Họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên từ trần Nhà thơ - Họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên: “Một thân thầm gọi cái con xa”… Gia đình nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên: Lớn lên từ lòng nhân hậu Nhà thơ - họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên: Người lữ hành mải miết

Sáng 6/5/2016, nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng trên đường Hòa Hưng, quận 10, TP Hồ Chí Minh. Nhà thơ, họa sĩ tài hoa dường như đã biết mệnh mình, nên vài ngày trước khi ra đi, ông đã gọi điện thoại cho con gái, nhà thơ Bàng Ái Thơ ở Hà Nội, bảo: “Con ơi, bố biết đã đến thời điểm bố phải ra đi rồi…”. Chị Thơ không quá ngạc nhiên, bởi xưa nay, cụ là người biết xem lá số tử vi. Cụ ra đi thanh thản, như một giấc ngủ sâu thẳm vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 92 tuổi.

095328-1.jpg
Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên

Tôi nhớ lần gặp cụ tại TP Hồ Chí Minh, cách đây hơn 1 tháng, dáng người cụ gầy gò, mảnh khảnh, chỉ còn da bọc xương nhưng khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ bảo: “Cô tưởng béo mà tốt à, tôi gầy nhưng tôi không bệnh tật gì đâu, tôi khỏe mạnh, ăn chay và thiền hàng ngày nên tôi mới giữ được thế này đấy”. Rồi cụ hỏi chuyện về Hà Nội, cụ bảo nhớ Hà Nội nhưng chắc không về được nữa, chết ở đây thôi!

Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên tên thật là Bàng Khởi Phụng, sinh ngày 13-8-1925 tại Bắc Giang. Quê gốc ở Bình Lục, Hà Nam trong một gia đình trí thức. Anh ruột ông là nhà thơ Bàng Bá Lân, người đã có mặt trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân.

Gia đình ông từng có cửa hàng tơ lụa nổi tiếng toàn miền Bắc lẫn miền Nam và hiệu thuốc bắc lừng danh khắp các tỉnh. Thời nhỏ là học sinh trường Thăng Long, Hà Nội. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông xung phong vào bộ đội và làm báo Quân Việt Bắc.

Hòa bình lập lại (1954), ông làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ, rồi làm biên tập cho NXB Văn học và NXB Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn) cho tới khi nghỉ hưu. Ông tự bạch: "Gia đình tôi gốc Nho học.

Từ năm 1947, tôi đã được cùng công tác hoặc quen biết với các anh Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Tế Hanh... và đọc nhiều tác phẩm của các anh ấy. Tôi viết từ những năm ở Việt Bắc, khát vọng quy chiếu bản thân, cảm nhận, thâu nạp những điều gì nên viết thì viết.

Cũng chẳng nhớ sự việc ấy trong trí nhớ, ký ức, thời gian nào, chỉ biết đó là những phút thăng hoa tâm thái mà viết như kiểu các thiền sư Ấn Độ vậy... Như cha tôi đã dạy: "Nhà ta ai cũng phải cầm lấy cây bút mà sống".

Bởi vậy, trong suốt mấy chục năm cầm bút, từ những ngày in ấn còn khó khăn, ông đã có nhiều tác phẩm thơ được xuất bản: “Mùa hoa trên núi” (1957), “Ban đầu” (1959), “Ánh thép” (1961), “Trên mảnh đất của tình thương” (1966), “Nay mình hái quả” (1972), “Người con gái Bắc Sơn” (1973), “Hồn nhiên” (1979), và các tập truyện ngắn: “Niềm vui”, “Cô giáo Tày Võ Thị Rinh” (truyện dài)...

Ngoài tư cách là một nhà thơ, ông còn được biết đến là một họa sĩ tài hoa. Ông từng được mời đi nghỉ và tham gia trại sáng tác thuộc vùng Hắc Hải (Liên Xô). Ở Hắc Hải, một người bạn Do Thái (nhà triết học, họa sĩ RifTruz) có nói với Bàng Sĩ Nguyên: "Ông làm thơ để làm gì, trong lúc, tranh ông lại đẹp như thế". Sau lời động viên đó, ông đã liên tục vẽ tranh và mở phòng tranh cá nhân đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1973.

Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên sinh được 7 người con và điều may mắn nhất là “gien trội” hội họa, thi ca, nghệ thuật của ông đã truyền lại cho các con: họa sĩ - nhà thơ Bàng Ái Thơ, Bàng Sĩ Trực, Bàng Thục Bân...

Ông đã để lại cho các con ông một gia tài về hội họa và một gia sản tinh thần lớn là nội lực của ông truyền lại với lòng đam mê với nghề. Các con ông hầu hết đi theo nghệ thuật như một cái gien di truyền và đều là những người sống được bằng cây cọ, bằng ngòi bút như chính cha mình mấy chục năm đã sống.

Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên đã ra đi thanh thản vào cõi vĩnh hằng, lặng lẽ như chính đời sống của ông suốt gần một thế kỷ. Lễ nhập quan nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên vào hồi 8h ngày 7/5/2016; lễ viếng bắt đầu từ 14h ngày 7/5 tại Nhà Tang lễ Thành phố, số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP Hồ Chí Minh; lễ truy điệu và động quan lúc 6h30 ngày 9/5/2016.

Sau đó linh cữu ông được đưa đi an táng tại Nghĩa trang Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Tang lễ nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên do Quận uỷ quận 10, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và gia đình phối hợp tổ chức./.