Vừa qua, phiên bản điện tử của tờ Thời báo New York đã đăng tải một bộ phim tư liệu mới về chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Bộ phim đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ trong nhận thức của công chúng Mỹ đối với những di chứng nặng nề mà chất độc này để lại đối với nhiều thế hệ, cả người Việt Nam lẫn không ít cựu chiến binh Mỹ.
Phóng viên thường trú VOV tại Mỹ đã trò chuyện với bà Sandy Northrop, đạo diễn của bộ phim tài liệu mang tựa đề: “Chất độc da cam - chương cuối của chiến tranh Việt Nam”. Bà Northrop cũng là tác giả của 3 bộ phim tài liệu: “Đại sứ Pete Peterson và sứ mệnh tại Hà Nội”, “Việt Nam: Hành trình từ chiến tranh đến hòa bình”, và “Việt Nam: Thế hệ kế tiếp” với những góc nhìn về chiến tranh, hòa bình và phát triển tại Việt Nam.
PV: Trong quá trình thực hiện bộ phim, bà đã đến Việt Nam và trực tiếp gặp những nạn nhân chất độc da cam. Điều gì khiến bà ấn tượng nhất trong chuyến đi này?
Bà Sandy Northrop: Đây là lần đầu tiên tôi thực hiện một bộ phim về chủ đề này và đã hiểu thêm được rất nhiều về chất độc da cam. Tôi đã gặp những hộ gia đình, những cá nhân, đến những trung tâm chăm sóc cho người khuyết tật, bệnh viện… Trong mỗi chuyến đi, tôi đều gặp những con người bất hạnh đang phải sống một cuộc sống không được bình thường.
Hơn nữa, số lượng người cần thiết để giúp đỡ một nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam cũng không phải nhỏ, vì những nạn nhân này không thể tự làm những việc đơn giản như mặc quần áo hay ăn uống. Điều này gây ra nhiều khó khăn và đau khổ đối với gia đình họ.
Các cuộc tiếp xúc với nạn nhân nhiễm chất độc da cam đã ảnh hưởng rất lớn tới cảm xúc và nhận thức của tôi. Và điều khiến tôi thêm buồn là Chính phủ Mỹ đã không nhận trách nhiệm về những tai họa do chính họ gây ra.
PV: Vậy bà muốn chuyển thông điệp gì tới khán giả qua bộ phim này?
Bà Sandy Northrop: Điều tôi muốn nói là rất đáng ngạc nhiên khi sau bao nhiêu năm mà người ta vẫn chưa tìm ra cơ sở khoa học chắc chắn nào chứng minh rằng, chất dioxin đã trực tiếp gây ra hơn 20 loại bệnh tật như ung thư hạch bạch huyết, Parkinson… Đặc biệt, ở Việt Nam, chúng ta thấy có tất cả những di chứng này. Nhiều người sinh ra bị dị tật như thiếu chân tay hoặc bàn chân, bàn tay có 6 ngón, 10 ngón.
Chính phủ Mỹ không bao giờ muốn nhận trách nhiệm rằng họ đã gây ra những hậu quả này cho các cựu binh Mỹ và người Việt Nam. Tất cả đều là vấn đề chính trị, nên những gì mà Mỹ làm đều được giải quyết bằng chính trị sau rất nhiều các cuộc vận động hành lang ở nghị viện.
Mọi chuyện đang được thực hiện theo hướng làm thế nào để giúp Việt Nam, nhưng Mỹ không phải gánh trách nhiệm tài chính hoặc đạo đức. Do đó họ đã quyết định giúp Việt Nam theo hình thức hoạt động nhân đạo. Phải sau rất nhiều cuộc vận động hành lang trong suốt 30-40 năm, bánh xe mới chuyển động.
PV: Dù vậy nhưng các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam vẫn chưa tìm được công lý qua vụ kiện các công ty Mỹ sản xuất ra loại hóa chất này. Bà nghĩ sao về điều này?
Bà Sandy Northrop: Rất đáng ngạc nhiên là vụ kiện này đã bị từ chối hơn một lần. Tôi biết rằng Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trong vụ kiện yêu cầu các công ty hoá chất của Mỹ bồi thường cho các nạn nhân da cam/dioxin.
Dù chưa thành công, nhưng vụ kiện cũng có ý nghĩa rất quan trọng vì nó đã cho thấy vết thương da cam là một dấu ấn không thể quên về cuộc chiến tranh Việt Nam trong lòng của cả người Việt Nam lẫn người Mỹ.
PV: Bà đánh giá như thế nào về cách nhìn của người Mỹ đối với vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam?
Bà Sandy Northrop: Thế hệ của tôi, những người đang ở độ tuổi 20-30 khi chiến tranh diễn ra, nhớ rất rõ những thông tin đầu tiên về chất độc da cam. Nhưng thế hệ sau này ở Mỹ, giờ cũng ở độ tuổi của chúng tôi hồi đó, không hề có ký ức gì về cuộc chiến tranh Việt Nam cũng như ảnh hưởng của chất độc da cam đối với các thế hệ người Việt Nam.
Họ không nhận thức được rằng Mỹ đã gây ra những vấn đề rất lớn ở Việt Nam, còn để lại ở đây một khối lượng lớn bom mìn và những nạn nhân chất độc da cam như chúng ta đã biết. Tôi mong rằng bộ phim của mình sẽ giúp thế hệ trẻ và kể cả những người trạc tuổi tôi, nhớ lại và hiểu thêm về hậu quả mà cuộc chiến tranh ấy đã gây ra, không chỉ với các cựu binh Mỹ, mà còn hàng trăm nghìn người Việt Nam.
Tôi mong rằng họ sẽ biết đến sự tàn phá mà cuộc chiến tranh đã gây ra và đến giờ vẫn còn vô số thùng hoá chất dioxin vẫn đang nằm la liệt đâu đó quanh các căn cứ Mỹ trước đây tại Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn bà!./.