Những phép cộng:

Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại là tin vui với tất cả những người yêu văn hoá cũng như môn nghệ thuật vừa mang tính dân gian lại vừa bác học đỉnh cao này. Trái với những di sản khác của Việt Nam từng được UNESCO công nhận - thường ở trong diện có nguy cơ hư hỏng hoặc thất truyền cần nghiêm ngặt gìn giữ, Đờn ca tài tử Nam Bộ có sức sống mạnh mẽ và hiện phổ biến ở nhiều tỉnh, thành phía Nam.

don%20ca%20tai%20tu.jpg
Đờn ca tài tử có sức sống mạnh mẽ (Ảnh: Báo Bạc Liêu online)

Cũng liên quan đến công tác ngoại giao trên lĩnh vực di sản, việc Việt Nam được nhất trí với số phiếu cao vào Uỷ ban liên Chính phủ của Công ước 1972 về Du sản thế giới của UNESCO cũng đã giúp Việt Nam ngày càng nâng cao vị thế, đưa đất nước hội nhập sâu hơn với thế giới.

Sự kiện sân khấu nghệ thuật nổi bật nhất năm là Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của tác giả. Dù không được đầu tư xứng đáng về thời gian và tiền bạc, với sự tình nguyện của những nghệ sĩ yêu nghề, 12 vở diễn dựng theo 9 kịch bản đã tạo nên một hoạt động văn hoá rộn ràng với lượng khán giả luôn chật kín rạp cùng những cung bậc xúc cảm đã khẳng định sức sống vượt thời gian ở kịch Lưu Quang Vũ.

Năm qua chứng kiến sự gia đời của nhiều chương trình truyền hình thực tế gây nhiều tranh cãi và băn khoăn về sự bội thực cũng như chất lượng của chương trình. Vượt trội lên khỏi các chương trình nhàn nhạt, “Giọng hát Việt Nhí” lúc ra đời cũng gây nhiều hoài nghi. Chương trình đã nhanh chóng thành công khi tạo nên “hiện tượng” Phương Mỹ Chi. Đây cũng là chương trình hiếm hoi đạt kỷ lục người xem và được giới chuyên môn đánh giá cao.

"Hiện tượng" Phương Mỹ Chi và quán quân Quang Anh

Năm qua cũng đánh dấu sự vào cuộc một cách chủ động vào quyết liệt của ngành văn hoá trong việc mạnh mẽ chấn chỉnh các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Bộ trưởng Bộ VHTT& DL đã ký Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh hoạt động biểu diễn, trình diễn thời trang. Một loạt vi phạm trong lĩnh vực này đã được xử lý nghiêm túc và kịp thời, có tác dụng ngăn chặn được một phần nào làn sóng tạo scandal để nổi tiếng gây nguy hại đến lối sống của một bộ phận giới trẻ.

Và những điểm trừ:

Scandal trở thành chuyện “cơm bữa” trong showbiz Việt với những vi phạm hàng loạt nhằm nổi tiếng bằng mọi giá. Trong đó phải kể đến Ngọc Trinh và dàn người mẫu trong Đêm hội chân dài 7 “mặc trang phục gây phản cảm”; Nhạc sĩ Ngọc Đại tự ý phát hành CD với những lời lẽ khiêu dâm, dung tục mà không xin phép cơ quan quản lý, “bà Tưng” Lê Thị Huyền Anh tung nhiều hình ảnh phản cảm lên mạng để nổi tiếng; Angela Phương Trình mặc quần áo “thiếu vải”, “xuyên thấu” phản cảm và múa cột không xin phép và nhiều trường hợp khác được cho là cố tình “lộ hàng” để nổi tiếng…Mặc dù những scandal này đã nhận được những hình phạt thích đáng nhưng nó cũng dấy lên những lo ngại về những giá trị thật - ảo của môi trường showbiz đầy tai tiếng.

Yanbi và Mr.T hùa theo khán giả hát lời tục tĩu trong chương trình Young Music ở Hải Phòng

Văn hoá ứng xử của các nghệ sĩ giải trí có vấn đề. Việc các nghệ sĩ trẻ cứ sểnh ra là “hở” là “lộ” đã cho thấy điều này. Nổi bật về văn hoá ứng xử năm qua phải kể đến trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ứng xử kém cỏi trong văn hoá phê bình và tiếp thu phê bình qua sự cố với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng như việc hóa trang làm "bác sĩ Cát Tường". Bên cạnh đó, hai ca sĩ trẻ Yanbi và Mr.T đã “hồn nhiên” hùa theo khán giả hát chế lời bài “Thu cuối” một cách tục tĩu cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về phông văn hoá của nghệ sĩ showbiz hiện nay.

Tại cuộc thi Hoa hậu Quý bà thế giới, Hoa hậu Trần Thị Quỳnh với sự cố dải băng sai tên nước và cầm quốc kỳ với lá ngờ treo ngược đã khiến Bộ VHTT&DL phải lên tiếng nhắc nhở. Đây là bài học nhớ đời về “màu cờ sắc áo” đối với bất cứ thí sinh sắc đẹp nào sẽ tham gia các cuộc thi quốc tế. Bởi vậy việc ngăn chặn và xử phạt với những trường hợp người đẹp đi thi hoa hậu chui như Quế Vân, Kim Duyên…là cần thiết để tránh những sự cố “dở khóc dở cười”.

Hoa hậu Trần Thị Quỳnh với sự cố dải băng sai tên nước

Cũng trong năm, lần đầu tiên một cuộc thi sắc đẹp đã bị tước giấy phép do ban tổ chức có nhiều sai phạm trong vòng sơ tuyển. Đó là cuộc thi “Nữ hoàng Biển Việt Nam 2013” trong khuôn khổ Festival Biển Nha Trang – Khánh Hoà 2013.

Về lĩnh vực điện ảnh, với lý do phim có quá nhiều cảnh bạo lực, Cục Điện ảnh đã không cấp phép phổ biến và trình chiếu bộ phim "Bụi đời Chợ Lớn". Tuy nhiên, việc bản lậu của bộ phim này bị phát tán trên mạng internet đã chỉ ra một “lỗ hổng” lớn trong khâu kiểm duyệt nội dung văn hoá thời đại @ mà chưa dễ gì ngăn chặn được trong tương lai gần.

Trên lĩnh vực xuất bản năm qua xảy ra nhiều vụ tai tiếng do công tác biên tập, biên dịch cẩu thả, để xảy ra nhiều hạn sạn, để lọt nhiều nội dung phản cảm, phản giáo giục. Trong đó phải kể đến những vụ thu hồi sách như "Đồng dao cho trẻ mầm non" và sách tham khảo "Phép cộng trừ trong phạm vi 100". Gây ầm ĩ nhất phải kể đến những nghi vấn về tính xác thực xung quanh cuốn "Xách ba lô lên và đi" của Huyền Chip khiến cộng đồng mạng dậy sóng và báo chí thì tốn không biết bao nhiều giấy mực.

Huyền Chip và những nghi vấn về tính xác thực trong các cuốn sách của mình

Có những ồn ào rồi sẽ qua đi nhưng có những điều một đi là mãi mãi không thể cứu vãn. Đó là di sản vật thể trước vấn nạn bị xâm hại ở mức báo động. Phải kể đến các các cuộc “ghé thăm” của “bà Hoả” khi được tiếp tay bởi sự “thiếu trách nhiệm của con người” đối với đền thờ Lê Lai (Thanh Hoá), nhà Lang cổ cuối cùng của người Mường (Hoà Bình) đều đã bị thiêu rụi. Hay việc tượng cổ ở chùa Chân Long (Hà Nội) bị chính tay trụ trì thả trôi sông và thay vào đó một pho tượng “bị nghi” là rất giống trụ trì khiến dân làng bức xúc.

Một trong những sự việc làm đau lòng người yêu di sản văn hoá là việc phải chứng kiến những bất hợp lý trong công tác bảo tồn và phát triển di sản khiến người dân làng cổ Đường Lâm và phố cổ Đồng Văn không mặn mà với “báu vật” được tổ tiên truyền trao và muốn trả lại danh hiệu di sản.

Hay như khi chứng kiến di tích cấp quốc gia Chùa Một Cột nằm giữa lòng Hà Nội phải chịu “khổ nhục kế” làm...”con tin” để được quan tâm “giải cứu” sau khi những lá đơn khẩn thiết của sư trụ trì yêu cầu trùng tu không tác dụng./.