Ngày 18/5, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (202 Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) nhà văn Trầm Hương đã ra mắt tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy” – 2 tập, NXB Phụ nữ. Tác phẩm đã  được Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải A cuộc thi sáng tác về đề tài Cách mạng và kháng chiến năm 2015.

7_trongconlvov_ocxoay_dfpf.jpg

Một cuộc ra mắt sách thật lãng mạn và đầy hoài niệm trong tiếng đàn piano với những giai điệu vừa cổ điển, vừa hiện đại  của hai người phụ nữ thuộc hai thế hệ cách xa nhau bằng cầu nối là những dòng tiểu thuyết cũng của một người phụ nữ. Điều đặc biệt là người phụ nữ như của 100 năm trước ngồi trước cây đàn đắm chìm trong những giai điệu da diết nhiều cảm xúc chính là nguyên mẫu của tiểu thuyết: Nàng Jeannette, 90 tuổi.

Nhà văn Trầm Hương tâm sự: "Vì không cam tâm nhìn những chiếc lá đi vào miền quên lãng mà tôi đã viết. Viết để chống lại sự lãng quên...". Chính vì thế, chị đã bỏ công sức theo đuổi đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử cách mạng, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. 10 năm cho “Trong cơn lốc xoáy” với bao ám ảnh, cùng những cuộc tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ những nhân chứng lịch sử, rồi miệt mài đọc, suy tư , trăn trở, viết; Và hơn một năm làm việc với Nhà xuất bản, thương lượng, điều đình, chỉnh sửa…

Nguyên mẫu nhân vật Jeannette.

1.000 trang tiểu thuyết ra mắt bạn đọc, thật sự như cơn lốc xoáy vào cảm xúc, qua  số phận nhân vật chính là Jeannette - cô gái lai hai dòng máu Việt - Pháp,  trải qua ngót 1 thế kỷ ở Nam Bộ - Sài Gòn - TP.HCM, khi là con nhà khó, khi là tiểu thư  khuê các, khi là phu nhân nhân viên tình báo Nhật, lúc là vợ của một dược sĩ Việt Minh…, rồi là nhân sĩ trí thức yêu nước đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Nhà văn Trầm Hương chia sẻ: “Tôi cũng là một phụ nữ, từng yêu, đổ vỡ và lặng lẽ một mình muôi con. Có lẽ so với nhà văn nam giới, tôi có sự đồng cảm, thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau sâu thẳm của người đàn bà bất hạnh. Vì vậy, tôi hay gặp gỡ với phụ nữ. Mọi người thường tìm đến tôi để giãi bày, chuyện trò. Và chỉ cần trái tim nhà văn trong con người tôi lên tiếng, tôi sẽ cho ra đời những cuốn sách mới, như “Trong cơn lốc xoáy” lần này cũng là một định mệnh như thế…”.

Một sự ám ảnh về số phận con người giữa những lốc xoáy lịch sử - cuộc đời.  Giữa hai bên của cuộc chiến  địch - ta, với những mất - còn, vinh - nhục, hạnh phúc - bất hạnh, thực - ảo, danh lợi - hư vô… Và người đàn bà tên Jeannette với những vết thương tâm hồn dù không thấy  được nhưng dai dẳng đeo bám cho mãi đến tận hôm nay vẫn chưa thôi. Câu hỏi của đứa cháu ngoại như xoáy vào nỗi đau, như chính là điều cần giải mã: “Bà ơi, tại sao 5 tuổi bà đã phải rời vòng tay mẹ? Mẹ con 5 tuổi cũng phải rời tay bà? Và con 5 tuổi cũng xa mẹ sống với ba?”… Và cả một cuộc đời thăng trầm như định mệnh lựa chọn người đàn bà tên Jeannette, hay chính Jeannette lựa chọn định mệnh cho mình đã dần hiện ra trên từng trang tiểu thuyết “Trong cơn lốc xoáy”.

Tác giả và Jeannette.

Trong tiểu thuyết các nhân vật nữ chính- phụ đều rất đẹp, nhưng số phận quá truân chuyên, Và hình như số phận của họ song hành cùng các cuộc chiến trong lịch sử?

Nhà văn Trầm Hương: Đúng vậy! Cảm quan của tôi từ môi trường công tác là Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, là phụ nữ Việt của mình rất đẹp nhưng quá nhiều đau thương mất mát. Gần như cả lịch sử dất nước nói chung, ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp- chống Mỹ nói riêng, là những ngày tháng chờ đợi chỉ với một ước vọng là hai chữ “Hạnh phúc”. Ngay cả việc họ buộc phải dấn thân vào cuộc chiến, trực diện cuộc chiến, tham gia cuộc chiến cũng là để đi tìm hai chữ đó…  Như nhân vật Jeannette “Trong cơn lốc xoáy” , cuộc đời của cô gắn chặt với các sự kiện lịch sử Việt Nam nói chung, của Nam Bộ nói riêng. Sự truân chuyên số phận cô cũng là sự thăng trầm, là những cuộc giao tranh ác liệt của chiến tranh, là sự mất mát, đổ vỡ trong chiến tranh, và cả sự hoang mang, sự lo âu khi thời cuộc thay đồi… Mỗi một sự kiện trong cuộc đời cô đều mang dấu ấn lịch sử thời cuộc Việt Nam ngót 1 thế kỷ. ..

Là tiểu thuyết, nhưng có nguyên mẫu là những nhân vật có thật, và những chi tiết trong tác phẩm cũng dựa trên những tư liệu sự kiện có thật trong lịch sử cách mạng  của Nam Bộ - Sài Gòn - TPHCM - Việt Nam trong ngót 100 năm qua, nên có thể xem như đây là một tiều thuyết tư liệu, tiểu thuyết chân dung sinh động. Những trang viết về các nhân vật với những thăng trầm cuộc đời, những chuyển biến tâm lý được giải mã khá sắc xảo tạo nên một “sưu tập”  chân dung con người Nam Bộ 1 thế kỷ qua và hôm nay./.

Nhà văn Trầm Hương có tên khai sinh là Bùi Thị Thuỷ, sinh ngày 24/3/1963 tại xã Lộc Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, cử nhân báo chí, cử nhân điện ảnh, thạc sĩ báo chí. Hiện là tuyên truyền viên chính của Bảo tàng Phụ nữ  Nam Bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên: Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Nhà Báo Việt Nam.

- Giải thưởng truyện ngắn cuộc thi Văn nghệ Đồng Bằng Sông Cửu Long 1984.

- Giải thưởng truyện ngắn Bộ Giáo dục và đào tạo 1999

- Giải thưởng tiểu thuyết do Bộ Giáo dục và đào tạo 1990

- Giải thưởng thơ hay của tuần báo Văn Nghệ TP.HCM 1993

- Giải thưởng phóng sự điều tra tuần báo Văn Nghệ TP.HCM 1994

- Giải thưởng truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội 1994

-Giải thưởng tiểu thuyết về đề tài công nhân do LĐLĐ TP.HCM tổ chức

- Giải thưởng truyện dài do NXB Kim Đồng tổ chức.

- Giải thưởng tiểu thuyết do NXB Công an nhân dân và Bộ Công an tổ chức năm 2000.

- Giải thưởng về cuộc thi viết những mẩu chuyện kháng chiến do Hội Khoa học lịch sử tổ chức.

- Giải thưởng 30 năm văn học Thành phố Hồ Chí Minh 2005…

- Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, cho tác phẩmĐêm Sài Gòn không ngủ.