Chiều tối 5/5, tại Viện Goethe Hà Nội đã khai mạc chương trình Những ngày Văn học Châu Âu lần thứ 6 với sự góp mặt của 8 quốc gia Châu Âu. Đây là lễ hội văn học đa sắc màu hứa hẹn đem lại những trải nghiệm văn hóa cho người yêu sách, bao gồm các hoạt động như giới thiệu sách, triển lãm, đọc truyện, giao lưu, hội thảo, chiếu phim, thi viết văn sáng tạo, được tổ chức ở Hà Nội và TP HCM.

vov_van_hoc_cmth.jpg
Những ngày Văn học Châu Âu bắt đầu tại Hà Nội với nhiều chương trình giới thiệu tác phẩm văn học của các nước thành viên Châu Âu.

Với hơn 25 hoạt động văn học, sự kiện Ngày Văn học Châu Âu sẽ bắt đầu từ ngày 5 đến ngày 10/ 5 tại Hà Nội và từ ngày 8 đến 12/5 tại TP HCM, với sự tham gia của 8 quốc gia Châu Âu: Đan Mạch, Đức, Pháp, Thụy Điển, Anh, Ý, Tây Ban Nha và Wallonia-Brussels (Bỉ ). Đáng lưu ý là sự kiện kỉ niệm 400 năm ngày mất của hai tác gia lớn trong nền văn học thế giới: nhà viết kịch vĩ đại người Anh Shakerspeare và tiểu thuyết gia người Tây Ban Nha Miguel de Cervantes, cha đẻ bộ tiểu thuyết nổi tiếng về chàng Don Quixote.

 Bạn đọc Việt Nam không chỉ được gặp lại Nhóc Nicolas, Hoàng Tử Bé, hay Pippi Tất Dài trong buổi kể chuyện sáng tạo về các nhân vật mà còn được trải nghiệm với nhiều tác phẩm mới lần đầu được dịch sang tiếng Việt, giành giải cao trong nền văn học Châu Âu và thế giới như: "Thông Thái và Định Mệnh" của Maurice Maeterlinck, đạt giải Nobel 1911; "Không Khóc" của Lydie Salvayre, đạt giải Goncourt 2014; "Hồi kí chiến tranh" của Charles De Gaulle, Pháp và "Lâu Đài" của Franz Kafka, Đức...

Bà Lê Tuyết Nhung, đại diện phái đoàn Wallonia-Brussels (Bỉ ), đơn vị tham gia Ngày Văn học Châu Âu cho biết: “Tôi nghĩ rằng sự hiện diện của một số nền văn học khác của Châu Âu thông qua Những ngày Văn học Châu Âu cũng rất quan trọng. Ví dụ như văn học Ý, văn học Tây Ban Nha, Ba Lan- tức là một số nước mà sự hiện diện nền văn học không được mạnh mẽ như Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Nhật tại Việt Nam thì tôi nghĩ rằng Những ngày Văn học Châu Âu tại Việt Nam sẽ giúp cho độc giả Việt Nam có một cái nhìn rộng mở hơn đối với các nền văn học trên thế giới. Độc giả sẽ có cái nhìn cởi mở hơn đối với nền văn hóa của các nước này”.

Ngay trong tối nay, buổi giới thiệu sách "Con rối tha hương" của nhà văn Đức Karin Kalisa đã mở đầu cho chương trình Những ngày Văn học Châu Âu tại Hà Nội. Đây là một câu chuyện được viết bởi phong cách trào phúng nhưng chân thực, nhân văn về số phận của những người xuất khẩu lao động Việt Nam gắn kết với số phận công dân Cộng hòa dân chủ Đức trước đây.

Dịch giả Lê Quang, người chuyển ngữ tác phẩm sang tiếng Việt cho biết:  “Tác giả là một người nghiên cứu văn hóa Nhật Bản nhưng ở khu bà ở có rất nhiều người Việt Nam. Đúng lúc ấy, khi có dự án in song ngữ cuốn Truyện Kiều thì bà càng đào sâu mối quan hệ với người Việt Nam. Dụng ý của tác giả ngay từ đầu là vẽ ra một bức tranh như một mơ ước. Cuốn sách ra đời đúng lúc là vì nó đánh động một nhu cầu là người ta muốn sống trong hòa bình, trong sự gắn kết”./.