Nhân dịp này, VOV.VN giới thiệu cảm nhận của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn về tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng.Độc giả mê truyện muông thú, chuyện rừng sâu núi thẳm sẽ không thể bỏ qua những tác phẩm “Mùa săn trên núi”, “Sao sao và các bạn”, “Sống giữa bầy voi”, “Giữ lấy bầu mật”, “Chú ngựa đồng cỏ”, “Mái nhà xưa”.
Thiên nhiên dữ dội, hùng tráng
Cũng như các bạn trẻ bây giờ, các cuốn sách tiếng Việt mà tôi học ở tiểu học cũng có nhiều bài nói về thiên nhiên cây cỏ. Nhưng thiên nhiên trong những bài đó thường chỉ thu vào những cảnh tượng đơn sơ nhỏ hẹp. Trong các câu chuyện mà tôi được nghe người trong gia đình kể lại, thiên nhiên lại còn là một cái gì khủng khiếp.
Nhưng, trong các tác phẩm của Vũ Hùng, bạn đọc sẽ gặp một thứ thiên nhiên muông thú cây cỏ khác. Thiên nhiên trong văn Vũ Hùng có một vẻ đẹp nam tính, khỏe mạnh. Tiếp xúc với một thiên nhiên như vậy, con người ban đầu có thể hoảng sợ, nhưng khi đã hiểu, đã gắn bó rồi, lại thấy như có thêm sức mạnh và muốn vươn lên sống ngang tầm với thiên nhiên đó.
Điều quyến rũ thứ hai mà tôi tìm thấy ở các tác phẩm của Vũ Hùng là cuộc sống sinh hoạt của các động vật trong rừng – các giống muông thú lớn làm nên thiên nhiên hoang dã.
Từ “Dế mèn phiêu lưu ký” đến các nhân vật trong “O chuột” của Tô Hoài rồi sau này là “Văn Ngan tướng công”, “Cái tết của mèo con”… các truyện đưa ta vào trong một thế giới hiền hậu đáng yêu của những con vật nhỏ bé. Còn những con lớn thường bị đổ cho đủ mọi thói xấu. Sống bên những loài bị coi là độc ác hung dữ đó, các loài thú nhỏ muốn tồn tại phải tinh ranh nhiều khi đến mức gian trá.
Trong cách miêu tả của Vũ Hùng, mỗi loài sinh ra như có cái lý riêng và bổ sung cho thiên nhiên. Cũng như thiên nhiên, chúng gần gũi với con người. Các loài lớn như voi như hổ không hề phung phí sức lực để khoe khoang và làm hại các loài khác. Còn các loại thú nhỏ và ít khả năng tự vệ như một loài chim, mấy anh em nhà hươu thì lại khôn ngoan, biết điều và biết tìm ra một không gian sống của riêng mình.
Trong một loài, luôn luôn có mối quan hệ tốt đẹp con nọ chung sống với con kia, kẻ yếu được kẻ mạnh che chở. Ngay giữa các loài khác nhau cũng vậy, mối quan hệ đùm bọc che chở là “cùng tồn tại một cách hòa bình”, như khao khát của con người đương đại về tình hữu ái giữa người với người.
Ấn tượng nhất đối với tôi là những trang Vũ Hùng viết về voi: “Voi như tượng trưng cho thiên nhiên hoang dã. Voi sống thành từng bầy, trong mỗi bầy luôn luôn có một trật tự ngự trị. Để kiếm ăn trên một không gian rộng lớn, bao gồm cả những ngày dài phải chuyển vùng đi lại, các đàn voi có cách tổ chức riêng, cách quan hệ riêng với nhau, giống như một thứ pháp luật mà mọi thành viên cùng tôn trọng”. Đọc những đoạn như thế, tôi thấy nao nao trong lòng, tự cảm thấy có một sự kính phục như khi được biết về những bậc anh hùng cái thế.
Hồi kháng chiến chống Pháp, những người lính tình nguyện Việt Nam sống trên đất Lào có một cuộc sống đặc biệt mà có lẽ các thế hệ ngày nay ít biết. Là một người lính quân báo, Vũ Hùng và đồng đội sống giữa lòng dân, hành quân di chuyển do người dân hướng dẫn, vào đồn thu thập tài liệu phục vụ mặt trận xong có khi lại về nghỉ ngơi sinh hoạt cùng với dân.
Từ đó hình thành tình yêu của tác giả với những con người của xứ sở Triệu Voi, một tình yêu bền bỉ bao gồm cả kính trọng sâu sắc. Họ là người Lào, người Miên và ở ven Trường Sơn, là người Khạ, người Maca. Các dân tộc chung một tình yêu mến đồng loại cũng như yêu mến mảnh đất đã nuôi sống mình.
Trên cái nền thiên nhiên hùng tráng dữ dội như đã nói, con người không tìm cách lảng tránh mà nhập vào như một bộ phận hòa hợp. Họ vừa biết khai thác thiên nhiên một cách thông minh để phục vụ cho cuộc sống trước mắt, lại vừa biết giữ gìn và bồi dưỡng thiên nhiên để tạo nên sự trường tồn.
Trong việc miêu tả con người bản địa, Vũ Hùng có một sự quan tâm đặc biệt tới những người làm nghề thành thạo. Nổi bật lên trong cộng đồng người Lào bình thương là các bác thợ săn. Là ông Pôông và em Bru trong “Mùa săn trên núi” và “Giữ lấy bàu mật”. Đặc biệt là bác Bun Mi trong “Phía Tây Trường Sơn” và “Sống giữa bầy voi”, chẳng những giỏi săn voi mà còn hết sức thông minh trong việc chăm sóc và thuần dưỡng voi. Trong con người bác như kết tinh những kinh nghiệm sống và làm người của nhiều thế hệ.
Cuộc sống làm người trong thời gian đất nước thanh bình
Những năm 80 của thế kỷ trước, đọc Vũ Hùng, tôi sớm nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên hùng tráng và cuộc sống hài hòa của những loài thú, kể cả các loài hoang dã. Ở tuổi 70, tôi vẫn bị Vũ Hùng lôi cuốn từ tập này tới tập khác. Và tôi chợt nhận ra, ở trang sách của Vũ Hùng còn có một bề sâu khác, đó là chiều sâu nhân bản, nó bao quát từ những mảng miêu tả thiên nhiên muông thú cho tới những con người như một bộ phận chủ đạo mang lại cho thiên nhiên một sự định hướng.
Thiên nhiên trong Vũ Hùng có tính hợp lý cao độ. Đó không phải là một thiên nhiên hỗn độn. Ngược lại ở đây luôn luôn ngự trị trật tự và một cái gì đó giống như sự lương thiện.
Tại sao lại có một thiên hướng rõ rệt đó? Từ lâu tôi đã tự hỏi mà không biết, chỉ đến thời gian gần đây, đọc các đoạn hồi ký Vũ Hùng viết về gia đình mình trong “Mái nhà xưa”, thì tôi mới thật hiểu. Chính Vũ Hùng đã được giáo dục trong một môi trường nhân bản mà ông đã miêu tả.
Qua những trang phác họa của Vũ Hùng về song thân của ông, người chị cả, người anh lớn, những người hàng xóm như một bác già nuôi chim và bán chim, một chị vú em… người đọc các thế hệ sau có thêm hiểu biết về con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử thanh bình. Đó là thời con người sống biết điều và nhân hậu, phân biệt thiện ác rõ ràng, biết cái tốt phải theo và cái xấu phải từ bỏ.
Từ trong việc kiếm sống, việc học hỏi và giáo dục bọn trẻ, việc đối xử với thiên nhiên… mọi người đều tự nguyện tuân theo những nguyên tắc nhân bản cao cả, nhờ thế họ luôn tìm được niềm vui sống đơn sơ mà chắc chắn. Về sau trong hoàn cảnh tàn phá của chiến tranh, các gia đình đó những con người vẫn đứng vững và những kinh nghiệm sống còn nguyên giá trị với các thế hệ tiếp theo, tức là chúng ta hôm nay.
Ngòi bút tri thức
Người ta thường chỉ xếp Vũ Hùng vào khu vực văn học thiếu nhi. Tuy nhiên gần đây có dịp đọc lại, tôi nhận ra rằng, có một số cuốn, một số trang sách của ông cũng là dành cho cả các bạn đọc lớn tuổi.
Dưới hình thức ghi chép, “Sống giữa bầy voi” giống như một khảo luận công phu về mọi hoạt động không chỉ của loài thú và những người săn thú. Tôi thường đọc đi đọc lại nhiều đoạn trong cuốn sách đó, nhất là cái đoạn ông khái quát về những quy luật của rừng. Các đoạn văn ấy theo tôi là sự kết hợp cả kinh nghiệm sống của những người dân Lào bình thường và vốn văn hóa nhân bản mà ông đã tiếp nhận được từ văn hóa phương Tây, ở ngôi trường Lycée du Protectorat (Trường Trung học Bảo hộ) nay là trường Chu Văn An (Hà Nội).
Ông như nhắn nhủ chúng ta: phải biết đến với thiên nhiên từ văn hóa. Điểm bộc lộ cao nhất của tính chất trí thức ở Vũ Hùng chính là tinh thần nhân bản chi phối mọi trang viết của ông từ việc mô tả mối quan hệ giữa các loài vật cho đến mọi ghi nhận về cách sống của những con người khi họ biết sống hòa hợp với thiên nhiên hoang dã.
Đọc Vũ Hùng, tôi hiểu thêm một câu nói của nhà văn Pháp Labruyere: “Có những chỗ làm cho người ta thích nhìn ngắm; có những chỗ làm cho người ta rung cảm; có những chỗ làm cho người ta ham sống. Đó mới là bộ mặt đầy đủ của thiên nhiên”. Bởi, bạn không thể thu hẹp cuộc đời của mình mà phải biết cả thế giới. Cái mà ta phải học hỏi để tìm ra cách sống hợp lý là kinh nghiệm của mọi dân tộc khác!/.