Trong những ngày vừa qua, dư luận ồn ào, bức xúc vì Trung tâm Bảo về quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu phí tác quyền tại các quán café, khách sạn… Trước đó, Trung tâm này cũng từng bị nhiều khách sạn, nhà hàng phản đối thu tác quyền theo đầu TV. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu này là vô lý và còn rất nhiều bất cập liên quan đến cách thức thu phí của Trung tâm.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vào chiều 13/6 tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) nêu ra vấn đề: “Cử tri cho rằng việc thu này không có căn cứ và bị trùng (thu 2 lần), tức là đơn vị sản xuất băng đĩa đã nộp tiền, nay các đơn vị kinh doanh lại phải nộp là vô lý. Trong khi đó, có nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật khác như sân khấu điện ảnh, văn học, điêu khắc, mỹ thuật… thì không có việc thu tương tự. Quan điểm của Bộ VH-TT&DL với việc không hợp lý này như thế nào?”.

nguyen_ngoc_thien_vov_xeta_xfcr.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cũng lo ngại, việc thu tác quyền sẽ làm cho cơ hội tiếp cận sản phẩm âm nhạc trong nước của người dân bị hạn chế. Nhiều khách sạn đã chọn sử dụng âm nhạc nước ngoài thay vì nhạc Việt Nam. Cơ hội quảng bá âm nhạc với những tác giả chưa ủy quyền thì cũng bị thu hẹp.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Việc sử dụng các bài hát của nhạc sĩ sáng tác vì mục đích thương mại thì phải trả tiền cho tác giả theo điều 26, 33 luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009 và điều 35 của Nghị định 100”.

Bộ trưởng khẳng định, việc thu phí của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam vừa qua là có cơ sở. Tuy nhiên cách thu, hình thức thu thì còn một số vấn đề như thu thế nào, ai ủy quyền, có căn cứ khoa học chưa, mức thu đã được thỏa thuận chưa… thì còn phải bàn lại.

“Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Trung tâm đã tiến hành thu ở khách sạn và một số quán café… Sau khi có ý kiến phản đối từ dư luận, chúng tôi đã yêu cầu Trung tâm phải dừng thu để cùng nhau rà soát loại xem cách thu như vậy đã đúng chưa. Bao giờ làm đúng theo quy định pháp luật thì Trung tâm mới tiếp tục thu. Về việc này Bộ sẽ có báo cáo giải trình cụ thể cho đại biểu Quốc hội và Quốc hội” – Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.

Ngoài ra, về vấn đề Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chỉ là một đơn vị tư nhân mà ra văn bản thu tác quyền như một đơn vị quản lý Nhà nước về Văn hóa là đúng hay sai, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện sẽ giải đáp trong phiên chất vấn vào sáng 14/6.

Trước đó, trả lời báo chí về việc thu tác quyền vấp phải ý kiến phản đối từ phía dư luận, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết, trên thực tế, việc thu tiền tác quyền không hề đơn giản. Một số chủ đơn vị kinh doanh chưa hiểu luật, thậm chí không cần biết trả tiền trên cơ sở pháp lý nào, cứ thấy nhân viên trung tâm đến thu tác quyền là thể hiện sự bức xúc, nói những lời lẽ không hay.

Về việc thu phí trên TV, nhạc sĩ Phó Đức Phương giải thích: “Nếu nói tôi đã mua tivi, tôi đã trả tiền mua truyền hình cáp thì đó là tiền liên quan, chứ không phải tiền tác giả. Nếu chỉ dùng cho cá nhân thì chỉ phải trả tiền liên quan, nhưng nếu sử dụng chương trình ấy phục vụ khách hàng thì phải trả tiền tác giả bao gồm quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền phát sóng, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng... Do đó, những người sử dụng phải tìm hiểu. Đó không phải là phí chồng phí, mà là từng việc khác nhau”.

Hiện tại, về phía Trung tâm cũng đang dừng việc thu phí tác quyền theo chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho biết thêm: “Chúng tôi thực hiện việc thu phí trên tinh thần cầu thị, vô cùng cẩn trọng, nhưng trước những ý kiến trái chiều về việc thu tiền tác quyền đối với các phòng khách sạn sử dụng tivi, chúng tôi tạm dừng lại để tham khảo các nước trên thế giới, xây dựng cơ sở nội dung để giải thích cho kỹ lưỡng”./.