Tại Ngày thơ Việt Nam 2013 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám với chủ đề “Tuổi trẻ với Tổ quốc” và “Đất nước - Mùa Xuân”, trong đó có vấn đề chủ quyền đất nước, Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa; nhà thơ Trịnh Công Lộc đã trình bày bài thơ "Mộ gió", thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả yêu thơ. Ông chia sẻ: “Đề tài mang tính dân tộc, liên quan đến những vấn đề hệ trọng của đất nước thì dễ chạm tới cảm xúc của số đông người nghe”.

Nói về “Mộ gió”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: "Bài thơ ẩn chứa sự đau đớn, cảm phục và tôn vinh một cách toàn bích hình ảnh hi sinh dũng cảm của người chiến sỹ nơi đầu sóng ngọn gió. Đó là cảm xúc mạnh, dâng lên cao trào. Cấu trúc chặt, không rườm rà, tứ thơ được đẩy lên đến vô tận. Tác phẩm của Trịnh Công Lộc thực sự có tầm, hướng về giá trị lớn. Đó là sức mạnh của toàn dân tộc...".

"... Mộ gió đấy giăng từng hàng, từng lớp/ vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi/ là mộ gió, gió thổi hoài, thổi mãi /thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời!..."

"Mộ gió" cũng là tên tập thơ được Trịnh Công Lộc phát hành năm 2012. Trong tập “Mộ gió”, nhà thơ Trịnh Công Lộc viết nhiều về đồng bằng, về biển đảo, về than. Hiện đang công tác tại Hội đồng lý luận phê bình văn học Trung ương, Trịnh Công Lộc chia sẻ: “Những ngày tháng công tác ở Quảng Ninh, đề tài biển đảo đã cho tôi nhiều xúc cảm”.

tcl.jpg
Nhà thơ Trịnh Công Lộc

“Ông cha mình đã từ biển mà đi/ Vẫn rành rọt sáng soi từng hải lý/ Những luồng lạch nông sâu/ Thuộc lòng như chữ nghĩa/ Bao người đi gữi đảo không về/ Biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm/ Ru lời ru vô tận lòng sâu/ Mỗi đảo nhỏ đã hóa thành ngọn nến/ Thắp linh thiêng rừng rực sao trời…”

"Đây Hoàng Sa, đây Trường Sa cuối chót/ đôi bờ vai bát ngát biển trời/ gánh bao nỗi gian truân đất nước/ như Trường Sơn, xương máu chiến tranh/ như lịch sử thăng trầm mỗi bước/ đây Hoàng Sa, kia Trường Sa cối chót/ lại lên vai bát ngát mà đi!" (Trích trong bài thơ “Từ biển mà đi”).

Trịnh Công Lộc cho rằng, từ sau 1980, chất sử thi, chất chính luận, chất anh hùng trong thơ dường như có một khoảng lặng. Cho tới gần đây, khi có những vấn đề về biển đảo thì chủ nghĩa yêu nước lại dâng lên, cuồn cuộn dâng trào. Văn nghệ sỹ không hề né tránh những vấn đề nóng bỏng, chỉ có điều cảm xúc chưa bắt kịp với sự thay đổi của cuộc sống. Những cuộc thi về đề tài biển đảo được phát động cũng như chất xúc tác để cảm xúc thăng hoa.

Nghe ca khúc "Khúc tráng ca biển" - phổ nhạc bài "Mộ gió"
Trịnh Công Lộc chia sẻ: “Người nghệ sỹ không phải lúc nào cũng thăng hoa được. Với tôi, "Mộ gió" như là trời cho vậy. Tôi đã nung nấu “Mộ gió” từ rất lâu rồi, khi cảm xúc đến thì chỉ viết trong vòng 5 phút lúc 2h sáng. Ai cứ bám vào cội rễ, cội nguồn dân tộc thì trước, sau đều sẽ thành công. Thơ phải từ cuộc sống đi lên và lan tỏa, chứ không phải cứ “thù tạc” hay “triết tự”. Muốn đổi mới thi ca cũng phải bắt đầu từ dân tộc. Tôi quan niệm thơ phải mang tới giá trị lớn, thơ phải lan tỏa đến với mọi người”.

Mang những suy nghĩ lớn lao nhưng thơ của Trịnh Công Lộc giản dị, không hình thức, như chính con người anh, khiêm nhường mà chất chứa nhiều tâm sự:

“Nho nhỏ tôi - đã ra ngoài thứ bậc/Sao vẫn gập ghềnh vẫn cứ bấp bênh... /Nhưng dù sao, vẫn là phía cuối cùng/Chầm chậm đến bớt ồn ào, inh ỏi/Nho nhỏ thôi, để dễ đi, dễ nói/Để mọi người dễ nhớ, dễ gần nhau" (Trích trong bài thơ “Nho nhỏ thôi"). Hay: “Chúng ta sống giữa một thời biến động/ cái vương vãi đồng quê thành đặc sản phố phường... /Mọi thứ bậc do cuộc đời sắp đặt/ thì cuối cùng có khác gì nhau...(Trích trong bài “Đi cùng những người bạn”).

Nhà thơ Trịnh Công Lộc, quê gốc ở Thái Bình, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Quảng Ninh, hiện đang công tác tại Hội đồng lý luận phê bình văn học Trung ương. Ông là tác giả của tập thơ “Mộ gió”, đã từng đoạt giải Nhì về đề tài biển đảo năm 2012.
Trịnh Công Lộc viết về mẹ, về tình yêu nam nữ, nhưng những tình cảm đó được anh biểu hiện đầy kín đáo, giản dị và cũng thật sâu sắc. 30 năm trước, hình ảnh mẹ trong thơ Trịnh Công Lộc: "... Giặc bắn vào tim mẹ/- Chị không còn/Cánh buồm sững sờ trước mắt/Trên lưng mẹ bóng chiều lặng ngắt. Tím dài mặt sông!". 30 năm sau, ngày mẹ mất, anh viết: "Như mẹ đã "trốn" con, về chín suối/Mẹ không muốn sợi dây buồn tủi/Níu vào con, nhắm mắt không đành... Mẹ ơi con đâu biết/mẹ trốn con trước mặt/lại về, đứng sau lưng" (Mẹ trốn con), thì nỗi đau như lặn vào trong.

Anh tâm sự: "Hồi bà cụ ốm, cả tuần tôi ở bên cụ thì không sao, tôi vừa đi lại được tin ở nhà nhắn cụ đi rồi. Như thế có nghĩa là mẹ trốn con. Mẹ trốn con để gánh phần khó khăn cho con mình". Và vài tháng sau ngày mẹ mất, tập thơ "Mộ gió" ra mắt bạn đọc. Riêng bài thơ “Mộ gió" được nhạc sỹ Vũ Thiết phổ nhạc, đoạt giải Nhì cuộc thi "Đây biển Việt Nam" do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam và báo VietNamNet tổ chức năm 2012./.