Chiều 23/10, tại Viện Goethe ở Hà Nội, nhà báo Đào Mai Trang đã cho ra mắt cuốn sách “Nghệ thuật và Tài năng - Một cận cảnh về thế hệ 8X của mỹ thuật Việt Nam”. Cuốn sách do NXB Phụ Nữ in và phát hành, có độ dày 248 trang. Đây là ấn phẩm tiếp theo trong kế hoạch viết và xuất bản sách về đời sống nghệ thuật thị giác Việt Nam của tác giả Đào Mai Trang.
Kế hoạch này được mở đầu với dự án xuất bản sách song ngữ Việt - Anh “12 nghệ sỹ mỹ thuật đương đại Việt Nam” do cô chủ biên và được NXB Thế Giới in rồi phát hành vào năm 2010. Từ đó, Đào Mai Trang đã ấp ủ dự định viết riêng một cuốn sách khác về các nghệ sỹ trẻ hơn, những người sinh ra trong những năm 1980. Cô muốn đưa đến một cái nhìn rõ ràng hơn về sự trưởng thành trong sáng tạo nghệ thuật, dẫn đến danh tiếng, thành công riêng của mỗi nghệ sỹ. Đặc biệt, đáng chú ý là các nghệ sỹ được sinh ra trong giai đoạn 1980 – 1985, mà cô gọi là các nghệ sỹ 8X.
Bản thảo cuốn sách “Nghệ thuật và Tài năng - Một cận cảnh về thế hệ 8X của mỹ thuật Việt Nam” được phát triển từ tiểu luận nghiên cứu khoa học cấp cơ sở tại cơ quan Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật từ năm 2010 - 2012 của Đào Mai Trang, đã được cô bảo vệ thành công trong tháng 10/2012. Sau đó, cô có sửa chữa và hoàn thiện thành một bản thảo sách tiếng Việt, với khoảng 150 hình ảnh tác phẩm của các nghệ sỹ trẻ trong cả nước. Cuốn sách còn được chuyển ngữ sang tiếng Anh dưới dạng ebook.
Đào Mai Trang cho biết, hoạt động này nằm trong kế hoạch thực hiện dự án xuất bản sách độc lập của cô, với nhiều chi phí do chính cô bỏ túi và vận động sự hỗ trợ. Để hoàn thiện thêm bản tiếng Anh, cô đã nhận được sự trợ giúp từ ông John Kleinen - Phó giáo sư khoa Nhân học hình ảnh, Đại học tổng hợp Amsterdam, Hà Lan và nhà văn Mỹ Raquelle Azran, một người gắn bó với đời sống mỹ thuật Việt Nam hơn 20 năm qua.
Nội dung cuốn sách được chia làm 3 phần. Phần thứ 1 là “Bối cảnh xã hội” đề cập đến những thuận lợi và khó khăn trong hoàn cảnh khách quan tác động đến sáng tạo nghệ thuật của thế hệ nghệ sỹ 8X như sự thay đổi nhanh chóng của đời sống; sự đảo lộn các giá trị xã hội và văn hóa; tác động của kinh tế thị trường đến nghệ thuật; hoàn cảnh và môi trường thu nhận kiến thức nghệ thuật... Phần thứ 2 là “Những vấn đề chính phải đối diện” của mỗi nghệ sỹ là tài chính và tài năng.
Bên cạnh đó, phần thứ 3, Đào Mai Trang đi cụ thể khi đề cập về 9 nghệ sỹ của thế hệ này với các loại hình nghệ thuật đương đại là: Nguyễn Huy An (nghệ thuật trình diễn và hội họa), Bàng Nhất Linh (nghệ thuật sắp đặt), Nguyễn Phương Linh (nghệ thuật trình diễn), Thái Nhật Minh (điêu khắc), Lê Hoàng Bích Phượng (tranh lụa), Hà Mạnh Thắng (hội họa), Phạm Huy Thông (hội họa và nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Toàn (nghệ thuật trình diễn), Vũ Đức Trung (hội họa). Đào Mai Trang đã lựa chọn những gương mặt này là bởi nghệ thuật và cá tính nghệ sỹ của họ chứa đựng nhiều điểm nổi bật, khác biệt so với các đồng nghiệp cùng thế hệ.
Nhà văn – PGS.TS Đỗ Lai Thúy nhận thấy cách lựa chọn đối tượng cho cuốn sách của Đào Mai Trang là một lựa chọn hợp lý. Bởi theo ông, sự hình thành thế hệ nghệ sỹ 8X ở Việt Nam cũng là con đường để nghệ thuật trong nước đến gần hơn với nghệ thuật đương đại, nằm trong bối cảnh văn hóa hậu hiện đại. Đó cũng là thế hệ nằm trong sự chuyển giao của bối cảnh kinh tế - xã hội, và đời sống nghệ thuật ít nhiều chịu sự tác động từ đó.
Những hình ảnh về tác phẩm, về không gian triển lãm được minh họa bằng màu một cách sống động trong cuốn sách, nhờ sự đóng góp, thu nhận từ nhiều gallery, studio, những không gian nghệ thuật và các nghệ sỹ trên ở 3 miền trong nước.
Đào Mai Trang chia sẻ: “Những hình ảnh trong cuốn sách không đơn thuần chỉ là hình minh họa, mà cùng song hành với văn bản để người đọc không chỉ được xem, mà còn được ngắm nhìn và thấy rõ hơn các tác phẩm, các ý tưởng nghệ thuật của những người nghệ sỹ. Theo tôi, sách về nghệ thuật trong bối cảnh mới bây giờ phải là sách gợi mở ra vấn đề. Tôi không tự nhận đây là một cuốn sách hoàn thiện nhưng có thể sẽ là những đóng góp chân thành với các nghệ sỹ, cũng như gợi ra hướng đi để người đọc cùng tham gia vào đời sống nghệ thuật của họ. Đồng thời, người đọc còn có thêm một kênh thông tin, nếu họ hiểu và ủng hộ thì sẽ là động lực cổ vũ cho hoạt động của các nghệ sỹ”.
Là một người làm báo nhưng Đào Mai Trang đã chọn viết về mỹ thuật từ giữa những năm 1990, cô mong muốn tìm hiểu về lĩnh vực này với những trải nghiệm thực sự. Cô cũng bày tỏ một cách thẳng thắn những quan điểm, cách nhìn từ những quan sát, suy ngẫm của chính mình.
Trong cuốn sách lần này, cô không ngại bày tỏ cả sự thất vọng song hành với những hy vọng về các nghệ sỹ thế hệ 8X ở Việt Nam: “Họ đã, đang và sẽ tiếp tục dấn thân trong những lĩnh vực sáng tạo mà họ thừa hiểu là khó khăn nhiều hơn rất nhiều so với thuận lợi. Tôi mong họ nhận thấy từ cuốn sách này một tinh thần đồng cảm và cổ vũ dành cho họ. Tôi cũng luôn mong họ thực sự tỉnh táo trên hành trình sáng tạo và nhận ra chân giá trị của nghệ thuật cuối cùng có thể là gì”.
Nhà nghiên cứu Natalia Kraevskai đã cho rằng, cuốn sách còn như một tài liệu cụ thể dành cho các nhà quản lý về văn hóa – nghệ thuật. Hơn nữa, thông qua cuốn sách, người đọc có thể thấy rõ hơn tầm quan trọng của giáo dục trong việc cần chú trọng, đào tạo nâng cao sáng tạo nghệ thuật./.