Sáng nay, trong khuôn khổ Hội sách mùa thu đang diễn ra tại Hà Nội, Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức giao lưu với 3 tác giả viết về Hà Nội là Nguyễn Việt Hà, Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến. Buổi giao lưu mang chủ đề “Hà Nội trong dòng chảy lịch sử” qua các tác phẩm: “Ba ngôi của người”, “Cậu ấm” và “Me Tư Hồng”.

sach2_xxee.jpg

                       Từ trái sang: nhà văn Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Việt Hà tại buổi giao lưu 

Nếu “Ba ngôi của người” trải thời gian trên một vùng đất Thăng Long - Hà Nội 600 năm và đậm đặc thời hiện đại thì “Cậu ấm” là mạch thời gian về một Hà Nội thời thuộc địa đến những năm chiến tranh, bao cấp, và “Me Tư Hồng” dựng lại chân dung một người phụ nữ đã chủ động tiếp xúc với bên ngoài trong cuộc giao lưu Việt - Pháp thời thuộc địa, làm biến đổi bộ mặt Hà Nội.

Ba cuốn tiểu thuyết có thể xem như một bộ sử bằng văn chương về Hà Nội, với những lối viết nhiều yếu tố hậu hiện đại đan quyện với cảm xúc của những người gắn bó với mảnh đất này.

Đối với nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, tác giả tiểu thuyết “Me Tư Hồng”, trong bối cảnh Hà Nội cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 đầy biến động, đổi thay cùng nhiều giá trị mới hình thành bên cạnh yếu tố truyền thống, việc xây dựng hình ảnh người đàn bà mạnh mẽ, quyết liệt, dám sống với ước mơ, hoài bão lớn của mình chính là cách để nhà văn nhìn nhận lại số phận, cuộc đời của những người phụ nữ xưa. Điều đó có liên hệ với người phụ nữ thời nay cùng với con đường mà họ có thể phấn đấu trong thời hiện đại.

Nguyễn Ngọc Tiến cho biết: “Tôi không thanh minh, không cãi cho cô Tư Hồng, nhưng tôi nhìn cuộc đời và việc cô ấy làm dưới góc độ của ngày hôm nay. Tôi thấy đó thực sự là người có khát vọng, có ý chí, cũng rất nhân ái. Tôi cho rằng đấy mới là con người. Còn trước đây, chúng ta nhìn con người theo một sự áp đặt rằng những người đi ngược lại Nho giáo, đi ngược lại tập tục thì đấy là những người xấu. Trong bối cảnh xã hội hiện nay và câu chuyện đã xảy ra trước đó hơn 1 thế kỉ, khi nhìn nhận trong quan niệm ngày hôm nay thì đó không hẳn là đánh giá lại lịch sử, nhưng cũng nhìn lại cho đúng về một con người”.

Mặc dù là những tác phẩm văn học với những hình tượng nhân vật được hư cấu nhưng cả 3 tác phẩm đều toát lên chất hiện thực, tính sử liệu cao. Đặc biệt, tác phẩm “Cậu ấm” của nhà văn Trần Chiến lấy nguyên mẫu từ nhà trí thức, nhà văn hóa lớn Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Đình Long. Hay tác phẩm “Me Tư Hồng” của Nguyễn Ngọc Tiến lại lấy nguyên mẫu là cô Tư Hồng - một trong 3 nhân vật nữ nổi tiếng đầu thế kỉ 20 tại Hà Nội.

Ba tác phẩm "Cậu ấm", "Me Tư Hồng", "Ba ngôi của người" 

Nhà sử học Dương Trung Quốc, người tham gia buổi giao lưu cho rằng, cả 3 tác phẩm như một dòng chảy lịch sử của Hà Nội từ quá khứ đến hiện tại. Không chỉ là câu chuyện lịch sử, 3 tác giả đã gửi gắm đến những câu chuyện văn hóa, tiếp cận cái mới nhưng vẫn khao khát với truyền thống: “Đây là những câu chuyện rất thực. Vừa là sự khẳng định về cây bút viết tiểu thuyết có thân phận, có lý lịch, vừa là kết lại tiểu thuyết để tạo nên một giả thiết của tác giả. Nhưng dù sao, tôi vẫn thấy toát lên sự trân trọng của tác giả với nhân vật của mình, cho dù có nhiều câu hỏi và khác biệt ở sự đánh giá”.

Với 3 tác phẩm “Me Tư Hồng“, “Cậu ấm” và “Ba ngôi của người”, bạn đọc sẽ có thêm nhữn góc nhìn chân thực về đời sống của người Hà Nội xưa và nay./.