Câu chuyện thu tiền tác quyền âm nhạc ở các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng, trong đó có phần thu phí qua tivi trong phòng nghỉ vẫn đang gây tranh cãi.
Trao đổi với PV VOV.VN, nhạc sĩ Đinh Trung Cần, giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khu vực phía Nam cho biết, việc thu tiền tác quyền âm nhạc trong khách sạn, trong đó có phần tác quyền từ tivi trong phòng nghỉ đã được châu Âu và nhiều nước châu Á áp dụng, thực hiện từ mấy chục năm nay.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khu vực phía Nam. |
Ở Việt Nam, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc được thành lập muộn nên việc thu tiền tác quyền càng muộn, đặc biệt là ở những nơi như khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, quán bar, quán cà phê …
Trả lời về thông tin, năm 2016, VCPMC thu được từ các khách sạn ở các tỉnh phía Nam 3 tỉ đồng tiền phí âm nhạc, ông Đinh Trung Cẩn cho hay: “Con số 3 tỉ là tính chung các khách sạn. Riêng tiền tác quyền qua tivi trong phòng nghỉ chỉ chưa đến 200 triệu đồng. Số tiền này chẳng đáng là bao khi trả cho các tác giả”.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, mọi việc đã được Cục Bản quyền tác giả và Bộ VHTTDL kết luận. “Chúng tôi hoàn toàn tuân thủ theo giải pháp mà cơ quan cấp trên đưa ra. Quan điểm của VCPMC là không có bất cứ một sự áp đặt nào ở đây. Các doanh nghiệp, chủ khách sạn ở Đà Nẵng chưa hiểu về luật pháp thì chúng tôi tạm ngưng một thời gian để giúp họ hiểu. Đồng thời điều chỉnh về mặt lộ trình sao cho bài bản, rõ ràng để trình lên Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL.
Chỉ có một điều đáng tiếc là khi chúng tôi tổ chức cuộc họp để phổ biến về vấn đề này, nhiều chủ khách sạn ở Đà Nẵng đã không đến tham dự cho nên họ không nắm được tinh thần và quy định của vấn đề.
Luật này đã được áp dụng ở châu Âu, và các nước lớn tại châu Á. Theo đó, ngày 15/3/2012, Tòa công lý Liên minh châu Âu (ECJ) ra thông cáo về phán quyết của tòa liên quan tới vụ kiện về tiền bản quyền âm nhạc phát trên các TV trong phòng khách sạn. Tòa yêu cầu các khách sạn tại 27 quốc gia thành viên EU phải thực hiện trách nhiệm bản quyền này.
Theo ECJ, vì các chủ khách sạn được hưởng lời từ việc phát nhạc trong các phòng nên các ông/bà đó phải trả tiền bản quyền cùng với khoản tiền bản quyền mà các đài phát thanh/truyền hình đã trả.
Tạm dừng thu phí âm nhạc tại các phòng nghỉ khách sạn ở Đà Nẵng
Phán quyết này của ECJ có hiệu lực trên toàn bộ 27 quốc gia thành viên và đã gặp phản ứng rất dữ trong dư luận, nhất là giới kinh doanh khách sạn.
TPHCM, Hà Nội cũng được áp dụng hơn 10 năm nay. Hồi mới tiến hành thu, chúng tôi cũng vấp phải những phản ứng, tranh cãi. Nhưng điều này là đúng luật nên cuối cùng được chấp nhận. Kể cả ở châu Âu, khi phán quyết về việc thu tiền tác quyền qua tivi được đưa ra cũng đã gặp phản ứng rất dữ trong dư luận, nhất là giới kinh doanh khách sạn. Nhưng cuối cùng họ vẫn phải chấp thuận. Vì tất cả chúng ta đều thực hiện theo luật pháp quy định.
Việc thu tiền tác quyền âm nhạc áp dụng tại các khách sạn trên địa bàn Đà Nẵng phải chậm lại một thời gian. Các tác giả cũng chịu một chút thiệt thòi. Nhưng vấn đề là việc thu tiền tác quyền âm nhạc phải đi đường dài. Không thể ngày một ngày hai và đặc biệt là khi các doanh nghiệp chưa nắm được luật thì chúng tôi phải giúp họ nắm được rõ quy định”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho hay./.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói gì về việc thu tiền tác quyền qua tivi?