>> Xem thêm: Trần Đăng Khoa: Tiếng Việt ngày càng mất chuẩn
PV VOV online đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) để làm rõ hơn về thực trạng “lệch chuẩn” trong tiếng Việt hiện nay, đặc biệt là sự “lệch chuẩn” trên báo chí.
PGS-TS Phạm Văn Tình trong buổi hội thảo về Ngôn ngữ thời @ |
Cần nhìn sự “lệch chuẩn” một cách toàn diện
PV:Là một trong những người có nghiên cứu sâu về ngôn ngữ tiếng Việt, ông đánh giá như thế nào về thực trạng của tiếng Việt hiện nay?
PGS-TS Phạm Văn Tình:Cách sử dụng tiếng Việt hiện nay đang gây nên nhiều bức xúc và tranh luận. Điều này không phải không có căn cứ. Đó là hiện tượng nói và viết tiếng Việt tùy tiện, bừa bãi trong đời sống hàng ngày và trên cả các phương tiện thông tin đại chúng.
Chỉ cần bước chân ra ngõ là đã có thể nghe thanh thiếu niên nói bậy, chửi tục, nói trống không, trái với thuần phong mỹ tục… Sách báo thì in sai, in lỗi hoặc để cho nhiều phát ngôn kém văn hoá ngang nhiên tồn tại. Đặc biệt là ngôn ngữ trên mạng rất bát nháo, tuỳ hứng trăm hình vạn vẻ.
Theo tôi, muốn nhìn nhận, đánh giá đúng vấn đề tiếng Việt hiện nay liệu có đang “lệch chuẩn”, chúng ta phải có cái nhìn biện chứng, toàn cục. Việc ngôn ngữ có sự lệch lạc là đương nhiên, ngôn ngữ nào cũng có điều đó do bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như vùng miền, sự biến thể, hay xu hướng toàn cầu hóa.
Xét về phương diện vùng miền, Việt Nam có rất nhiều vùng phương ngữ. Việc một ngôn ngữ chung chấp nhận yếu tố vùng miền là việc rất bình thường, không chỉ ở nước ta mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều như vậy.
Ví dụ như, người miền Trung nặng những âm ‘tr’, ‘r’, ‘s’; trong khi tiếng Hà Nội lại lược bỏ 3 âm quặt lưỡi khó nói đó. Việc lược bỏ không ảnh hưởng đến giao tiếp bởi chính âm (nói) và chính tả (viết) trong tiếng Việt có sự khác nhau. Một từ có thể nhiều cách phát âm, đồng thời lại có nhiều nghĩa. Để hiểu đúng từ phải dựa vào ngữ cảnh trong giao tiếp và mặt chữ trong cách viết. Do đó, không thể lấy sự ảnh hưởng của phương ngữ, đọc những âm như ‘tr’ – ‘ch’, ‘r’ – ‘d’ – ‘gi’ giống nhau, hay nói cụ thể hơn là lấy sự sai biệt của chính âm để bắt bẻ tiếng Việt là đang “lệch chuẩn” thì không hợp lý.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, sự “lệch chuẩn” đang diễn ra nghiêm trọng nhất ở giới trẻ với những biến thể khó hiểu của từ ngữ?
PGS-TS Phạm Văn Tình:Đó là khía cạnh thứ 2 cần xem xét ở việc “lệch chuẩn” – sự biến thể của ngôn ngữ.
Giới trẻ đã làm cho tiếng Việt méo mó đi nhiều. Ngôn ngữ trên mạng của giới hiện nay rất bát nháo, điển hình là cách nói chuyện văng mạng (nói cho hả, nói lấy được), cách viết văng mạng bất chấp các chuẩn mực chính tả tối thiểu… cho đến nói bậy, nói lóng và “sáng tạo” ngôn ngữ theo kiểu tùy hứng, dẫn đến ứng xử ngôn ngữ kém: nói trống không, xách mé, tỉnh lược nhiều…
Ví dụ như gọi bố mẹ là “tiền bối lỗi thời”, xe máy là “con nghẽo”, bạn gái là “gà tóc nâu”, bạn trai là “xe ôm”… Rồi nói tiếp âm các từ với các tên nổi tiếng: “yết kiêu vừa chứ”, “lỗ tấn to rồi”, “chớ hồng lâu mộng”, “phí phạm văn đồng”, “vô lý thường kiệt”… Chưa kể đến những lỗi sai chính tả (viết) nghiêm trọng trong cả những bài thi viết văn.
"Thành ngữ tuổi teen" tạo nên những luồng ý kiến trái chiều về sự trong sáng tiếng Việt (Ảnh minh họa) |
Ngoài sự sáng tạo theo lối tùy hứng, theo tôi, nguyên nhân của việc các em viết sai chính tả là do hệ thống giáo dục hiện nay không dành nhiều thời gian cho vấn đề luyện và chỉnh sửa chính tả. Bên cạnh đó, công nghệ tiên tiến khiến giới trẻ lười, không viết bằng tay mà viết bằng máy tính hoặc trên điện thoại di động với những từ tắt như “ko” (không), “nhg” (nhưng)... Điều đó làm cho thái độ của người viết chính tả bị lệch lạc.
Giới trẻ có cách biểu đạt và trao đổi riêng trong một khuôn khổ nhất định của chính các em và tạo ra sự khu biệt khá rõ ràng. Sự biến thể đó là vẫn chấp nhận được trong ngôn ngữ nói chứ không phải ở chữ viết. Và cũng có thể thấy, rất ít khi các em đưa những từ như vậy vào trong các bài thi. Chúng ta không thể đứng từ một phía và nói rằng phía kia đang lệch chuẩn quá nặng.
Nếu cách nói, cách viết không đúng chuẩn đó liên quan đến văn hóa giao tiếp thì phải xem xét. Như khi đàm tiếu về các danh nhân lịch sử, nói với các bậc bề trên… thì sẽ tạo ra phản cảm và cần có sự chỉnh lý đúng mực. Ngay cả việc nói tục, nói bậy là hành vi “lệch chuẩn” nhưng nó cũng là từ góc độ văn hóa giao tiếp. Chúng ta cần xem xét một cách tổng thể để đưa ra cách nhìn nhận, đánh giá. Nếu nói là loạn thì tôi cho rằng không hẳn thế.
PV: Trong ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay có sự vay mượn khá nhiều từ tiếng nước ngoài. Liệu đây có phải là sự “lệch chuẩn” cần phải chỉnh lí?
PGS-TS Phạm Văn Tình:Chúng ta phải thừa nhận là, trải qua 4.000 năm lịch sử, dấu ấn của văn hoá Hán và tiếng Hán, văn hoá Pháp và tiếng Pháp còn biểu hiện rất rõ trong tiếng Việt. Hơn 60% từ Việt có gốc Hán (theo thống kê của H. Maspéro, 1972) và khoảng hơn 2.000 từ gốc Pháp (thống kê của Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Đức Dân, 1992).
Gần đây, tiếng Việt thu nhận thêm nhiều từ ngoại lai nữa (chủ yếu là tiếng Anh). Từ điển từ mới (Viện Ngôn ngữ học, 2002) đã thu thập khoảng 3.000 từ mới các loại trong vòng 15 năm (1985-2000). Đây là hệ quả của nhiều năm mở cửa, đổi mới, hội nhập trong xu hướng toàn cầu hóa. Tiếng Việt đã bị ảnh hưởng và sử dụng nhiều từ nước ngoài thành chuẩn như “show”, “festival”, “virus”, “măng cụt”, “cờ lê”, “mỏ lết”…
Tuy nhiên, mỗi một ngôn ngữ đều sẽ xuất hiện những chuẩn mới và thay đổi theo thời gian. Chúng ta hãy bình tĩnh xem, cộng đồng sẽ chấp nhận nó đến đâu. Khi người ta cảm thấy từ mới đó hay và có ích thì sẽ đưa vào trong tài sản ngôn ngữ. Còn nếu chúng ta cự tuyệt, không chấp nhận tiếng nước ngoài thì ngôn ngữ sẽ không có sự phong phú. Đến một lúc, chúng ta sẽ phải chấp nhận một số những yếu tố ngoại lai cần thiết.
Tổng hợp lại trên nhiều yếu tố, tôi thấy rằng, tiếng Việt hiện nay không hề đến mức báo động. Tiếng Việt trong những năm gần đây đã phát triển phong phú hơn nhiều. Dù hiện tượng nói năng thiếu chuẩn mực, lộn xộn là có nhưng không đến mức làm mất đi sự trong sáng của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp của toàn dân, việc sử dụng lộn xộn đến mức độ nào đó cũng sẽ bị đào thải theo quy luật chọn lọc tự nhiên.
“Lệch chuẩn” trên báo chí chỉ là hạt sạn đáng tiếc
PV:Xã hội ngày càng phát triển thì việc sử dụng thông tin ngày càng được coi trọng. Tuy nhiên, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng lại để xảy ra những lỗi về ngôn ngữ. Ông đánh giá thế nào về việc này?
PGS-TS Phạm Văn Tình:Cách thức giao tiếp của tiếng Việt ngày nay đa dạng hơn trước rất nhiều. Ngay cả phương tin đại chúng cũng đa dạng hơn: truyền hình, phát thanh, báo giấy, báo mạng… Có hiện tượng dùng tùy tiện, lệch chuẩn, không cân nhắc khi dùng từ ngữ nhưng không quá nhiều.
Báo mạng là loại hình báo chí có sự sai chính tả tương đối nhiều. Một trong những nguyên nhân có lẽ là do tính chất cập nhật nhanh, vội vàng đưa tin dẫn đến sai chính tả.
Chính tả là vấn đề văn hóa. Có nhiều trường hợp không quen với việc sử dụng ký tự phù hợp với những từ ngữ ít gặp, dẫn đến sai. Không chỉ riêng các nhà báo mà các nhà ngôn ngữ như tôi cũng có lúc phải tra từ điển khi viết những từ như “huếch hoác”, “tuềnh toàng”… Có khi ngay cả từ điển cũng phải nhầm. Chúng ta phải luyện, làm quen với những tình huống chính tả đó thì mới tạo ra thói quen để viết.
Ngoài ra, việc đặt tít (title) cũng hơi tùy hứng và quá đà. Cách đặt tít là sự sáng tạo của nhà báo nhưng nhiều khi quá mới lạ lại không phải là điều hay, và nhiều trường hợp tạo ra phản cảm.
Các hiện tượng nói nhịu trên sóng phát thanh, truyền hình cũng khá phổ biến. Nhiều sự lỡ lời do trình độ chuyên môn kém dẫn đến sự chỉ trích của khán giả. Tôi cho đó là những hạt sạn đáng tiếc nhưng chúng ta nên bình tĩnh để xem họ tiếp thu và sửa sai như thế nào. >> Đọc thêm: Phản biện Trần Đăng Khoa về tiếng Việt "lệch chuẩn"
Trong ngôn ngữ có nhiều cách nói do thói quen. Nói như Lỗ Tấn “Đầu tiên chưa có đường, nhưng đi mãi mà thành đường”, ngôn ngữ đôi khi do quen miệng mà tạo thành chuẩn. Ngôn ngữ không có thứ gọi là chuẩn logic như toán học mà có những “chuẩn riêng của ngôn ngữ tự nhiên”. Có những cái hôm nay là lệch chuẩn thì tương lai sẽ trở thành chuẩn. Có khi chuẩn mới và chuẩn cũ song song tồn tại trong chừng mực nào đó. Cuối cùng, hoặc chuẩn mới không hợp bị triệt tiêu, hoặc chuẩn mới trở thành chuẩn hợp lý.
Chúng ta cũng không nên nhìn vào sự “lệch chuẩn” do sai sót đáng tiếc của báo chí mà đổ lỗi cho sự “lệch chuẩn” của toàn bộ hệ thống tiếng Việt được.
PV:Xin cảm ơn PGS-TS Phạm Văn Tình./.