Tiến tới kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Công đoàn Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam phối hợp với nhà xuất bản Lao động và gia đình nhà văn Lê Phương, tái bản tiểu thuyết “Bất khuất”.
Xuất bản lần đầu (hai tập) vào năm 1964, tiểu thuyết “Bất khuất” của nhà văn Lê Phương tái hiện cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong các năm 1930 của mấy chục vạn công nhân vùng mỏ than Đông Bắc, mà đỉnh điểm là cuộc đấu tranh ngày 12/11/1936 đòi dân sinh dân chủ, cải thiện đời sống của 30 vạn công nhân vùng mỏ than Đông Bắc.
Nhà văn Lê Phương. |
Nhà văn Lê Phương những năm đầu 1960 đang làm việc tại nhà xuất bản Lao Động, đã dành thời gian đi tìm hiểu thực tế, gặp các nhân chứng sống là các cán bộ đảng viên tham gia lãnh đạo phong trào công nhân mỏ những năm đó, cùng sống, làm việc với các công nhân và gia đình công nhân đã từng tham gia đấu tranh, tra cứu các tài liệu, hoàn thành một bộ tiểu thuyết sử thi về một giai đoạn oanh liệt của “vùng mỏ bất khuất”.
Ngay từ khi được xuất bản, tiểu thuyết “Bất khuất” đã được sự hoan nghênh của đông đảo cán bộ, công nhân và nhân dân vùng mỏ than Đông Bắc, là một cuốn lịch sử quý của công nhân vùng mỏ
Thời gian trôi nhanh. Đã nửa thế kỷ cuốn tiểu thuyết “Bất khuất” ra đời. Bản in lần đầu không còn nhiều. Thế hệ con cháu công nhân vùng mỏ than Đông Bắc, lớp người trẻ hôm nay, muốn tìm đọc cũng không có sách để đọc. Việc tái bản cuốn sách trở thành một việc “cần làm ngay”. Công đoàn Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam cũng xem việc tái bản cuốn “Bất khuất” là một việc làm thiết thực kỷ niệm ngày truyền thống của giai cấp công nhân.
Cuốn tiểu thuyết “Bất khuất” tái bản lần này được in thành một tập, bìa cứng, giấy tốt. |
Phát biểu tại buổi giới thiệu cuốn sách, ông Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn Than Khoáng sản Việt nam nhấn mạnh: đây là một tài sản quý của công nhân vùng mỏ. Bạn đọc hôm nay có thể tìm được những cảm xúc sống động về một thời kỳ đấu tranh vì độc lập của đất nước, tự do của dân tộc của những người công nhân vùng mỏ than Đông Bắc.
Ông Hoàng Tuấn Dương, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Đảng uỷ than Quảng Ninh, người hơn nửa thế kỷ trước đã cùng nhà văn Lê Phương đi thâm nhập thực tế để viết cuốn “Bất khuất” cho biết: Trong hơn 40 nhân chứng tham gia vào cuộc đấu tranh năm 1936 mà nhà văn Lê Phương đã gặp, nay chỉ còn lại một ngưởi. Bởi vậy, việc tái bản cuốn tiểu thuyết “Bất khuất” trong năm 2019 là một việc làm rất đúng lúc. Đây là nguồn tư liệu lịch sử quý giá để tiếp tục giáo dục trong công nhân vùng mỏ nói riêng, lớp trẻ hôm nay nói chung, truyền thống yêu nước, trung thành với Tổ quốc, với Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Nhân dịp này, Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đã tặng cuốn tiểu thuyết “Bất khuất” cho hơn một trăm cộng tác viên của tờ Tin điện tử của Tập đoàn có mặt trong buổi giới thiệu cuốn sách. Đồng thời cho biết sẽ phổ biến rộng rãi đến các đơn vị sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Phát biểu tại buổi giới thiệu cuốn tiểu thuyết “Bất khuất”, nhà văn Lê Phương, năm nay đã 86 tuổi, bày tỏ lòng khâm phục trước truyền thống anh hùng của công nhân vùng mỏ than Đông Bắc “sản xuất than như bộ đội đánh giặc”.
Ông cũng nhắc lại rằng chính trong quá trình viết cuốn tiểu thuyết về công nhân vùng mỏ, cái “ chất công nhân” đã thấm vào ông và ông đã mang tinh thần ấy vào mọi sáng tác sau này. Đó là một thái độ lao động nghiêm túc, đã nói là làm và làm tốt nhất có thể, với tinh thần cống hiến đầy trách nhiệm./.