Năm 2014, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Liên hoan Múa quốc tế với mục tiêu tìm ra sự tương đồng trong nghệ thuật múa giữa các dân tộc và khuyến khích các tác phẩm múa đương đại. Trên tinh thần ấy, Việt Nam cũng kì vọng tìm ra phương hướng cho quốc vũ Việt Nam. Trước thềm Liên hoan Múa quốc tế 2014 sẽ diễn ra từ 14-18/4 tại Thừa Thiên Huế, phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Đào Đăng Hoàn, Trưởng ban tổ chức Liên hoan Múa quốc tế 2014, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

PV: Thưa ông, Liên hoan Múa quốc tế 2014 là một những hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2014, vậy công tác chuẩn bị cho liên hoan đang được thực hiện ra sao?

Ông Đào Đăng Hoàn: Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một liên hoan múa mang tầm quốc tế. Do đó, chúng tôi đã chuẩn bị gần 1 năm nay vì đây là một loại hình nghệ thuật rất đặc thù, để có thể mang nghệ thuật múa của các dân tộc đến Việt Nam, tôn vinh bản sắc của các vùng miền, của các quốc gia.

Chúng tôi lựa chọn rất kỹ càng, các đơn vị quốc tế đã gửi những DVD, nội dung các tiết mục sang. Chúng tôi có một hội đồng nghệ thuật xem trước và thông báo cho phía bạn những tiết mục nào có thể mang tới Việt Nam tham dự. Hiện nay, đã có 9 đoàn nghệ thuật quốc tế và 16 đoàn nghệ thuật trong nước tham gia. Vậy với số lượng 25 đơn vị nghệ thuật tham gia thì tôi cho rằng đây là một đợt liên hoan về mặt tổ chức thì bước đầu đã thành công về số lượng.   

20111123122932_img_9397.jpg
Ông Đào Đăng Hoàn, Trưởng ban tổ chức Liên hoan Múa quốc tế 2014, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Ảnh:Vietnamnet)

PV: Theo chúng tôi được biết, các đoàn quốc tế tham dự Liên hoan lần này đều là những tiết mục múa dân gian, trong số 16 đoàn nghệ thuật của Việt Nam có không ít đoàn lựa chọn múa đương đại. Vậy, Ban tổ chức có định hướng gì cho các đoàn Việt Nam?

Ông Đào Đăng Hoàn: Chúng tôi đã thông báo đây là Liên hoan Múa quốc tế đầu tiên nên cho phép sử dụng những tiết mục cũ, kể cả những tiết mục đã đạt huy chương Vàng, huy chương Bạc ở các giải trong nước. Nó sẽ nhẹ cho các đơn vị trong vấn đề phải dựng vở mới. Nhưng cũng có một số đơn vị xây dựng tiết mục mới. Về tiêu chí, chúng tôi cũng bàn rất kỹ làm sao để các tiết mục thể hiện rõ bản sắc văn hóa, nhất là múa đương đại cũng phải bám sát với chủ để của liên hoan. Đương đại cũng phải tôn vinh hình ảnh văn hóa của Việt Nam, nhất là đối với một loại hình nghệ thuật như múa - nếu không sẽ dẫn đến sự phản cảm. Chúng tôi đã định hướng cách sử dụng trang phục đặc thù. Do vậy, các tiết mục khi được đưa ra trình diễn sẽ không có vấn đề gì.

PV: Ông đánh giá như thế nào về những tiết mục múa của 9 quốc gia tham dự liên hoan lần này?

Ông Đào Đăng Hoàn: Có khá nhiều tiết mục công phu, nhất là các tiết mục múa dân gian của họ thì khá hay. Tất nhiên chúng ta nên để cho sau này hội đồng nghệ thuật đánh giá vì thực tế biểu diễn trên sân khấu có thể khác.

BTC khuyến khích những tác phẩm múa mang bản sắc văn hóa dân tộc và phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống (Trong ảnh: Vở múa đương đại "Sương sớm")

PV:
 Trong khuôn khổ liên hoan sẽ có một cuộc tọa đàm về nghệ thuật múa hiện nay. Ông có thể chia sẻ một số nội dung chính của cuộc tọa đàm này?

Ông Đào Đăng Hoàn: Nội dung quan trọng nhất của hội thảo là chúng ta bàn về sự tương đồng. Sự tương đồng văn hóa nhất là ở các nước trong khối ASEAN, cũng như những nét tương đồng trong nghệ thuật múa dân gian của các dân tộc trên thế giới. Thứ 2 là cách tiếp cận với vốn di sản để có thể phát triển và bảo tồn. Đây là nội dung chúng ta cần học tập quốc tế để khi người ta nhìn các tiết mục múa sẽ thấy được bản sắc vùng miền, quốc gia.

PV: Thông qua Liên hoan Múa quốc tế, chúng ta muốn gửi gắm điều gì đến với công chúng cũng như những nghệ sĩ, nhà quản lý, nghiên cứu nghệ thuật múa hiện nay, thưa ông?

Ông Đào Đăng Hoàn: Chúng tôi vừa gửi gắm cũng vừa học hỏi bởi Việt Nam chưa phải là một quốc gia có nền nghệ thuật múa. Một vườn hoa đa sắc thì chọn nghệ thuật múa nào tiêu biểu nhất? Tôi đã đi Triều Tiên và các bạn Triều Tiên nói rằng: các bạn có 54 dân tộc để khai thác nhiều loại hình văn hóa, còn chúng tôi chỉ có 1 dân tộc thôi. Một cũng có cái hay- để tập trung vào đó. Còn chúng ta, chọn cái gì là tiêu biểu thì còn là câu chuyện dài dài.

Ngay cả những nước bên cạnh chúng ta nhưng họ cũng đã có một nền múa như Lào có “Lăm-vông” - nền múa mang tính quốc vũ. Chúng ta thì chưa có điệu múa nào mang tính quốc vũ cả. Chính vì vậy mà thông qua những cuộc giao lưu này chúng ta cũng dần dần tìm ra một phương hướng cho quốc vũ Việt Nam. Bên cạnh đó, Liên hoan là dịp chúng ta trao đổi cách xây dựng chương trình múa, nhất là cách khai thác vốn di sản hiện nay. Chúng ta mới chỉ có các loại hình di sản về âm nhạc chứ di sản múa được công nhận thì chưa có. Đây cũng là dịp giới thiệu đến bạn bè quốc tế nghệ thuật múa Việt Nam để họ có sự quan tâm hơn.

PV: Xin cảm ơn ông./.