Tiền đề của cuốn sách giản dị, nhưng nội dung của nó thì hoành tráng về quy mô, tạo ra một lát cắt rất rõ ràng về các gia tầng kinh tế xã hội Việt Nam.
Những bài phỏng vấn đa dạng và sự trung thực trong lời kể của các nhân vật được phỏng vấn làm cho cuốn sách trở nên ấn tượng. Thông qua cuốn sách, các tác giả hy vọng độc giả sẽ có thêm cơ hội để có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống tại Việt Nam ngày nay, nơi những người dân bình thường đang nỗ lực hết mình để có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân mình suốt 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần.
Cuốn sách bao gồm 67 cuộc phỏng vấn do tiến sỹ Gerald Sasgas và các sinh viên thực hiện, trong đó, những người trả lời phỏng vấn đều là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc trong và ngoài nước, ở đủ mọi nghề nghiệp và lứa tuổi, đã bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình về công việc, cuộc sống và khát vọng tiến lên phía trước.
Những bài phỏng vấn trong cuốn sách này được tiến hành như một phần trong chương trình giảng dạy của tác giả trong thời gian hướng dẫn Chương trình Giáo dục nước ngoài của Đại học California tại Việt Nam. Thông điệp quan trọng nhất của cuốn sách này đó là mọi nghề nghiệp đều có ý nghĩa như nhau, từ người nhặt rác, nông dân, đến nhân viên quảng cáo, tất cả đều nhằm mục đích có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những công ăn việc làm này được chia thành từng nhóm nhỏ, nhóm “sản xuất” có thợ may hay nghệ sĩ..., nhóm “buôn bán” có từ người bán cá đến bán xe hơi, nhóm “quản lý” có người bán giày dép ở lề đường đến nhân viên bán hàng đa cấp, nhóm “đầu tư” có cả đại lý bán vé số, nhóm “bảo vệ”, nhóm “sửa chữa”, nhóm “lau chùi”, nhóm “chăm sóc” như y tá, vật lý trị liệu... Tất cả các cuộc phỏng vấn đều nhằm giúp tác giả hiểu rõ hơn về thực tiễn nghề nghiệp tại Việt Nam hiện nay.
Andrew X.Phạm -kỹ sư của Đại học Califonia tại Los Angeles (UCLA) năm 1990 nhưng đã từ bỏ công việc chuyên nghiệp để đạp xe rong ruổi khắp các tiểu bang miền Tây nước Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi ở Việt Nam đã nhận xét: "1-2 năm sống ở một quốc gia không làm cho bất kỳ ai trở thành chuyên gia được. Nhưng một thập kỷ thì được. 10 năm “đắm đuối” ở một địa phương, với những vui buồn, khám phá, đau khổ, tình bạn, giận dữ, tuyệt vọng, và hy vọng. Trong khoảng thời gian đó – chiếm trọn một phần tư cuộc đời lao động của một người trưởng thành – một con người sẽ sống, yêu thương, và mất mát, không phải chỉ một lần và vài lần. Và nếu người ấy có đôi mắt luôn sẵn sàng quan sát, một trái tim luôn sẵn sàng cảm nhận, một tâm hồn sẵn sàng thấu hiểu, khi đó và chỉ khi đó người ấy mới trở thành một chuyên gia. Đó là những gì Gerald đã bỏ ra ở Việt Nam, và nó chứng minh tất cả. Rõ ràng, Việt Nam ngày nay - Chuyện mưu sinh là tác phẩm hiện thực tuyệt vời nhất về Việt Nam mà tôi từng đọc trong vòng một thập kỷ".
Tác giả Gerard Sasges đến Việt Nam năm 2000 để bắt đầu nghiên cứu Tiến sĩ về sử học tại Đại học California ở Berkeley. 2 năm sau, ông được bổ nhiệm làm giám đốc quốc gia cho Chương trình của Đại học California, một vị trí ông thích đến mức không hề rời bỏ trong suốt 10 năm sau. Sau đó, trong quá trình giảng dạy, ông đã tập hợp sinh viên và tổ chức dự án: Chuyện mưu sinh, từ đó tập hợp các bài phỏng vấn và bài viết để cho ra đời cuốn sách./.