Những ngày bị bệnh trọng, bạn bè, anh em, gia đình, đồng nghiệp đến thăm, ông vẫn lạc quan và luôn nghĩ tới mọi người, tới công việc nhà Đài với sự ân cần sâu sắc. Ông nhớ tới từng chi tiết, từng gương mặt, từng tính cách...

Nhắc đến Lê Đình Cánh, người ta vẫn gọi ông là nhà thơ. Nhưng thực ra vẫn có thể gọi thêm ông là "Nhà Đài" và nhà văn. Thơ ông neo ngòi bút vào dòng lục bát. Đó là sở trường thơ ông, nó có vị trí nhất định trong làng thơ. Nhiều bài xếp vào hàng độc đáo. Cho đến giờ, nhiều người vẫn định vị trụ sở Đài TNVN, 58 Quán Sứ qua bài "Quán Sứ bên này" của ông. Với trái tim mẫn cảm, ông xâu chuỗi các vị trí của Đài - Viện K - nhà giam Hoả Lò - chùa Quán Sứ thành một vòng tràng hạt nỗi đời. Ít lời mà ngân vọng, cứa vào người đọc những ngẫm cảm.

53452042_390932555024717_3759085244385329152_n_ydho.jpg
Nhà thơ Lê Đình Cánh (phải) và nhà báo Trần Nhật Minh (tác giả). 

Trong vai "Nhà Đài", ông là người nhiều năm làm quản lý Ban Văn nghệ, đặc biệt giữ vai trò biên tập văn nghệ thiếu nhi có nghề. Tác phẩm của ông là những chương trình phát thanh có sắc thái riêng và những thế hệ vững tay nghề mà ông đào tạo, chăm lo từng li từng tí như người thân trong gia đình.

Vậy còn nhà văn, gọi vậy là sao khi ông không viết tiểu thuyết, truyện ngắn. Ông là nhà văn của một thể loại giờ đang mai một người viết và chất lượng. Đó là bút ký văn học: một thể loại đứng chân cả ở hai bờ văn chương và báo chí. Thế mới khó. Lục giở kho lịch sử bút ký, ký sự Việt thấy có tên Vũ Trọng Phụng, Trần Đăng, Hoàng Phủ Ngọc Tường... với những tác phẩm khác với báo là đọc được nhiều lần và hấp dẫn không kém những tác phẩm văn chương thuần tuý.

Lê Đình Cánh cũng được nhớ đến với một phong cách bút ký của riêng ông. Đó là sự thăng hoa của những chi tiết đời thường. Chi tiết là cái tứ cho câu chuyện và cũng là những vỉa quặng đốt cháy ngọn lửa soi sáng dòng chảy của bút ký. Ông đi nhiều, nhiều nơi tín nhiệm mời ông đi thực tế để viết. Bút ký của ông nâng lên thoát ra khỏi những hợp đồng, những "cú bắt tay" với địa phương, ngành nghề, doanh nghiệp để trở thành câu chuyện chung, khái quát từ những chuyện riêng, chi tiết lẻ.

Nhà thơ Lê Đình Cánh khi còn khỏe (Ảnh: KT)

Miền Chầu văn - tập bút ký thứ 6 của ông là một cuốn bút ký mới có giá trị như thế. Nhiều câu chuyện tưởng chừng dễ trôi đi nhưng nhờ những quan sát, sự suy ngẫm theo chiều sâu của nhà văn, những chi tiết đã mắc lại trong dòng ngẫm nghĩ vượt khỏi thông tin báo chí, thông tấn. Văn chương ở đây đã phát huy sức mạnh...

Trên cả những tác phẩm, con người xứ Thanh hồn hậu, chân tình như ông đã khiến những người gần gũi ông trân trọng, yêu tin. Và hôm nay cũng lặng đi thương cảm cho một nhân cách sống cả đời vì vẻ đẹp văn chương, vì văn nghệ nhà Đài. Xin Vĩnh biệt ông bằng việc đọc lại một trong những bài thơ xuất sắc của ông:

"Quán Sứ bên này...

Chùa Quán Sứ, bệnh viện K.

Nằm kề hai phía nhà pha Hỏa Lò!

Nơi vô lo. Chốn đang lo.

Các nơi Thiện Ác giằng co con người.

Cả ba nơi vắng tiếng cười. 

Đằng sau nước mắt là lời thở than. 

Nào đâu kiếp trước đa đoan.

Nào đâu túc trái tiền oan những ngày...

Còn tôi, Quán Sứ bên này.

Nhìn sao thấu bức tường dày bên kia!"

Nhà thơ Lê Đình Cánh sinh năm 1941, quê ở làng Mía, xã Xuân Tân, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ông nguyên là Phó Ban văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam. Hơn 50 năm cầm bút với tính cách lặng lẽ, ngại phô trương, ông đã xuất bản in các tập thơ: "Đất lành" (1986), "Người đôn hậu" (1990), "Trời dịu" (2001), "Sông Cầu Chầy" (2015) và văn xuôi: "Vùng đất sẽ có tên" (NXB Thanh Hoá, 1985 ), "Đường xuân" ( NXB Quân đội nhân dân, 2003 ), "Nắng Nghi Sơn" ( NXB QĐND, 2013 ) và "Miền chầu văn" ( NXB Hội Nhà văn, 2015 ),...
Lễ viếng nhà báo – nhà thơ Lê Đình Cánh bắt đầu từ 7h30 đến 8h45 ngày 08/03/2019 (tức 3/2 năm Kỷ hợi) tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.