Muốn xa khơi phải “biết bơi”
PV:Anh cảm thấy thế nào khi được ghi nhận là đạo diễn có số lượng phim về đề tài đất nước - con người miền biển đảo nhiều nhất châu Á?
Đạo diễn Văn Lượng:Đây là sự cân đong không đầy đủ nhưng thú vị về những mùa màng của một anh ngư phủ cùng với vạn chài của mình trên cánh đồng biển Việt Nam. Tôi nói không đầy đủ vì 221 phim họ đã kiểm chỉ là một phần gia tài của tôi.
Đạo diễn Văn Lượng |
PV:Tính đến nay anh đã thực hiện khoảng 600 bộ phim, gần một nửa trong số đó là phim về biển đảo. Làm phim về đề tài biển đảo nhiều như thế anh đã thấy mình cạn vốn?
Đạo diễn Văn Lượng:Ồ không! Cạn là cạn thế nào! Biển cả bao la, những số phận, những sự kiện và những trải nghiệm về một không gian hồn hậu luôn luôn mới. Chỉ khi anh không đi biển, anh không dám dấn thân vào bờ bãi và những số phận, những buồn vui của biển, không còn yêu biển thì mới cũ, mới cạn. Tôi chỉ nói đơn giản, anh biết đặt một góc máy đẹp giữa thiên nhiên hoang dại mà trữ tình thì hôm nào cũng có chuyện, hôm nào cũng luôn mới vì có cảm thức mơ mộng và trừu tượng riêng bởi thiên nhiên luôn đẹp, luôn mới - mỗi ngày mỗi khác. Nắng có đẹp của nắng, mưa có đẹp của mưa. Thậm chí chẳng mưa chẳng nắng vẫn đẹp mê hồn…
PV:28 năm làm phim với 221 bộ phim về biển đảo, trong đó có tới 40 phim được trao giải thưởng quốc gia và khu vực. Với bề dày kinh nghiệm như thế, anh có lời khuyên gì cho các đạo diễn trẻ muốn làm phim về biển đảo?
Đạo diễn Văn Lượng:Muốn làm phim về biển đảo đầu tiên phải “biết bơi” để tồn tại. Chịu khó dãi nắng, dầm sương để trải nghiệm và ghi hình. Nhưng quan trọng nhất là anh phải có góc nhìn, cách nhìn mang dấu ấn của chính anh. Anh phải đem cái tôi của mình dấn thân vào những đề tài cũ để tìm một cách lý giải riêng - độc đáo! Lao động trên biển cũng như làm phim về biển đảo rất vất vả, lam lũ, hiểm nguy hơn ở đồng bằng, thành phố rất nhiều.
PV:Nhà làm phim tài liệu người Chile Patricio Guzman cho rằng, một quốc gia không có phim tài liệu như một gia đình không có album ảnh. Làm phim tài liệu rất vất vả, kỳ công nhưng lại chưa được coi trọng. Hiện phim tài liệu đang bị “lép vế” trên sóng truyền hình. “Giờ vàng” luôn dành cho các chương trình truyền hình thực tế, phim truyện, ca nhạc? Anh có thấy chạnh lòng?
Đạo diễn Văn Lượng:Tôi không chạnh lòng mà thấy buồn, bởi tôi và những người kiểm duyệt sóng đã không biết sử dụng những vũ khí (nói theo không khí chiến chinh) độc đáo và hiệu quả tức thì ghê gớm. Nói một cách sòng phẳng là vì tôi dốt, tôi kém, tôi không đủ bản lĩnh nên tôi mới không dám và không được đốt hết mình cho thế cuộc của nhân gian. Nói như anh bạn đạo diễn người Chile kia thì chưa đủ lắm. Album ảnh của nhân gian còn chìm, còn lặn vào nhiều thứ công cụ khác đâu chỉ có phim. Các chương trình truyền hình thực tế, phim truyện, ca nhạc là ít cần à? Tôi thì tôi nói thẳng thế này, tôi còn sợ truyền hình đã cho quá nhiều giờ sóng, bắt khán giả xem quá nhiều những bộ phim tài liệu vô bổ vì nó lẩm cẩm và vô hồn.
PV:Trong đó có phim của anh?
Đạo diễn Văn Lượng:Không bao giờ! Nói vậy không sợ chủ quan bởi tôi có yêu tôi mới làm. Mà đã làm vì yêu thì sẽ có thứ để xem.
Tùy lưới và tùy chợ… tôi ra khơi
PV:Đã có thời gian phim tài liệu là thế mạnh và là niềm tự hào của điện ảnh Việt với nhiều giải thưởng quan trọng tại các kỳ liên hoan phim quốc tế. Tuy nhiên, phim tài liệu đang đánh mất chỗ đứng trong lòng khán giả. Có phải do phim truyền hình dễ đến với khán giả hơn nên gần đây anh có vẻ chuyên tâm làm phim truyện truyền hình?
Đạo diễn Văn Lượng:Tôi là dân làm nghề - sống với nghề như một gã ngư phủ, tôi không phân biệt phải săn cá mập, cá voi mà đôi khi cá bớp, tu hài, cua - ghẹ … tùy sức, tùy lưới và tùy chợ… tôi ra khơi! Không phải khoe nhưng rõ ràng tôi đã sống như thế và đã chứng minh mình có thể gặt hái thành công từ các thể loại phim: phóng sự ngắn - dài, tài liệu một đến nhiều tập, phim truyện các kiểu… Tôi đã ra biển và lấy được nhiều loại cá vàng, cá bạc từ biển. Sau khi làm bộ phim lịch sử “Con mắt bão”, tôi đang chuẩn bị làm phim “Phật Hoàng Trần Nhân Tông”. Tôi phải nói thế này, tôi chuẩn bị ra biển để săn của biển những gì tôi cho là quý, là hiếm với chợ đời! (theo cách hiểu của tôi). Tuy nhiên, sau phim này nếu cuộc đời cần và tôi có thể đáp ứng, tôi lại trở về với tài liệu - phóng sự được ngay!
"Tùy lưới và tùy chợ… tôi ra khơ" |
PV:Được biết phần 1 bộ phim lịch sử “Con mắt bão” dài 20 tập của anh đã đoạt giải “Cánh Diều Bạc” tại Cánh Diều năm 2013. Bao giờ bộ phim đến với công chúng?
Đạo diễn Văn Lượng:Phim đã được Đài Truyền hình Hải Phòng phát sóng. Khán giả đã thổn thức vui - buồn với nó. Còn phát sóng rộng rãi toàn quốc ở các đài lớn thì phải hỏi họ - những ông chủ của các giờ sóng đó. Tôi rất thèm mà đành chịu!
PV:Còn bộ phim dài 45 tập về Phật Hoàng Trần Nhân Tông tiến triển đến đâu rồi, thưa anh?
Đạo diễn Văn Lượng:Tôi đang chuẩn bị chài lưới, cơm nắm muối vừng… nhưng con thuyền tôi chọn còn chưa ưng ý. Tôi phải chọn thủy thủ, khoan đục, bắt vít thật chặt lại thân thuyền trước khi ra biển kẻo gặp bão - sóng. Tôi phải chuẩn bị thật chu toàn (hoặc ít ra là mình cho là vậy), rồi mới phát lệnh cho thủy thủ đoàn kéo buồm ra khơi.
PV:Tình yêu nghề của anh đã truyền sang các con - hai đạo diễn trẻ. Anh có bí quyết gì truyền lại cho các con để họ gặt hái được thành công như anh?
Đạo diễn Văn Lượng:Con phải thích và làm những gì đắc dụng với cuộc đời. Hãy yêu và trân trọng các tác phẩm của mình. Nếu biết yêu thì biết sợ, nếu biết sợ thì phải yêu thật và biết lo toan cho cuộc sống thật trong tác phẩm của mình.
Còn đầu óc, cơ bắp và đôi chân của các bạn trẻ ấy, tôi sợ các bạn ấy không đi bằng đôi chân trần mà thế hệ già như chúng tôi đã đi…
PV:Xin cảm ơn đạo diễn Văn Lượng!/.