Phòng trưng bày mang tên “Tiếng vọng Đông Sơn” vừa được ra mắt tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nhân kỷ niệm 85 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (1924- 2009).
Văn minh Đông Sơn là đỉnh cao chói sáng của người Việt cổ và đây chính là nhân lõi vật chất để tạo nên nhà nước Âu Lạc, một nhà nước sớm ở khu vực Đông Nam Á. Văn hóa Đông Sơn Việt Nam lần đầu tiên được các nhà khảo cổ học Pháp phát hiện vào năm 1924 bên bờ sông Mã thuộc xã Đông Sơn, huyện Đông Sơn (nay là phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa).
Cho đến nay, mặc dù tài liệu, hiện vật về nền văn hóa Đông Sơn đã vô cùng phong phú nhưng không thể nói rằng công việc phát hiện, nghiên cứu về nó đã kết thúc.
Tại gian trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã giới thiệu các hiện vật mới sưu tầm trong 5 năm qua (2004-2009) bao gồm hơn 100 hiện vật, chủ yếu là đồ đồng, đồ gốm và các loại vũ khí, công cụ sản xuất đến đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ, đồ trang sức… của thời kỳ Đông Sơn.
Trong những hiện vật trưng bày lần này, có nhiều hiện vật chưa từng có mặt trong các sưu tập văn hóa Đông Sơn trong nước cũng như trên thế giới. Ngoài ra, bộ sưu tập gốm đặc sắc thể hiện sự ảnh hưởng qua lại giữa Đông Sơn và Sa Huỳnh cũng được giới thiệu./.