Từ ngày 24- 28/9, tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội sẽ diễn ra Liên hoan “Múa đương đại - Châu Âu gặp Châu Á 2014” quy tụ các vở múa đặc sắc từ Việt Nam, Nhật Bản và 5 nước châu Âu: Bỉ, Đức, Pháp, Thụy Điển và Phần Lan.

Đây là năm thứ 4 Liên hoan được tổ chức, kể từ năm 2011, góp phần tăng cường quảng bá nghệ thuật múa đương đại tại Hà Nội. Liên hoan được tổ chức từ sáng kiến của EUNIC, Hiệp hội các Viện văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu tại Hà Nội, với sự hợp tác của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

Ở Liên hoan này,biên đạo múa Trần Ly Ly mang đến vở diễn có tên “7x”. Tác phẩm là câu chuyện của một cá nhân lớn lên qua các thời kỳ thay đổi của xã hội, khiến những mâu thuẫn nội tâm xuất hiện và phát triển. Sự tác động của hoàn cảnh bên ngoài và bản năng bên trong, sự giằng xé giữa lý trí và tình cảm khiến mâu thuẫn ấy ngày càng lớn. Nhưng do quá mải mê theo đuổi những vấn đề của bản thân, một ngày kia, anh không còn nhận ra những gì đang diễn ra xung quanh và trở nên tự cô lập trong thế giới của mình.

7x_tran_ly_ly_gxnx.jpg
Một hình ảnh trong vở múa "7x" của Trần Ly Ly

Vở múa được thực hiện dựa theo ý tưởng của Trần Ly Ly cùng hai nghệ sỹ Hùng Ngô và Bảo Trần. Tác phẩm đã từng xuất hiện tại chương trình "Việt Nam những năm 70" của biên đạo Lê Vũ Long, diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội vào đầu năm vừa qua. Trần Ly Ly chia sẻ: “Được tham gia Liên hoan lần này là vinh dự đối với tôi cũng như với những nghệ sỹ Việt Nam, đồng thời là động lực giúp chúng tôi cố gắng hơn khi giao lưu, biểu diễn cùng các nghệ sỹ nước ngoài”.

Trần Ly Ly khẳng định cô tham gia vào Liên hoan múa “gặp gỡ” Châu Âu nhưng muốn mang đến một tác phẩm thuần Việt, với câu chuyện về tâm lý của con người Việt Nam thuộc thế hệ 7x. Ngay cả với phần phục trang và âm nhạc cho tác phẩm cũng đều là do các nghệ sỹ Việt Nam thực hiện.

Trần Ly Ly trong buổi họp báo Liên hoan tại Hà Nội vào sáng nay (23/9)

Bản thân là một người sinh ra vào năm 1978, Trần Ly Ly cảm thấy thấu hiểu những con người ở thế hệ 7x: “Những người 7x thuộc về giai đoạn chuyển giao của bối cảnh lịch sử, xã hội. Họ khác với những người thuộc thế hệ 6x trước đó với nhiều lý tưởng, mục tiêu cuộc đời lớn lao, rõ ràng, mang tính ràng buộc. Họ cũng khác với những người thuộc thế hệ 8x, 9x ít có sự ràng buộc, mà dễ biến đổi nhanh chóng và có xu hướng tiến về phía trước. Còn 7x là giai đoạn trung chuyển nên những mâu thuẫn nội tâm diễn ra rất mạnh”. Đó là lý do để cô đưa góc nhìn của mình về câu chuyện của thế hệ này vào trong vở diễn.

Bên cạnh vở múa thuần Việt của biên đạo Trần Ly Ly, các nghệ sỹ múa Việt Nam cũng tham gia biểu diễn trong các vở múa của biên đạo nước ngoài.

Vở “Hanoi Stardust” (Hà Nội – Những bụi sao) là tác phẩm hợp tác của biên đạo múa người Đức Arco Renz cùng vũ đoàn Kobalt Works với 7 vũ công Việt Nam. Tác phẩm bao gồm những phân đoạn múa độc lập trong cùng một vở múa. Mặc dù là vở diễn có tính đương đại nhưng lại có sự giao thoa mạnh mẽ, sống động của ngôn ngữ Ballet cổ điển, trong bối cảnh một xã hội Việt Nam trẻ và năng động. Qua tác phẩm, 7 nghệ sỹ Việt Nam muốn đặt ra câu hỏi về cách mà người xem vẫn thường cảm nhận về Ballet cổ điển và ngôn ngữ hình thể của nó.

Các nghệ sỹ Việt Nam tập luyện để trình diễn vở "Hà Nội - Những bụi sao"

Còn trong vở diễn “La tour des vents” (Gió xào xạc) của biên đạo người Bỉ Karine Ponties, vũ công Nguyễn Văn Nam của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam sẽ trình diễn solo, thể hiện hành trình khám phá nội tâm, cơ thể và các mối quan hệ của con người.

Biên đạo Nakamura của Nhật Bản cũng mang đến vở diễn “Tạm biệt”, sử dụng lời thoại trong các bộ phim của đạo diễn người Nhật Yazujiro Ozu để truyền tải một câu hỏi mà những người phụ nữ thường tự vấn: “Tôi là ai?”. Điều đặc biệt là những lời thoại trong các bộ phim cũng sẽ được trình chiếu song song với những màn múa trong vở diễn.

Ngoài ra, các nghệ sỹ Châu Âu sẽ thể hiện các vở diễn đặc sắc khác như: “Con bọ hung” của Thụy Điển và Phần Lan, “Your Ghost is not enough” của Pháp, “Con quạ” của phái đoàn Wallonie – Bruxelles (Bỉ)./.