Kể từ khi xuất bản "Casino Royale" vào năm 1952, James Bond của Ian Fleming đã là một mật vụ tài ba, một đặc vụ chính phủ sành sỏi, người đã đi khắp thế giới trong khi nhấm nháp ly rượu vodka martini và thu hút những người đẹp nóng bỏng.
Điệp viên 007 bước lên màn ảnh rộng và trở thành biểu tượng văn hoá đại chúng qua sự hoá thân của 6 nam tài tử huyền thoại trong 25 bộ phim. Kể từ lần xuất hiện đầu tiên vào năm 1962, hình tượng Bond vẫn luôn bị bủa vây trong cuộc chiến giữa việc ăn khớp với nguyên tác của Fleming về "một điệp viên quý ông nghiện rượu, sát gái" và việc thay đổi để phù hợp với quan điểm của thời đại về tình dục và bạo lực trên màn ảnh.
Với sự kiện công chiếu "No time to die" sau quãng thời gian bị trì hoãn, bộ phim thứ năm và cuối cùng của Daniel Craig trong vai diễn "007", tờ SCMP đã điểm lại quá trình biến đổi của nhân vật này kể từ lần đầu ra mắt màn ảnh bạc.
Sean Connery (1962-1967, 1971, 1983)
Thật khó để tưởng tượng rằng khi Sean Connery lần đầu được tuyển vào vai Bond, Fleming đã thể hiện sự bất mãn với việc lựa chọn nam diễn viên người Scotland này. Trong tiểu thuyết của mình, tác giả đã so sánh Bond với nhạc sĩ người Mỹ Hoagy Carmichael, và muốn David Niven đảm nhận vai chàng điệp viên.
Nhưng ngay từ cảnh đầu tiên của nam tài tử trong "Dr. No", khi ông hững hờ châm điếu thuốc và thốt ra lời thoại bất tử: "Bond, James Bond" trên nền nhạc kinh điển của Monty Norman, Connery chính là James Bond.
Connery mang đến một sự dí dỏm vắng bóng trong các tiểu thuyết của tác giả. Nhân vật Bond của Fleming là gã điệp viên thẳng thắn, một nhân vật thể hiện sự trung lập trước những điều thú vị diễn ra xung quanh. Trong khi đó 007 của Connery thì lại hòa nhập với thế giới, có thói quen sử dụng bạo lực hoặc những yếu tố khác để tận hưởng niềm vui trong công việc.
Ngày nay, hành vi này có thể được coi là đáng trách, nhưng vào những năm 1960, thái độ táo bạo, mạnh dạn như vậy đã khiến James Bond trở thành một nhân vật tưởng tượng với sức hút không thể cưỡng lại.
Bond của Connery thường xuyên đối đầu với mạng lưới khủng bố giả tưởng S.P.E.C.T.R.E. thay vì cơ quan Xô Viết SMERSH được đề cập trong nhiều tiểu thuyết thuở đầu của Fleming. Loạt phim khiến Connery trở thành một siêu sao toàn cầu, nhưng vào phần phim thứ 5 của mình, "You only live twice" năm 1967, ông đã trở nên chán chường với vai diễn này. Ông quyết định dừng đóng vai "007", nhưng chỉ trong một thời gian ngắn khi Connery trở lại trong phần phim "Diamonds are forever" năm 1971, và một lần nữa, khi ông 52 tuổi với "Never say never again" năm 1983, bản remake không chính thức của "Thunderball".
George Lazenby (1969)
Nam diễn viên người Australia ít người biết đến lúc bấy giờ chỉ đóng vai Bond một lần, nhưng đã thể hiện vai diễn một cách trọn vẹn. Với ngoại hình điển trai, góp phần giúp đây trở thành một trong những phần nổi tiếng nhất của loạt phim này.
Trong "Her majesty's secret service", Bond lần đầu tiên xuất hiện tại sân trượt tuyết, cố gắng ngăn chặn âm mưu của kẻ thù lâu năm Ernst Stavro Blofeld nhằm gây ra một đại dịch toàn cầu.
Quan trọng hơn, bộ phim cho thấy Bond kết hôn với Contessa de Vicenzo (do Diana Rigg thủ vai) để rồi trở thành góa phu chỉ vài khoảnh khắc sau. Điều này đã trở thành một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của nhân vật về sau.
Lazenby hoàn thành vai diễn một cách ngoạn mục, nhưng vì lo sợ bị đồng nhất với hình tượng nhân vật cũng như tương lai của chuỗi phim trong những năm 1970, nam diễn viên đã từ bỏ ý định diễn tiếp trước khi bộ phim được phát hành. Trớ trêu thay, quyết định đó đã khiến ánh hào quang của Lazenby dần vụt tắt sau quãng thời gian ngắn ngủi.
Roger Moore (1973-1985)
Moore đã 46 tuổi khi quyết định đóng vai James Bond, vai diễn gắn liền với ông hơn một thập kỷ. Vốn là ngôi sao truyền hình nổi tiếng nhờ "The saint and the persuaders", Moore đã nhào nặn Bond trở thành một gã tay chơi với sức hút không chỉ dừng lại ở cái nhếch mày ngạo nghễ hay lối nói có phần ngông cuồng.
Với việc Blofeld và SPECTRE bị trói buộc trong một cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài hàng thập kỷ, Bond phải đối mặt với hàng loạt những kẻ phản diện điên cuồng ở châu Âu với những kế hoạch ngày càng lố bịch về sự thống trị thế giới.
Vào những năm 1970 khi thị hiếu công chúng dần thay đổi, loạt phim James Bond đã vật lộn để duy trì danh tiếng, từ sự châm biếm ("Live and let die") và kungfu ("The Man with the Golden Gun") cho đến khoa học viễn tưởng ("Moonraker").
Những người yêu thích nguyên tác khi đó than vãn về sự lột xác của loạt phim, họ chán chường khi chứng kiến nhân vật điệp viên quen thuộc đi vòng quanh trong những chiếc xe bay, những chiếc tàu ngầm hình cá sấu và thậm chí đi ra ngoài không gian, trong khi chơi bời với những phụ nữ mới chỉ nửa tuổi của mình. Tuy nhiên tại phòng vé, loạt phim vẫn được công chúng ưa chuộng, trong khi những tác phẩm nổi bật như "Spy who love me" vẫn đảm bảo cho Moore lượng người hâm mộ trung thành.
Timothy Dalton (1987-1989)
Sau khi quãng thời gian gắn bó với Moore, Eon Productions đã tuyển Timothy Dalton, một diễn viên chững chạc với khuôn mặt nghiêm khắc có lẽ giống với nhân vật gốc của Fleming nhất: lạnh lùng, bí ẩn và hầu như không nở nụ cười.
Loạt phim lại một lần nữa lạc lối khi tìm kiếm hướng đi phù hợp trong thập niên 80, khi các anh hùng trong những bộ phim hành động chia ra hai trường phái: hoặc là những siêu chiến binh có cơ bắp vạm vỡ như Sylvester Stallone và Arnold Schwarzenegger hoặc là hình mẫu cảnh sát khôn ngoan như Bruce Willis và Mel Gibson.
Và cuối cùng loạt phim cũng quay trở lại với cốt truyện Chiến tranh Lạnh ban đầu của Bond, đối đầu với SMERSH trong "The Living Daylights", phần phim này cũng xuất hiện phân cảnh chàng điệp viên giúp đỡ Mujahideen, những người du kích Hồi giáo, trước khi bắt đầu hành trình chiến đấu chống lại một trùm ma túy Nam Mỹ để trả mối thù cá nhân trong "License to Kill".
Pierce Brosnan (1995-2002)
Sau gần 6 năm vắng bóng, loạt phim về chàng điệp viên 007 cuối cùng cũng trở lại với Pierce Brosnan thủ vai. Nam diễn viên trước đây đã được chỉ dẫn để nối tiếp Moore, nhưng từ chối do không thể hủy hợp đồng series "Remington Steele" của anh.
Bấy giờ, dưới sự quản lý và giám sát của Barbara Broccoli, con gái nhà sản xuất phim lừng danh Albert R. Broccoli, và Michael G. Wilson, James Bond đã tái xuất dưới một diện mạo và tính cách hoàn toàn mới. Chiến tranh lạnh đã kết thúc, và làn sóng về đạo đức chính trị đã phản đối nhiều đặc điểm tiêu biểu của Bond. Liệu rằng nền điện ảnh thế giới có còn chỗ cho Bond không?
Trong một động thái khôn ngoan, nữ diễn viên gạo cội Judi Dench đã được chọn đóng vai M, người đứng đầu tổ chức MI6 và sẵn sàng trách mắng điệp viên hàng đầu của mình vì là " một kẻ phân biệt giới tính, con khủng long ghét phụ nữ" và "một di tích của Chiến tranh Lạnh". Thái độ tự mãn của Brosnan cũng đóng vai trò không nhỏ cho cú chuyển mình của nhân vật 007, và kể từ lúc này Bond không bao giờ hút thuốc trên màn ảnh (ngoại trừ một điếu xì gà Cuba trong "Die Another Day"), và liên tục bị đe dọa bởi những phụ nữ đáng gờm do Famke Janssen, Michelle Yoh và Halle Berry thủ vai.
James Bond của Brosnan thậm chí còn phải đối mặt với nữ siêu tội phạm đầu tiên của loạt phim này: Người thừa kế dầu mỏ đáng kinh ngạc do Sophie Marceau thủ vai trong "The World Is Not Enough". Sự phóng đại một cách vô lý, yếu tố gây cười cứng nhắc được cài cắm trong những trò đùa Giáng sinh và những chiếc xe vô hình, nhưng gu hài hước duyên dáng của Bond cũng đã trở lại màn ảnh.
Daniel Craig (2006-2021)
Mặc dù hình tượng 007 do Daniel Craig thủ vai sẽ được nhớ đến như một chiến tích vang dội (với 15 năm gắn bó, khoảng thời gian dài nhất so với các tiền bối), nhưng nó không hề suôn sẻ chút nào. Sự phẫn nộ lan rộng sau vụ casting của nam tài tử, với chiến dịch "Bond not blond" đã gây sóng gió cho diễn viên này cho đến tận khi "Casino Royale" được phát hành.
Bond của Craig là một tay võ sĩ bụi bặm, chật vật trong việc khoác lên bộ tuxedo, và luôn bị thương sau mỗi lần chiến đấu. Những câu chuyện dí dỏm của anh ta luôn được lồng ghép với những lời lẩm bẩm mỉa mai. Để nói ngắn gọn thì đây là hình tượng hoàn hảo.
Cùng với nỗi ám ảnh của Hollywood về việc làm lại gần như mọi thứ, thời gian gắn bó của Craig với loạt phim này trải dài từ lúc Bond được tuyển vào chương trình điệp viên cho đến khi nghỉ hưu vào những phút đầu của "No time to die". Ngoài màn ảnh, Craig phải tranh đấu với cuộc đình công của các biên kịch khiến "Quantum of Solace" dang dở cũng như đối đầu với đại dịch toàn cầu.
Tuy nhiên chúng ta cũng có "Skyfall", một bom tấn kỷ niệm 50 năm hoàn hảo làm hài lòng bất kỳ người hâm mộ nào của Bond. Vì vậy nên dù ván bài ngả về phía nào khi "No time to die" kết thúc, và dù có ai sẵn sàng bước lên tiếp nối nhân vật huyền thoại này thì một điều chắc chắn chính là: James Bond sẽ trở lại./.