Chưa bao giờ câu chuyện tác quyền âm nhạc lại nóng như lúc này khi mà tới đây các cơ sở kinh doanh karaoke,  nhà hàng, quán cà phê, phòng hội thảo, hội nghị, bãi gửi xe… sử dụng âm nhạc sẽ phải đóng phí tác quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Vấn đề đang vấp phải phản ứng gay gắt từ phía các đơn vị sử dụng cũng như phần đông công chúng.

Theo Luật Sở hữu Trí tuệ, việc thu tác quyền âm nhạc tại quán karaoke, phòng khách sạn có sử dụng tivi, nhà hàng, quán cà phê, phòng hội thảo, hội nghị…. thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, nhưng phải qua thỏa thuận theo nguyên tác có dùng có trả. Tuy nhiên, khi triển khai công việc này, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam lại đơn phương áp giá để thu tiền tác quyền khiến dư luận không đồng tình.

3db074c9_aokg.jpg
Hàng trăm khách sạn ở Đà Nẵng nhận được công văn yêu cầu nộp tiền tác quyền âm nhạc - (Ảnh: Trường Trung/Tuổi Trẻ)

Cụ thể, thu 25.000/phòng/năm cho phòng khách sạn có sử dụng tivi; Quán cà phê 50 chỗ ngồi trở xuống/thu 3,5 triệu/năm; khu vực sảnh khách sạn, cửa hàng, khu mua sắm, bãi đỗ xe là 1 triệu/năm cho diện tích dưới 200 m2 và tăng thêm 4.000đ cho mỗi m2/năm… Cách làm áp đặt này vấp phải sự phản ứng của các cơ sở kinh doanh.

Ông Trương Việt Cường, chủ quán Caphe K+, Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội bức xúc nói: "Tôi thấy rất là vô lý, khách vào uống cà phê thích yên tĩnh, không yêu cầu mở nhạc. Mà có mở nhạc thì không biết về sau tiền này thu như thế nào, căn cứ vào đâu để thu?".

Còn ông Trần Trung Hiếu, chủ quán Karaoke ở Lĩnh Nam, Hà Nội thì tuy không phản đối việc thu tiền tác quyền với quán Karaoke, nhưng lại tỏ ra nghi ngờ số tiền thu được lần này có đến được tác giả: "Tất cả các tác phẩm âm nhạc hiện nay tác giả đều được thu phí bản quyền rồi, vậy tôi cũng thắc mắc thu tiền phí này, thì liệu đồng tiền có vào tay tác giả?".

Với kiểu áp đặt biểu giá thu tiền đồng loạt thì số tiền tác quyền âm nhạc mà các nhà hàng, quán karaoke, cà phê, khách sạn phải đóng, không phụ thuộc vào tần suất sử dụng tác phẩm mà được tính theo quy mô số ghế và diện tích nhà hàng.

Giải thích cho cách làm của mình, Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho rằng đã cân nhắc kỹ sau khi làm việc với các đơn vị sử dụng và cơ quan quản lý địa phương: "Căn cứ luật pháp, tham khảo thế giới, và căn cứ vào đời sống thực tiễn của Việt Nam, chúng tôi làm rất thận trọng. Ví dụ thu tiền Karaoke thì chúng tôi phải họp các nhà hàng Karaoke lại, và ở địa phương nào thì đều họp với địa phương ấy, rồi thì họp với cơ quan quản lý ở địa phương, để có thể đưa ra được biểu giá. Khách sạn cũng vậy, hàng không cũng vậy chúng tôi căn cứ vào 3 điều đó".

Rõ ràng, thay vì thỏa thuận mức giá với từng đơn vị sử dụng, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc lại chỉ thỏa thuận với một số đơn vị, rồi lấy mức giá ấy áp đồng loạt cho tất cả những cơ sở còn lại. Đây là cách làm chủ quan, áp đặt của Trung tâm, đi ngược lại chính nguyên tắc “dùng cái gì trả tiền cái đấy” do chính họ đặt ra.

Các cơ sở kinh doanh cho rằng, trong số tác phẩm âm nhạc họ sử dụng có cả tác phẩm của những tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không ủy quyền cho Trung tâm thu tiền tác quyền. Do đó, không thể ép họ trả tiền tác quyền theo kiểu khoán chung chung này. Đây cũng là lý do mà Cục Bản quyền Tác giả - Bộ VH-TT&DL yêu cầu Trung tâm này dừng thu tiền quyền tác giả tại các phòng nghỉ khách sạn khi chưa xác định rõ số tác phẩm được khai thác, sử dụng có phải đã được tác giả, chủ sở hữu nó ủy quyền cho Trung tâm này thu hay không.

Bà Phạm Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền Tác giả nói: "Trong trường hợp này họ cần đàm phán về mức giá và thỏa thuận. Đặc biệt, Cục Bản quyền Tác giả đã có một công văn là trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo điều 56 Luật sở hữu trí tuệ thì Trung tâm phải đảm bảo việc thu theo ủy quyền, và thứ 2 nữa là việc thực hiện này phải công khai minh bạch". 

Sự nhập nhèm trong việc thu tác quyền âm nhạc cũng đã khiến nhiều tác giả bất hợp tác với Trung tâm này, mà trường hợp nhạc sĩ Phú Quang và nhiều nhà thơ từ chối nhận tác quyền từ trung tâm... là minh chứng cụ thể. Thực tế, đã có nhiều nhạc sĩ tự nguyện cho công chúng thưởng thức miễn phí tác phẩm của mình, trừ khi tổ chức các sự kiện, show diễn lớn, cũng như không đồng tình với cách làm cứng nhắc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, điều quan trọng nhất trong việc thu tác quyền âm nhạc là thực thi Luật sở hữu trí tuệ cũng như để hoạt động âm nhạc trong đời sống ngày càng phát triển, cho nên rất cần sự minh bạch: "Hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam không chỉ đơn thuần là thu tác quyền âm nhạc càng nhiều càng tốt. Anh em nhạc sĩ mong muốn là việc chi trả cho kịp thời gian, cho đúng với công suất, tần suất sử dụng tác phẩm âm nhạc, khi đó kết quả cuối cùng cũng như ý nguyện của các nhạc sĩ là đưa âm nhạc vào cuộc sống sẽ được thực hiện một cách hiệu quả và tốt đẹp".

Qua 15 năm hoạt động, đối tượng thu tác quyền âm nhạc đã mở rộng ra cả các bãi trông giữ xe, bệnh viện, nhà hàng… Số tiền thu được cũng tăng lên theo từng năm. Năm ngoái Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đã thu được 72 tỷ đồng, tăng 6,1 % so với năm 2015. Tuy nhiên, việc đến nay danh sách gần 4000 tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ủy quyền cho Trung tâm đứng ra thu tác quyền âm nhạc thì vẫn chưa được công khai. Đó chính là lý do dư luận cũng như các tác giả nghi ngờ về tính minh bạch của việc làm này.

Cho nên, điều công chúng quan tâm không chỉ là đối tượng thu tác quyền âm nhạc, mức giá bao nhiêu mà còn là cách thu sao cho công bằng, minh bạch. Luật sở hữu trí tuệ ra đời nhằm bảo vệ quyền lợi tác giả, nhưng đó không phải là cái cớ để một số đơn vị lợi dụng, tự cho mình cái quyền áp giá thu tiền, khiến quyền thụ hưởng âm nhạc chính đáng của công chúng bị hạn chế./.