Nhà thơ Trần Đăng Khoa - một bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ - mới đây đã giới thiệu ý kiến của  thầy giáo Nguyễn Văn Thắng, giảng viên tiếng Pháp của trường Đại học Hà Nội, trình bày có hệ thống quan điểm về sự lệch chuẩn trong tiếng Việt, về sự “xuống cấp” hay “nhão hóa” trong cách phát âm tiếng Việt.  >> Xem: Trần Đăng Khoa - Tiếng Việt ngày càng mất chuẩn

Bài chấp bút có những điểm tôi hoàn toàn nhất trí, có những điểm thì chưa. Nhưng dù trong trường hợp nào thì bài viết cũng thể hiện trách nhiệm công dân cao của thầy Thắng và nó đã giúp tạo một diễn đàn cho những ai quan tâm đến tiếng bản địa và văn hóa dân tộc. Nhân có diễn đàn này, tôi xin mạo muội nêu một số ý kiến như sau.

Rất cần sự chuẩn hóa

Tôi đồng ý là chúng ta phải giữ gìn sự lành mạnh của tiếng Việt, chuẩn hóa nó, tránh hội chứng đám đông, mốt phong trào, và các kiểu lộn xộn xô bồ trong sử dụng ngôn ngữ của cha ông để lại. Bấy lâu nay nhiều người cũng đã nhắc và đau đáu vấn đề này, về cách phát âm, cách phiên âm tiếng nước ngoài, vấn đề chính tả, rồi việc viết hoa…

day%20tieng%20viet.jpg
Một cô giáo Hàn Quốc dạy tiếng Việt cho người Hàn Quốc (ảnh: GD & TĐ)

Có những vấn đề hiển nhiên rất đáng tiếc trong hệ thống chữ Quốc ngữ, như với các con chữ f-z-j không được sử dụng (phần này chưa thấy thầy Thắng đề cập).

Nếu chữ f được dùng thay cho ph thì sẽ chính xác, ngắn, và tiết kiệm ngôn ngữ (trong bản viết của Bác Hồ rất hay dùng f thay ph, có lẽ cũng trên tinh thần đó). Hay nếu chữ z thay cho d, sẽ bớt được đ, đồng thời phù hợp thông lệ quốc tế, tránh được hiểu lầm về cách đọc và nghĩa với những tên riêng như Dung khi chuyển sang tiếng Anh (sẽ không phải viết Dzung), hay gây “phiền hà” cho những bác mang tên Dĩ (không phải viết Dzĩ). (Tất nhiên “d” /ɗ/ trong tiếng Việt sẽ khác d /d/ trong tiếng Anh).

Việc dùng chữ j vừa chính xác vừa giúp bỏ được các tổ hợp gh-, ngh- (khi ấy sẽ được viết "gê" thay cho "ghê"; "ngi" thay cho "nghi") và tránh sự “à uôm” của những chữ như “giếng, giễu” (đọc thế nào đây, “jễu” hay “jiễu”, “jếng” hay “jiếng”?!!).

Cá nhân tôi cho rằng chúng ta có thể và nên tiến hành “cải cách triệt để” ở khoản này. Bên Trung Quốc họ còn cải cách hàng ngàn Hán tự từ phồn thể sang giản thể (giản lược nhiều nét đi cho dễ nhớ, dễ đọc, dễ viết), nên mấy chữ “f, z, j” (và cả chữ “k” thống nhất thay cho “c”/k/) của ta chắc chưa thấm vào đâu.

Cần sự chuẩn hóa, hành lang pháp lý, luật về ngôn ngữ, để ba miền dù sử dụng các biến âm khác nhau nhưng khi viết thì có thể và cần phải giống nhau, thể hiện sự thống nhất trong một đất nước…

Tình hình có thực sự quá tệ?

Trước hết xin tham khảo hiện trạng của tiếng Anh, ngôn ngữ quốc tế phổ biến nhất hiện nay. Bản thân người Anh còn sợ chính tả của họ. Do không có sự tương ứng 1-1 nên từ điển tiếng Anh (nhất là dành cho người học tiếng Anh như một ngoại ngữ) phải kè kè phiên âm (có thể là phiên âm quốc tế với hệ thống ký hiệu riêng, hoặc phiên âm tự chế, chẳng hạn ar để chỉ /a:/, ee chỉ /i:/).

Tiếng Anh cũng có tình trạng nhiều phiên bản chính tả cho cùng một từ hoặc tên riêng.

Trên thế giới, tiếng Anh là một trong các ngôn ngữ có ngữ âm và chính tả phức tạp nhất, đầy thử thách đối với người học (ảnh: howcast)

“Tệ hơn”, ngay khi viết giống nhau vẫn có các cách đọc khác nhau! Chẳng hạn, chưa tính yếu tố vùng miền thì bản thân từ interesting dù chỉ có một vỏ chính tả như vậy nhưng có thể đọc (ở cấp độ âm vị) theo nhiều cách khác nhau. (Tùy theo mức độ “nhược hóa”, chữ “e” thứ 2 có thể phát âm là /e, ɪ, hoặc ə/, e thứ nhất có thể là /ə/  hoặc câm - nếu tổ hợp lại thì sẽ có nhiều cách phát âm cho một từ interesting ). Đây là đặc trưng của tiếng Anh, chưa tính đến yếu tố địa lý. (Còn xét trong toàn nước Anh thì còn nhiều giọng điệu nữa, “accent” xứ Manchester  chẳng hạn thì nổi tiếng “ác liệt”. Tính thêm các nước Mỹ, Canada, Australia thì tình hình còn phức tạp hơn).

Do đó chính tả tiếng Anh luôn là một thách thức lớn nếu không muốn nói là thảm họa.   >> Đọc phần 2: Phản biện tiếp thầy Thắng về tiếng Việt “lệch chuẩn”  

Chính tả trong tiếng Anh nếu muốn “khoa học” hơn cũng chịu, bởi lẽ ngôn ngữ này mà phiên khoa học bằng ký hiệu ngữ âm quốc tế thì thứ nhất đa số không hiểu và viết được, thứ hai sẽ lệch pha so với cả thế giới sử dụng ký tự Latin, và thứ ba chính tả tiếng Anh sẽ “nát bét” vì sẽ có nhiều dị bản cho cùng một từ (chẳng hạn với trường hợp interesting nói trên).

Chữ Quốc ngữ cũng có hiện tượng này. Sự tương ứng cao của chính tả Việt với âm nó phản ánh không phải là tuyệt đối (muốn chính xác, phải dùng phiên âm quốc tế ở cấp độ chi tiết).

Lấy thí dụ, chữ “a” /a:/ trong “cao” về phẩm chất ngữ âm là khác với “a” trong “cau” (chữ “a” thứ 2 giống “ă” (/a/) ngắn, có âm vực cao). Khác biệt nằm ở “a” chữ không phải “o,u”! “O” và “u” ở đây về thực chất đều là biến thể của bán âm /w/. Còn nhiều trường hợp nữa (như chữ a trong baibay; âm "ô" được biểu thị đồng thời bằng chữ "a" trong "tua" và chữ "ô" trong "tuôn"...).

Nguyên nhân của tình trạng này là vì (1) kiến thức ngữ âm thời xưa (đến tận giờ người ta vẫn còn phải nghiên cứu không mệt mỏi về thế giới ngữ âm Việt, với những tranh cãi nhất định), (2) các nhà sáng chế chữ Quốc ngữ đa phần là giáo sĩ phương Tây, rồi (3) sự vận động của bản thân tiếng Việt nữa v.v..

Một bản chữ Quốc ngữ năm 1632. Chữ giai đoạn này khác biệt nhiều so với thời nay (ảnh: sachhiem.net)

Nhưng về cơ bản, chữ Quốc ngữ “ngon” và dễ nhớ hơn chính tả tiếng Anh. Hệ chữ Quốc ngữ ra đời muộn, nên đạt được sự thống nhất cao 1-1 giữa chữ và âm (điều này rất quý). Cũng dùng ký tự Latin, nhưng chữ Quốc ngữ đã tạo thêm nhiều ký tự bằng ký tự Latin cũ kết hợp với các ký hiệu phụ (tạo thành “a, ă, â, ơ, ô,...”) không như “ông” tiếng Anh dùng gần như nguyên xi bộ chữ Latin gốc.

Chữ Quốc ngữ khoa học hơn, nên có khả năng phản ánh rất tốt các dị biệt, các biến âm, thành ra người Việt đôi khi phải băn khoăn xem nên chọn cái nào - “bảy” hay “bẩy”, “nhậy” hay “nhạy”, rồi “thầy” hay “thày”. Đối với những trường hợp tương tự trong tiếng Anh, người viết không phải băn khoăn nhiều, chỉ người đọc mới băn khoăn thôi, vì viết giống nhau hết, nhưng đọc thì đa dạng (như trường hợp interesting). Chỉ riêng một ký tự “o” trong tiếng Anh được dùng để ghi một cơ số âm tiếng Anh.

Nếu tiếng Việt được ghi bằng phiên âm quốc tế thì cũng gây nhiều khó khăn cho việc sử dụng đại trà, có lẽ với mức độ chả kém gì tiếng Anh khi được phiên ra. Do đó mà có xu hướng cổ xúy việc cải biên hạn chế trên tinh thần thực tế.

Về lĩnh vực phiên âm tên nước ngoài, thực ra người Anh, người Mỹ không phải lúc nào cũng thống nhất đâu. Đơn cử là tên của lãnh đạo thế giới như Gaddafi (Libya), Morsi (Ai Cập) hay Rouhani (Iran)… đều có nhiều cách viết khác nhau. Thế nên, các tờ báo lớn của Anh và Mỹ đều phải lập Stylebook để chuẩn hóa trong nội bộ, còn ta thì không nên mặc cảm nhiều về chữ Quốc ngữ.

Mặt khác, dường như chính lợi thế 1-1 của chữ Quốc ngữ cùng với vốn âm vị và âm tiết dồi dào của tiếng Việt lại phần nào gây “phiền muộn” cho chính chúng ta khi diện phản ánh âm của chúng rất rộng.

So với tiếng Hán, tiếng Việt có ngữ âm đa dạng hơn (về số lượng âm vị, phụ âm cuối, và cả thanh điệu). Tiếng Việt lại được “vũ trang” bằng hệ thống ghi âm âm tiết và âm vị (chữ Latin cải biến) nên sức phiên âm tiếng nước ngoài là ở mức độ chi tiết và đa dạng hơn. Đây là hai nguyên nhân quan trọng (ngoài yếu tố quản lý, chính sách ngôn ngữ) khiến tiếng Việt có nhiều dị bản phiên âm hơn tiếng Hán vốn không dùng chữ cái để ghi âm tiết nói chung và cụm phụ âm.

Bản Quốc ngữ năm 1700. Chữ giai đoạn này đã hoàn thiện hơn nhiều (ảnh: sachhiem.net)

Ví dụ, chữ Moskva (thủ đô nước Nga, chuyển tự từ tiếng Nga) có âm Hán là Mò-sī-kē (âm Hán-Việt là Mạc Tư Khoa), nhưng sang tiếng Việt sẽ được mô phỏng chính xác hơn ở nhiều mức độ thành Matxcva, Matxcờva, Mátxcơva, Mátxítcơva, Mátxơcơva (khác biệt giữa các phương án phiên âm là nhỏ).

Hay Australia có âm Hán là Ào-dà-lì-yà (sát với chữ viết hơn là âm đọc) (âm Hán Việt: Úc Đại Lợi Á), không thể tỉ mỉ và sát âm của tiếng gốc như phiên âm của tiếng Việt (Ốtx-tờ-rây-li-a, Ốtx-trây-li-a,…).

Do chỗ ta dùng chữ Latin, nên còn có thêm cả trường hợp dùng nguyên dạng Australia (xu hướng này đương trở nên phổ biến). Người Hán thì họ dùng chữ tượng hình nên không dùng nguyên dạng được, trừ một số trường hợp đặc biệt.

Như vậy tiếng Hán thống nhất trong phiên âm tên ngoại quốc một phần là vì ngữ âm của nó nghèo nàn hơn tiếng Việt, và chữ Hán có nhiều hạn chế trong việc ghi âm. Với tiếng Nhật (có hệ thống âm vị nghèo nàn và không có thanh điệu) thì càng rõ: Việt Nam được phiên âm thành Be-to-na-mu.

Đấy là chưa kể tiếng Anh đã có một bề dày dùng chữ Latin (so với tiếng Việt) nên chính tả của ngôn ngữ đó có điều kiện đi vào ổn định dù vẫn còn nhiều cái lổn nhổn. Hán tự cũng có bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Chính tả Quốc ngữ có bề dày mới vài trăm năm thôi nên một số khiếm khuyết nếu có là điều có thể hiểu được./.    >> Xem tiếp Phần 2

(Hết Phần 1)
  >> Đọc phần 2: Nỗi niềm thầy Thắng - Ép tiếng theo chữ