Nghệ sỹ piano Indonesia - Ananda Sukarlan – người sáng lập và cũng là giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc giao hưởng G20 cho biết rất nhiều nước đã phản hồi sáng kiến “ngoại giao âm nhạc” này của ông qua việc cử các nghệ sỹ xuất sắc nhất tham gia dàn nhạc. Trong số này có Calvin Abdiel - nghệ sỹ piano 2 quốc tịch Indonesia – Australia, nghệ sỹ sáo người Argentina - Santiago Clemenz, nghệ sỹ đàn Ấn Độ - Jasiel Peter… 4 giọng ca cổ điển nổi bật nhất Indonesia hiện nay là Mariska Setiawan, Pepita Salim, Nick Lucas và Kadek Ari Annnda đều góp mặt trong dàn nhạc.

 

Để tạo cơ hội cho các tài năng âm nhạc Indonesia còn chưa được khai phá, dàn nhạc cũng đã tổ chức một số buổi thử giọng, trình diễn nhạc cụ cho các nghệ sỹ người Indonesia từ khắp các tỉnh thành.

Theo người sáng lập, hai trong số ba nghệ sỹ bộ gõ của dàn nhạc giao hưởng G20 là nữ, dù hình ảnh điển hình trước đây của những tay trống là “ sự nam tính, quyền lực”. Tất cả nghệ sỹ tham gia dàn nhạc đều sinh từ năm 1990 trở về sau. Do vậy, dàn nhạc  G20 của Indonesia mang dấu ấn của thế hệ trẻ và xóa bỏ định kiến về giới.

Ngày 12/9 tới, dàn nhạc giao hưởng G20 sẽ có buổi biểu diễn ra mắt công chúng toàn cầu tại ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới tại miền Trung Java. Chủ đề của năm Chủ tịch G20 2022: ”Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn” sẽ được phản ánh trong chương trình biểu diễn độc đáo này./.