Hình ảnh và cuộc đời hoạt động Cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành nguồn cảm hứng đối với nhiều nhà làm phim tài liệu lịch sử ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Những câu chuyện về con người Đại tướng, cũng như chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đã được tái hiện qua nhiều bộ phim tài liệu như: “Trận chiến giữa hổ và voi”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một thế kỷ, một đời người”,"Điện Biên Phủ - cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới"…

Tuy nhiên, ít ai biết rằng bộ phim tài liệu đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức được công chiếu là bộ phim có tên “Chiến thắng Điện Biên Phủ và quyết định sáng suốt” do đạo diễn Phạm Đức Hùng thực hiện. Ông cũng chính là con trai của Trung tướng Phạm Kiệt, đội trưởng đội du kích Ba Tơ, người đã gắn bó bên cạnh Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Niềm vui khi phát sóng phim tài liệu về Đại tướng

Là con trai của Trung tướng Phạm Kiệt, nên Phạm Đức Hùng cũng có nhiều cơ hội được gặp gỡ và hiểu rõ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một trong những bộ phim mà đạo diễn Phạm Đức Hùng tâm đắc nhất, đó là “Chiến thắng Điện Biên Phủ và quyết định sáng suốt”. Trong đó, với thời lượng gần 30’, nội dung phim có đề cập tới quyết định khó khăn nhất của Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, và Trung tướng Phạm Kiệt chính là người duy nhất đã mạnh dạn đề nghị Đại tướng xem xét lại kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, qua đó góp phần xứng đáng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Bộ phim ban đầu được đặt tên là “Quyết định sáng suốt của Tổng tư lệnh”. Phim được đạo diễn Phạm Đức Hùng bắt tay thực hiện vào ngày 8/3/2004. Với khả năng hiểu biết về lịch sử và nguồn tư liệu dồi dào, chỉ chưa đầy một tháng, tới ngày 29/3 sau đó, bộ phim đã được hoàn thiện. Và tới ngày 4/4/2004, phim chính thức được lên sóng trên truyền hình Trung ương. Nhưng lúc đó, bộ phim mới được đổi tên thành “Chiến thắng Điện Biên Phủ và quyết định sáng suốt” nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

vo%20nguyen%20giap%20phim.jpg
Một cảnh quay về phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bộ phim 

Đạo diễn Phạm Đức Hùng bồi hồi chia sẻ: “Đó lần đầu tiên, hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đưa trọn vẹn lên truyền hình. Trước đó, cũng đã từng có nhiều bộ phim về Đại tướng được thực hiện, trong đó có cả phim truyện, nhưng chưa có bộ phim tài liệu nào được công chiếu rộng rãi, và chưa có bộ phim lịch sử hoàn thiện nào về Đại tướng được phát sóng trên truyền hình Trung ương. Đa phần phim mới chỉ được chiếu nội bộ với những người làm phim và trong quân đội. Nên khi nghe tin bộ phim về mình và chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ được chính thức tuyên truyền, quảng bá công khai trên sóng truyền hình, Đại tướng vui lắm. Thấy Đại tướng vui mà cũng mừng lây. Ở thời điểm đó, Đại tướng vẫn còn rất khỏe mạnh”.

Sau đó, bộ phim cũng dần dần được công chiếu rộng rãi hơn trên các kênh truyền hình trong nước và được sử dụng làm tư liệu cho nhiều chương trình khác về lịch sử. Tác phẩm của đạo diễn Phạm Đức Hùng đã trở thành bộ phim tài liệu “tiên phong” khắc họa hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên màn ảnh.

Đam mê làm phim tài liệu

Dù đã hơn 70 tuổi, trải qua một cuộc đời vừa viết báo vừa góp phần thực hiện tới hơn hơn 1000 bộ phim tài liệu, nhưng đạo diễn Phạm Đức Hùng không tự nhận mình là một người nghệ sỹ. Nói vui về nghề nghiệp của mình, Phạm Đức Hùng chỉ mỉm cười cho rằng: “Đúng ra, cái nghề chính của tôi là đi chiến đấu, tức là đi đánh nhau, là bắn máy bay. Còn từ việc viết báo, thu thập tư liệu rồi chuyển sang làm phim, đấy là niềm đam mê rồi. Công việc làm trước hết là từ cái đam mê ấy!”.

Trong suốt sự nghiệp cầm máy của mình để tạo nên những tác phẩm lịch sử như vậy trên màn ảnh, đạo diễn Phạm Đức Hùng chỉ gắn bó với phim tài liệu. Ông cho rằng chỉ có thể loại phim tài liệu mới đề cập về lịch sử một cách trung thực, chính xác và chân thật nhất. Ông chia sẻ mình không thích làm phim truyện, vì theo ông, làm phim truyện thì sự thật sẽ có phần được cải biên, và không mang tới cảm giác chứng thực, chính sử như phim tài liệu.

Có nhiều bộ phim mà chính tay Phạm Đức Hùng vừa làm đạo diễn, vừa quay phim vừa làm kịch bản, vừa viết lời bình, vừa đưa ra ý tưởng về kỹ thuật, dựng phim, cắt ghép, lồng ghép tư liệu... Nhưng đối với ông, niềm đam mê ấy chẳng hề khiến ông cảm thấy e ngại khi tự mình đảm nhiệm mọi công việc để hoàn thiện một tác phẩm điện ảnh lịch sử.

Đạo diễn Phạm Đức Hùng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh: do nhân vật cung cấp)

Bên cạnh đó, để thực hiện phim, ông còn phải lặn lội tới nhiều nơi, liên hệ với nhiều người để tìm kiếm những nhân chứng lịch sử, những người am hiểu về lịch sử để phỏng vấn, để ghi lại hình ảnh. Nguồn tư liệu của ông cũng trở nên dồi dào với những tư liệu mà phải “mày mò”, khai thác từ xưởng phim của Quân đội, từ các Trung tâm lưu trữ, từ Xưởng phim tài liệu khoa học Trung ương. Có những tư liệu thu thập được là nhờ quá trình trao đổi với phía Đại sứ quán Pháp hay từ những người đồng đội trực tiếp ghi được.

Một trong những yếu tố quan trọng mà ông luôn tự nhắc nhở bản thân: “Tư liệu không thể tự đến với mình được. Sử cũng nằm trong dân nữa”, đó chính là thực tế, là kinh nghiệm và là tư liệu từ chính những con người bình thường mà ông tìm kiếm được. Phạm Đức Hùng cho rằng: “Chẳng hạn, khác với những phóng viên thường chụp những bức ảnh mang tính thời sự, đôi khi có sự sắp xếp, bố trí, thì những người bình thường cầm máy lại có thể bắt được những khoảnh khắc ‘đời’ hơn ở những con người vĩ đại, như Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều đó khiến hình ảnh của họ thật hơn và gần gũi hơn”.

Ngay cả với việc viết lời bình cho phim, Phạm Đức Hùng cũng muốn hướng đến tính nhân bản và triết lý: “Tôi tự nhận mình không phải là nhà báo, nhà văn hay nhà thơ, nhưng lời bình tôi viết ra bằng sự chân thật, bằng khát vọng của con tim, bằng hiểu biết. Thông thường, nếu bảo tôi viết lại lời bình cho một bộ phim lần thứ hai tương tự như thế thì không bao giờ viết được, vì đó là ý tứ nảy ra đối với mình trong khoảnh khắc đó và cảm xúc thực của mình với con người trong bộ phim đó”.

Đồng thời, đây cũng là tiêu chí mà Phạm Đức Hùng luôn hướng đến trong những bộ phim của ông, là sự trung thực, là sự giản dị dù khắc họa về những con người có tầm vóc lớn. Theo ông, điều này thể hiện tính nhân văn trong một tác phẩm điện ảnh có tính chất lịch sử.

Muốn hướng đến được tính nhân văn ấy, ông khẳng định về việc coi trọng giá trị của những cơ hội: “Tôi coi những cơ hội được gặp gỡ, gần gũi và được làm phim về những con người như Đại tướng là một đặc ân. Phải có khát vọng, có cảm xúc thật sự mới làm phim được về các đồng đội, về những người như “Anh Cả”. Làm phim vì họ cũng đang là trả một phần nợ cho đồng đội, cho non sông.”./.