Cục trưởng Cục điện ảnh Vi Kiến Thành vừa ký quyết định cấm phổ biến phim "Vị" (tên tiếng Anh: Taste) tại Việt Nam vì tác phẩm "không phù hợp với văn hóa Việt Nam".
Phim "Vị" của đạo diễn Lê Bảo có nội dung xoay quanh cầu thủ đá bóng người Nigeria đến Việt Nam lập nghiệp, hợp đồng chấm dứt và lâm cảnh khốn khó, anh ta chấp nhận ở chung nhà, cùng sinh hoạt với bốn người phụ nữ lớn tuổi là lao động nghèo. Theo thông tin từ Hội đồng thẩm định, “Vị” có những cảnh khỏa thân của cả năm nhân vật rất trực diện và kéo dài tới hàng chục phút.
Trước đó, phim bị Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phạt 35 triệu vì tham dự Liên hoan phim Berlin vào tháng 3/2021 dù chưa xin cấp phép phổ biến. Tại liên hoan phim này, "Vị" đoạt Giải Đặc biệt ở hạng mục Encounters. Đây là hạng mục nhằm thúc đẩy các nhà làm phim độc lập, hỗ trợ quan điểm mới trong điện ảnh.
Như vậy, phim “Vị” tiếp tục lặp lại trường hợp như phim "Ròm", đưa đi dự thi ở nước ngoài khi chưa được cấp phép phổ biến trong nước. Tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019, “Ròm” của đạo diễn Trần Thanh Huy giành giải thưởng cao nhất - New Currents. Phim được phát triển từ "16h30", từng thắng giải Cánh Diều Vàng 2012 và được chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013. Trước khi tham dự giải, bộ phim từng gây tranh cãi về cấp phép, thậm chí từng bị Cục Điện ảnh phạt vì “thi chui”. Tuy nhiên sau đó, nhà sản xuất cũng đã có được giấy phép phát hành do Cục cấp.
Trước “Ròm” và “Vị”, phim “Vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh trước khi ra mắt các khán giả trong nước đã chinh chiến và giành nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế: Phim thắng giải của NETPAC - tổ chức phát triển điện ảnh Châu Á gồm 29 quốc gia thành viên - ở Liên hoan phim Toronto (Canada); giải TVE-Another Look tại Liên hoan phim San-Sebastian (Tây Ban Nha) và “Phim xuất sắc” ở hạng mục tác phẩm quốc tế tại Liên hoan phim Kolkata International (Ấn Độ).
Tuy nhiên khi chiếu ở Việt Nam, “Vợ ba” vấp phải phản ứng của khán giả khi để diễn viên 13 tuổi đóng một số cảnh nhạy cảm. Do áp lực dư luận, nhà sản xuất rút phim khỏi rạp sau bốn ngày công chiếu. Đồng thời, nhà sản xuất phim bị phạt 50 triệu đồng vì Cục Điện ảnh phát hiện bản phim "Vợ ba" chiếu tại rạp khác với bản phim đã được thẩm định, cấp phép và lưu chiểu…
Hiện nay, theo quy định của nhiều liên hoan phim quốc tế, họ sẽ tuyển phim trực tiếp với các cá nhân, đơn vị mà không thông qua cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Chính vì thế, không ít đơn vị sản xuất, đạo diễn mang phim đi dự thi, công bố ở nước ngoài trước, sau đó mới về nước xin cấp phép phổ biến và phân loại phim. Điều này trái với quy định tại Việt Nam, đó là trước khi mang phim đi thi quốc tế, nhà làm phim phải trình duyệt với Cục Điện ảnh và có buổi chiếu thẩm định để xin cấp phép phổ biến và phân loại phim.
Mục đích của việc kiểm duyệt phim là để bảo đảm không lọt tác phẩm có nội dung nhạy cảm, phản cảm, ảnh hưởng tới mọi mặt của xã hội và con người. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, vì quy trình trong nước khó khăn, cơ chế kiểm duyệt vẫn quá khắt khe, thiếu cởi mở, cho nên các nhà làm phim buộc phải tháo gỡ bằng con đường từ bên ngoài.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn, thành viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia cho biết: “Việc đem bản phim chưa được duyệt ra nước ngoài chiếu rồi mới quay trở lại xin cấp phép ở Việt Nam nghĩa là các nhà làm phim đó không tin tưởng rằng hội đồng duyệt có thể cho qua. Có người thấy đáng tiếc, nhưng chỉ khi xem được bản phim đầy đủ mới đánh giá được. Phim có thể mang tính phản biện xã hội, nói lên những góc khuất của xã hội, nhưng quan trọng phải mang thông điệp nhân văn, tình yêu cuộc sống. Khi làm phim, điều quan trọng là làm sao để đưa ra thế giới cảm nhận về con người Việt Nam có thể có những nhược điểm, mình không phủ nhận, nhưng không thiếu những mặt tốt. Tuy nhiên, có những bản phim đầy đủ chiếu ở quốc tế có cái nhìn không đẹp về Việt Nam. Nhiều bộ phim mang lại cảm giác u ám, bế tắc. Con người Việt Nam trong phim đáng thương, bệ rạc, phải vật lộn với cuộc sống khổ sở, nhếch nhác, không lối thoát. Với những bộ phim như thế, những nhà làm phim phải suy nghĩ về trách nhiệm công dân của mình”.
Theo NSNA Việt Văn, trước hết, chúng ta phải hiểu rằng mỗi liên hoan phim có một tiêu chí khác nhau và nhiều liên hoan phim thiên về ca ngợi, tôn vinh những bộ phim phản ánh góc khuất của xã hội. Góc khuất đấy không xấu, nhưng vấn đề là cái nhìn của nhà làm phim. Cũng một góc khuất nhìn theo con mắt nhân văn khác với cái nhìn bế tắc, thậm chí hẳn học, hạ thấp phẩm giá con người.
“Nếu suy nghĩ phim được giải nên phải hay thì không chắc. Có những phim không đoạt giải vẫn hay và ngược lại, phim đoạt giải chưa chắc đã hay, chẳng qua nó phù hợp với một tiêu chí nào đó của liên hoan phim”, NSNA Việt Văn nói.
Theo NSNA Việt Văn, trên thế giới, có nhiều nước quy định trước khi tác phẩm điện ảnh dự thi hoặc phổ biến ở nước ngoài, các đơn vị sản xuất phải tuân thủ quy trình cấp phép phổ biến và phân loại phim trong nước. Ở một số quốc gia như Trung Quốc, Singapore, một bản phim sau khi được duyệt, cấp phép rồi mà đem một bản khác đi chiếu ở nước ngoài thì sẽ bị phạt rất nặng. NSNA Việt Văn cho rằng, kiểm duyệt phim ở Việt Nam so với nhiều nước khác chưa phải quá khắt khe như nhiều người nhận xét.
Để tình trạng này không còn xảy ra, theo NSNA Việt Văn, điều quan trọng là ý thức của những nhà làm phim. “Luật Điện ảnh có dự thảo sửa đổi rồi và tôi hy vọng dự thảo sửa đổi này sẽ đáp ứng được xu hướng chung của điện ảnh Việt Nam phù hợp với thời đại mới, không quá khái quát nhưng cũng không quá cụ thể đến mức tiểu tiết vì cuộc sống vận động liên tục. Quan trọng là các đạo diễn có ý thức là phim Việt Nam đưa ra quốc tế phải mang bản sắc văn hóa Việt Nam, thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam, nếu có đi vào góc khuất thì vẫn thể hiện được khát vọng vươn lên”, NSNA Việt Văn nói./.