Liên quan câu chuyện “phí tác quyền âm nhạc tivi”, các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho rằng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là việc cần phải thực hiện để đảm bảo phát triển sáng tạo. Tuy nhiên, việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thu tiền tác quyền đối với một số khách sạn ở Đà Nẵng, mà dư luận đang hiểu là việc thu phí đánh trên các đầu tivi trong mỗi khách sạn, được cho là cách hiểu chưa đúng về Luật Sở hữu trí tuệ, không có cơ sở pháp lý, khiến dư luận có ý kiến trái chiều.

luat_su_chi_xexb.jpg
Luật sư Vũ Ngọc Chi

Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, Luật sư Vũ Ngọc Chi (Công ty Luật Tam Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc thu phí là đúng nhưng cách làm của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đang khiến dư luận cảm giác có gì đó chưa minh bạch.

PV: Câu chuyện “phí tác quyền âm nhạc tivi” phía Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cho đây là chuyện bình thường, đơn giản, dùng tài sản cá nhân phục vụ kinh doanh thì phải trả tiền; thế giới đã thu tiền này cả trăm năm nay. Theo luật sư, việc thu phí này áp dụng ở Việt Nam có thực sự bình thường và đơn giản không?

Luật sư Vũ Ngọc Chi: Thực ra thu là đúng. Nhưng vấn đề là thu của nhà đài chứ không phải của người tiêu dùng vì khi ký hợp đồng là hợp đồng theo gói sản phẩm.

Đúng ở đây trên góc cạnh là tác giả thu phí của nhà đài để nhà đài cung cấp dịch vụ (mà tác giả có quyền sở hữu) theo thỏa thuận về thời gian và tần suất. Người dùng không thể trả 2 lần phí cho 1 sản phẩm. Vì mục đích nhà đài khi phát sóng là đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng khi phải trả tiền mua sóng (bao gồm cả việc tiếp thu sản phẩm) thì sẽ không có nghĩa vụ tài chính khác với chủ sở hữu vì nhà đài đã phải mua quyền tác giả khi phát sóng vì vậy nói việc thu như vậy là phí chồng phí là đúng. Ngược lại nhà đài mua quyền tác giả mà không phát để thu phí dịch vụ thì cũng chẳng mua để làm gì.

PV: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc viện dẫn Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 23 Nghị định 100 của Chính phủ về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của chủ sở hữu quyền tác giả để làm căn cứ yêu cầu các chủ khách sạn phải đóng phí bản quyền trên đầu mỗi tivi, theo luật sư “cái lý” này đã chính xác và phù hợp chưa?

Luật sư Vũ Ngọc Chi: Việc này sẽ theo thỏa thuận của các bên. Nếu tác giả cho mức giá trên trời thì nhà đài không mua, không quảng bá thì sản phẩm sẽ không đến được với công chúng. Vì vậy ở góc độ nào đó tác giả cũng phải nhân nhượng với nhà đài cùng hợp tác để quảng bá sản phẩm trên cơ sở vật chất của nhà đài thì sản phẩm mới có giá trị trên diện rộng và bản thân ca sỹ cũng như tác giả mới được công chúng biết đến. Vì thế đây là mối quan hệ xã hội hai bên cùng có lợi tác giả không vì mình là người sở hữu mà có thể làm khó nhà đài.

Chỉ khi nhận thức được đúng vấn đề thì các bên sẽ có ứng xử hợp lý và có thỏa thuận hợp tác hợp lý.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí tác quyền âm nhạc tivi là phí chồng phí. Tuy nhiên Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc bác bỏ nhận định này với lý giải âm nhạc là tài sản riêng của tác giả đã được luật pháp công nhận, nếu sử dụng tác phẩm âm nhạc vào mục đích kinh doanh dù gián tiếp hay trực tiếp đều phải trả tiền. Việc sử dụng chương trình ca nhạc phục vụ khách hàng thì phải trả tiền tác giả bao gồm quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền phát sóng, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng... Luật sư nghĩ thế nào về lý giải này?

Luật sư Vũ Ngọc Chi: Đúng như vậy là phí chồng phí. Bản thân tivi khi bật lên không thể tự phát mà phải qua nhà đài phát sóng. Việc người sử dụng mua gói hợp đồng dịch vụ truyền hình đã bao gồm tất cả các khoản phí và gồm cả quyền tác giả. Trong trường hợp tác giả thấy không thỏa đáng về phí có thể dừng không ký hợp đồng bản quyền tác giả, tác phẩm với nhà đài. Người kinh doanh khách sạn cũng phải trả mức phí tương ứng với mức sử dụng vì vậy họ phải nộp phí lần hai là không hợp lý.

Ở đây thấy rõ quan hệ nhà đài và người tiêu dùng là hợp đồng cung cấp dịch vụ. Việc sử dụng sản phẩm không liên quan đến người sử dụng dịch vụ vì nhà đài trước khi đưa lên sóng phát (cung cấp dịch vụ) phải tự thương lượng với tác giả trước khi phát sóng và trước khi ký hợp đồng dịch vụ với khách hàng. Như đã nói, việc khai thác sản phẩm theo mức độ sử dụng của người tiêu dùng sẽ trả phí tương ứng với mức sử dụng. Vì vậy, việc thu phí của người tiêu dùng (cả cá nhân và tổ chức) lần thứ hai là hoàn toàn không hợp lý.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng): “Việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc là do các Đài Truyền hình thực hiện, còn các khách sạn sử dụng tivi là các vật dụng bình thường ở phòng nghỉ chứ không phải biểu diễn cho công chúng xem. Trong trường hợp này, các chủ khách sạn không thể biết Đài Truyền hình sẽ phát chương trình ca nhạc hay sử dụng tác phẩm âm nhạc của tác giả nào mà Trung tâm Bảo vệ quyền âm nhạc được ủy quyền. Việc đánh đồng và thu tiền trong trường hợp này là không đúng với tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, các khách hàng sử dụng bằng ghi âm, ghi hình để trình chiếu tác phẩm âm nhạc ở các sảnh, hành lang cho khách hàng xem để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình thì việc thu phí bản quyền mới được coi là hợp pháp. Còn trong trường hợp sử dụng tivi, người xem thụ động, khách sạn cũng không có quyền can thiệp vào các chương trình âm nhạc của nhà Đài nên việc thu phí bản quyền đối với các tác phẩm âm nhạc trong trường hợp này là không phù hợp”.

Luật sư Nguyễn Thị Mỹ Viễn (Đoàn luật sư TP HCM): “Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc viện dẫn Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 23 Nghị định 100 của Chính phủ về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của chủ sở hữu quyền tác giả để buộc các chủ khách sạn phải đóng phí bản quyền trên đầu mỗi tivi là sai đối tượng.

Đài Truyền hình khi phát chương trình ca nhạc họ cũng đã trả phí, kể cả các nghệ sĩ biểu diễn một tác phẩm âm nhạc nào đó cũng đã phải trả phí tác quyền. Nếu như viện dẫn việc hoạt động kinh doanh để thu khoản phí đó, tôi cho như thế là chồng phí, việc thu này là hoàn toàn không đúng.