Tối 19/11 vừa qua (theo giờ Việt Nam), Việt Nam đã trúng cử và trở thành thành viên Ủy ban liên chính phủ của Công ước 1972 về Di sản thế giới. Đây là một tin vui thể hiện sự đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy di sản dân tộc và thế giới. 

Với số phiếu ủng hộ 93/169 phiếu bầu, Việt Nam là quốc gia có số phiếu bầu cao nhất và vượt 50% số phiếu cần thiết để trở thành thành viên mới của Ủy ban liên chính phủ của Công ước 1972 (hay còn gọi tắt là Ủy ban Di sản).

Với việc trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới Việt Nam sẽ cùng tham gia việc đôn đốc thực hiện Công ước 1972 đối với 190 nước thành viên của công ước. Việt Nam cũng sẽ tham gia xét duyệt các hồ sơ di sản được tất cả các nước đệ trình lên Ủy ban Di sản (khoảng 40-60 hồ sơ mỗi năm). Bên cạnh đó Việt Nam cũng sẽ phải đề xuất những giải pháp cụ thể để phát huy vai trò thành viên Ủy ban giúp công tác bảo tồn di sản thế giới đạt hiệu quả cao.

Phóng viên VOV online đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam về ý nghĩa của sự kiện này.

PV:Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Ủy ban di sản thế giới nghiệm kỳ 2013-2017?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Đây là tin vui và là niềm tự hào của đất nước ta-một quốc gia có nhiều di sản được thế giới vinh danh. Trong 3 đợt chúng ta ứng cử vào năm 1997, 2001 và 2003, chúng ta đã không trúng cử. Việc chúng ta không trúng cử không phải chúng ta không có uy tín.

Trong những năm vừa qua, chúng ta có đóng góp hiệu quả cho hoạt động của UNESCO. Đặc biệt, khi Mỹ bắt đầu không đóng hội phí hàng năm gây khó khăn cho UNESCO về tài chính thì vai trò của Việt Nam trở nên nổi bật dù ta là nước đang phát triển.
thu%20truong%20nguyen%20thanh%20son.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn

Chúng ta sẵn sàng chia sẻ khó khăn với UNESCO bằng nhiều hoạt động có ý nghĩa như đăng cải tổ chức Hội nghị tham vấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ở Hội nghị này chúng ta đã chia sẻ tài chính với UNESCO trong bối cảnh UNESCO gặp khó khăn về mặt tài chính.

Sự chia sẻ của Việt Nam không chỉ ở mặt tài chính mà cả trong các hoạt động mang tính chính trị của UNESCO, đặc biệt sau khi Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Vai trò vị thế của Việt Nam ngày càng được củng cố trên trường quốc tế dẫn đến tiếng nói của chúng ta trong nhiều tổ chức, trong đó có UNESCO ngày càng ý nghĩa.

Bạn bè quốc tế nhìn thấy sự đóng góp của Việt Nam đối với UNESCO. Do đó,  Việt Nam đã trúng cử 2 lần vào Cơ quan quyền lực cao nhất của UNESCO  đó là Hội đồng chấp hành UNESCO và lần này là thành viên Ủy ban Di sản.

Hoạt động của Ủy ban này mang tính chuyên môn, gồm 21 thành viên. Đây là Ủy ban chuyên giám sát, nêu vấn đề và công nhận các di sản trên toàn thế giới. Là thành viên Ủy ban này là thành công rất lớn của Việt Nam trong công tác UNESCO cũng như uy tín trong vấn đề di sản.

Tôi đánh giá đây là sự kiện có ý nghĩa lớn và rất đáng mừng, chứng tỏ vị thế cảu Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng.

PV: Như Thứ trưởng vừa nói, đây là lần đầu tiên Việt Nam trúng cử sau 3 lần không thành công vào 1997, 2001 và 2003. Vậy vì sao lần này Việt Nam trúng cử?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Quan hệ của Việt Nam và UNESCO thời gian qua phát triển rất tốt đẹp. Tổng Giám đốc của UNESCO trong nhiệm kỳ vừa qua đã sang thăm Việt Nam 2 lần. Đây là điều hiếm thấy.

Mặt khác, chúng ta đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho UNESCO với tư cách là thành viên Hội đồng chấp hành. Trong các đề xuất, Việt Nam đã có sáng kiến thúc đẩy sự ủng hộ đoàn kết các thành viên UNESCO và được các thành viên của UNESCO đánh giá cao. Đây là chìa khóa thành công đầu tiên của Việt Nam trong việc nâng cao uy tín, tăng cường đóng góp cho các hoạt động của UNESCO.

Phố cổ Hội An - di sản thế giới của Việt Nam (ảnh: Hà Thành)

Việt Nam là quốc gia có hàng nghìn năm văn hiến mà bạn bè thế giới rất kính nể và công nhận. Vì thế, 5 năm trở lại đây, mỗi năm chúng ta có 2 di sản được công nhận là di sản thế giới. Điều đó chứng tỏ rằng Việt Nam là đất nước có nhiều di sản nhất trong khu vực Đông Nam Á và là quốc gia có nhiều di sản trên thế giới.

PV:Xin Thứ trưởng cho biết sau khi trở thành thành viên Ủy ban Di sản thế giới, Việt Nam sẽ có những hoạt động cụ thể như thế nào để nâng cao vị thế trên trường quốc tế?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Tới đây, khi đã là thành viên của Ủy ban Di sản thế giới thì trách nhiệm chúng ta lớn hơn và cũng có nhiều thuận lợi. Chúng ta có quyền xem xét phán quyết và đóng góp ý kiến với di sản của các quốc gia khác. Nhưng chúng ta cần thể hiện trình độ, năng lực của thành viên Ủy ban trong vấn đề di sản.

Qua đó, theo tôi, chúng ta cần chuẩn bị đội ngũ chuyên gia rất giỏi trong vấn đề di sản ở tất cả các thể loại như khảo cổ, lịch sử, địa lý… Những tiêu chí cho 1 di sản chúng ta cần có đủ chuyên gia để đáp ứng yêu cầu khi cần thẩm định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những định hướng mà Ủy ban Di sản  UNESCO đang làm rất tốt.

Chúng ta vừa kết thúc nhiệm kỳ Uỷ viên Hội đồng chấp hành UNESCO với sự đánh giá cao của Tổng Giám đốc và bạn bè trong Hội đồng chấp hành.

Tôi nghĩ rằng với vị thế, kinh nghiệm, nhận thức đúng và đà phát triển về hợp tác với UNESCO, đặc biệt bà Tổng Giám đốc UNESCO tiếp tục tái cử nhiệm kỳ 2 sẽ tạo đà phát triển mới cho quan hệ Việt Nam và UNESCO. Tôi nghĩ, hoạt đông của Việt Nam với tư cách là thành viên Ủy Ban Di sản thế giới sẽ rất thành công./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.