỗi đau đó chưa biết đến bao giờ mới dừng lại.

Nhân kỷ niệm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/8), phóng viên VOV.VN phỏng vấn Trung tướng, PGS-TS Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA).

Chính sách đối với nạn nhân còn nhiều vướng mắc

PV:Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với nạn nhân?

Trung tướng Nguyễn Thế Lực: Dù điều kiện đất nước cũng còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với nạn nhân. Sự quan tâm này thể hiện qua việc ban hành các chính sách và chủ trương xã hội hóa việc hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam.

img_9935_csxj.jpgTrung tướng, PGS-TS Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) (ảnh: Bích Lan)
Về chính sách, đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, từ năm 2000, Nhà nước đã có những chính sách dành riêng cho đối tượng này.

Vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh người có công. Đây là bước chuyển rất quan trọng, đem lại nhiều lợi ích cho các nạn nhân chất độc da cam và khắc phục rất nhiều những tình huống phát sinh, tạo sự phấn khởi, tin tưởng của các nạn nhân chất độc da cam đối với Đảng, Nhà nước. Đến nay, mức hưởng trợ cấp của nạn nhân mức thấp nhất cũng đạt hơn 900.000 đồng/tháng, mức cao nhất là 2,8 triệu đồng/tháng. Trong điều kiện hiện nay, đó là một sự cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Cùng với đó, các chính sách thường xuyên được bổ sung để phù hợp với tình hình cũng là sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với các nạn nhân chất độc da cam. Đảng, Nhà nước cũng ủng hộ cho việc xã hội hóa hỗ trợ các nạn nhân, là “bà đỡ” cho sự vào cuộc cả xã hội. Đến nay cả xã hội, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đều vào cuộc chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Chúng tôi đánh giá rất cao các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, về mặt thực hiện còn rất nhiều vướng mắc, từ phía các địa phương khi thực hiện, hoặc từ chính các văn bản được ban hành… Một số chính sách dù mới ban hành nhưng khi đối chiếu vẫn còn sót nhiều đối tượng. Chẳng hạn chính sách đối với người có công thì cháu của người có công bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam cũng chưa có chính sách phù hợp. Cụ thể như chính sách đối với những người có công sau 30/4/1975 là chưa có. Thực tế có nhiều người là bộ đội, cán bộ cuối năm 1975 họ đã có mặt ở những khu vực nhiễm chất độc da cam/dioxin, bản thân họ và con cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, nhưng nếu theo quy định thì họ không được hưởng chế độ. Hoặc những người hiện đang sống ở các “điểm nóng”, con cháu của họ bị ảnh hưởng của chất độc da cam thì cũng chưa có chế độ gì…

PV:Năm ngoái, 62 người dân Đà Nẵng sống tại các “điểm nóng” đi xét nghiệm phát hiện trong cơ thể có dioxin. Việc này gây hoang mang cho người dân về nguy cơ nhiễm dioxin. Xin ông cho biết, trong thời gian vừa qua, Hội quan tâm đến vấn đề này như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Thế Lực: Thực tế, khi 62 người xét nghiệm tự dưng có dioxin trong cơ thể thì những người dân sống ở khu vực này cũng rất hoang mang. Hội đã phối hợp với các cơ quan liên quan khuyến cáo, tư vấn cho người dân sống ở các điểm nóng- nơi tồn lưu chất độc da cam/dioxin như ở Đà Nẵng, Đồng Nai trong việc ăn uống, sử dụng nước…

Cùng với đó, tư vấn cho người dân dùng phương pháp xông hơi thải độc để tăng cường sức khỏe. Việc xông hơi thải độc, Hội đã tiến hành ở một số địa bàn và rút kinh nghiệm ở một số địa phương. Đầu tiên là ở Thái Bình. Sau khi được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, sẽ tiến hành làm tiếp ở một số địa phương khác và đưa việc xông hơi thải độc vào một số bệnh viện của quân đội. Hiện nay ở Đà Nẵng, Hà Tĩnh cũng đã tiến hành xông hơi thải độc cho một số nạn nhân chất độc da cam. Tới đây, Gia Lai cũng sẽ triển khai việc này… Đây là phương pháp tương đối tốt, kết hợp cả phương pháp xông hơi thải độc truyền thống và hiện đại nhằm đẩy chất độc ra khỏi cơ thể nạn nhân.

Hội đặt mục tiêu cố gắng có được các Trung tâm nuôi dưỡng bán trú ở các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện nay đã xây được 24 trung tâm ở các tỉnh, thành. Chúng tôi cũng đang vận động các tỉnh thành chưa có nhà bán trú đăng ký  để xây dựng.

Hội cũng đang tiến hành xây dựng 3 trung tâm lớn ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Dự kiến tổng chi phí khoảng 250 tỷ đồng. Đây là một số tiền rất lớn, chúng tôi cũng xác định vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Tuy vậy, khó khăn hiện nay của các trung tâm là việc vận động nguồn lực. Cùng với đó là việc duy trì các trung tâm đó như thế nào, nguồn  kinh phí ở đâu? Đây là vấn đề đáng lo ngại vì nguồn lực phải tự vận động, không ổn định nên việc duy trì nhà bán trú trong thời gian lâu dài sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sẽ bền bỉ theo đuổi đến cùng vụ kiện

PV:Hiện nay số nạn nhân chất độc da cam ở nước ta tương đối lớn, đa số họ lại có cuộc sống rất khó khăn. Hội có giải pháp gì để giúp họ giải quyết vấn đề nghèo đói một cách bền vững?

Trung tướng Nguyễn Thế Lực: Chúng tôi cũng nhận thấy việc tặng quà, hỗ trợ thì có nhiều người được động viên, nhưng quan trọng nhất vẫn là giúp họ ổn định lâu dài, Vì thế cần phân loại các đối tượng, đối tượng nào không thể tham gia lao động sản xuất, đối tượng nào còn sức khỏe… để có những hỗ trợ phù hợp.

Giờ luyện tập của trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin làng Hữu Nghị (Hà Nội) (ảnh: Minh Hòa)
Chúng tôi chủ trương hạn chế bớt việc tặng quà, tập trung vào các gia đình nghèo khổ… Chúng tôi cũng loan báo, đầu tư, vận động bạn bè hỗ trợ cho việc sản xuất, học hành, việc làm. Những việc này phải được quan tâm thường xuyên thì mới có thể khắc phục một cách tương đối đời sống khó khăn của các nạn nhân. Với chủ trương như vậy, chúng tôi đã hỗ trợ hoặc vận động các cơ quan, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế hỗ trợ cho nạn nhân vốn sản xuất. Thực tế, đến nay có nhiều nơi đã làm rất hiệu quả.

PV:Thưa ông, đã 11 năm các nạn nhân chất độc da cam đòi công lý nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong tình hình hiện nay, theo ông có nên tiếp tục vụ kiện?

Trung tướng Nguyễn Thế Lực: Từ năm 2004, chúng tôi tiến hành khởi kiện các công ty sản xuất hóa chất Mỹ và đã qua 3 bước sơ thẩm, phúc thẩm và Tòa án Liên bang Hoa Kỳ.

Dù mục tiêu cuối cùng đòi công lý cho các nạn nhân vẫn chưa thực hiện được, nhưng vụ kiện có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với nạn nhân chất độc da cam trong nước mà còn đối với các nạn nhân ở nhiều nước khác trên thế giới. Vụ kiện cũng đánh thức được dư luận của quốc tế, được bạn bè quốc tế ủng hộ và chia sẻ. Đặc biệt, phía Mỹ đã có động thái ban đầu tham gia vào việc khắc phục môi trường. Số tiền tuy rất nhỏ để tẩy rửa các điểm nóng ở Việt Nam nhưng đây cũng là động thái tích cực từ phía Mỹ tham gia vào việc khắc phục hậu quả của chất độc da cam.

Còn về vụ kiện, chúng tôi một lần nữa khẳng định sẽ bền bỉ theo đuổi đến cùng mặc dù sẽ có rất nhiều khó khăn, bởi đây là đòi hỏi hết sức chính đáng của các nạn nhân chất độc da cam đang ngày đêm quằn quại trong nỗi đau và của cả những nạn nhân đã nằm xuống.

PV: Xin cảm ơn ông./.