Kỷ niệm 125 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt độc giả cả nước nhiều ấn phẩm về Bác Hồ. Đáng lưu ý trong số đó là tác phẩm “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” của nhà văn Sơn Tùng.

Tác phẩm “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” của nhà văn Sơn Tùng được viết dựa trên kịch bản phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (1990). Vẫn giữ những chi tiết trong nội dung cuốn “Búp sen xanh”, viết về Bác Hồ thời thơ ấu và thời trai trẻ, nhưng trong tác phẩm này, nhà văn Sơn Tùng khắc họa rõ hơn tình cảm cao thượng và đẹp đẽ của cô gái Lê Thị Huệ (Út Huệ) với chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Tình cảm ấy được nhen lên từ ngày Nguyễn Tất Thành còn là cậu học sinh trường Quốc học Huế, cho tới khi Người rời bến Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước.

1_pvpv.jpgTác phẩm “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng”

Ông Bùi Sơn Định, con trai nhà văn Sơn Tùng cho biết: “Cha tôi muốn dùng tên sách này với một ý tưởng rất rõ, là muốn truyền thông điệp Bác Hồ của chúng ta cũng như bao người bình thường khác, khi Bác ở tuổi thanh niên, có tên là Nguyễn Tất Thành. Từ đó mà cha tôi muốn nói đến việc Nguyễn Tất Thành luôn nhớ lời cha dặn: “nước mất, trước hết phải đi tìm con đường cứu nước”. Vì vậy, Nguyễn Tất Thành phải để lại mối tình của mình. Đây là một lý tưởng hết sức cao cả”.

Trong dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng ra mắt ấn bản mới tác phẩm “Bác” của chúng ta của nhà văn Bích Thuận. Cuốn sách tái hiện lại hình ảnh giản dị, đầy tình thương yêu của Bác Hồ qua kí ức và những tư liệu lịch sử, giúp độc giả hiểu hơn về những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh bôn ba tìm đường cứu nước, thoát khỏi sự truy lùng của kẻ thù tại Hồng Kông (Trung Quốc); những ngày bị giam cầm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch và trở về Việt Nam, gây dựng phong trào cách mạng.

Nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ cũng được Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản trong dịp này: tiểu thuyết “Cha và con” (Hồ Phương), tiểu thuyết “Búp sen xanh” (Sơn Tùng)./.