Sáng nay (23/4), Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, quyết định công nhận bảo vật quốc gia tượng phật chùa Tây Phương và khai hội truyền thống năm 2015. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gửi lẵng hoa chúc mừng.

Chùa Tây Phương được xây dựng từ bao giờ?Một số sách báo viết về chùa Tây Phương cho rằng được xây dựng vào thời nhà Mạc (1527-1592), nhưng không chứng minh. Điều này có thể có cơ sở, vì đầu thế kỷ 17 vào những năm 30 chùa đã phải sửa chữa lớn,trong chùa còn 2 tấm bia đều bị mờ hết chữ nhưng còn đọc được rõ tên bia ở mặt ngoài là Tín thí và Tây Phương sơn Sùng Phúc tự thạch bi (mặt bia kia áp vào tường hồi toà chùa giữa nên không đọc được), các hoa văn trang trí thuộc phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17. Chùa còn được trùng tu nhiều lần đến thời nhà Tây Sơn, chùa được dựng lại và giữ nguyên hình dáng kiến trúc như ngày nay. Chùa được đặt trên đỉnh núi cao hơn 100m, kiến trúc chùa được xây dựng theo kiểu chữ Tam, gồm ba ngôi chùa song song với nhau dọc theo sườn núi. Không chỉ nổi bật với kiến trúc độc đáo, chùa Tây Phương còn là nơi tập trung những tác phẩm đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng.

tuo2_vhhy.jpgLễ đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương

Điểm nổi bật nhất ở chùa Tây Phương là các bộ tượng, với hơn 70 pho tượng cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng.

Với những giá trị về kiến trúc, lịch sử, tôn giáo, năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia, đến năm 2014 được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2015, Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ 18 đã được Thủ tướng Chính Phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Các pho tượng Phật giáo chùa Tây Phương được công nhận là Bảo vật Quốc gia

Nói về giá trị của các pho tượng Phật giáo Chùa Tây Phương, Giáo sư Sử học Lê Văn Lan khẳng định: “Thợ và nghệ sỹ của làng Nủa Chàng, huyện Thạch Thất là tác giả của những pho tượng nhưng tôi nghĩ, với sự kỳ công của những người thợ cần phải có đầu óc trí tuệ của những bậc trí giả, trí thức nho học thổi hồn vào cho các pho tượng này. Cứ xem chân dung hình hài của những pho tượng như thế là ta đã ngộ ra biết bao nhiêu điều cả về lịch sử, cả về xã hội, đặc biệt là tư tưởng, triết lý”.

Sau Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, quyết định công nhận Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn là Bảo vật Quốc gia, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất và Ban Trụ trì Chùa Tây Phương đã đánh trống khai hội Chùa Tây Phương diễn ra từ ngày mai 24 đến 28/4 (tức từ ngày 6 đến 10/3 âm lịch)./.