Được biết, cuốn sách ra đời nhân ngày giỗ của giáo sư Trần Văn Khê (24/6/2016), là tập hợp những bài viết về giáo sư qua hồi ức của thân hữu, học trò của ông.

090851-1.jpg

Đến dự buổi ra mắt sách còn có sự hiện diện của GS Trần Quang Hải - con trai trưởng của GS Trần Văn Khê. Ông cũng vừa từ Pháp trở về Việt Nam vài ngày để dự giỗ đầu của cha và thảo luận về việc thành lập nhà tưởng niệm Trần Văn Khê.

Trong buổi ra “Trần Văn Khê - Tâm và Nghiệp”, ông không giấu được niềm hạnh phúc khi ra đời thêm một cuốn sách viết về cha.

GS Trần Quang Hải, người con trai đời thứ 5 nối nghiệp con đường âm nhạc dân tộc. Ban đầu, ông học nhạc Tây Phương ở nhạc viện Sài Gòn, một thời gian sau ông sang Pháp và gặp cha gần 12 năm xa cách. Yêu âm nhạc, chịu ảnh hưởng từ truyền thống gia đình nên GS Trần Quang Hải quyết định tiếp bước lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc.

GS Trần Quang Hải chia sẻ: “Cuốn sách Trần Văn Khê - Tâm và Nghiệp quy tụ 38 bài viết của 36 thân hữu, học trò từng gắn bó với ông. Tôi viết bài đầu tiên kể về kí ức trong tôi qua hình ảnh người cha, từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành. Mỗi người viết một ý, mỗi người có lòng yêu mến riêng. Như Hải Phượng, Thiên Nga là học trò thì có những cảm nhận khác. Như những người bạn văn trao đổi về thơ,... Họ nhớ lại hình ảnh cha tôi qua hình ảnh nào đó, qua kỉ niệm nào đó trong cuộc đời.

Mỗi bài viết trong tập sách là một nén nhang lòng để tưởng nhớ và tri ân cây đại thụ làng âm nhạc Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ phụng sự âm nhạc dân tộc cho đến hơi thở cuối cùng.

Một trong những đóng góp không nhỏ của GS-TS Trần Văn Khê đối với nền văn hóa nghệ thuật nước nhà là đã mang văn hóa - nghệ thuật Việt Nam đến với năm châu, để từ đó họ yêu hơn, cảm mến hơn và hiểu hơn một xứ sở Việt Nam, một tâm hồn và sức mạnh nội sinh của Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ lập thân nơi đất khách quê người, giáo sư Trần Văn Khê tự đặt cho mình một nhiệm vụ là ra sức sưu tầm, nghiên cứu những gì liên quan đến âm nhạc truyền thống Việt Nam qua bề dày của lịch sử và chiều sâu của nghệ thuật.

Khi tích lũy đủ “vốn liếng”, GS Trần Văn Khê đến nhiều nơi trên thế giới, đem tiếng nhạc lời ca của dân tộc giới thiệu với bè bạn năm châu “sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam” như ông vẫn luôn khẳng định. Hành trang ông mang theo trong các chuyến đi không chỉ là những kiến thức uyên thâm chia sẻ trên các giảng đường đại học, mà còn là những bài thuyết trình sâu sắc trong các hội nghị quốc tế với cương vị một nhà văn hóa châu Á, đặc biệt ông không bỏ qua một cơ hội nào để nhạc truyền thống Việt Nam được góp mặt trên các diễn đàn.

Rất nhiều học trò và những người mến mộ tài năng của GS-TS Trần Văn Khê đã đến dự buổi ra mắt sách

Đơn vị xuất bản cuốn sách cho biết: “Để cuốn sách xuất bản trong một thời gian ngắn như thế này, tất cả một tập thể đã cố gắng hết sức nhưng công lao lớn nhất thuộc về anh Nguyễn Đắc Xuân và chị Thế Thanh cũng như những thân hữu, học trò tích góp vào quyển sách này.Tôi đã đọc rất kỹ các bài viết và nhận thấy giá trị to lớn của những câu, những chữ, những tấm lòng. Hình như mỗi tác giả mở tâm ra, trải lòng ra để hòa vào “tâm và nghiệp” của giáo sư Trần Văn Khê.”./.