Bali Water – một công ty khởi nghiệp về nước uống bền vững đầu tiên tại châu Á cùng với các đối tác đang phấn đấu đạt mục tiêu trồng thêm khoảng 10 triệu cây xanh ở Bali từ nay đến năm 2030. Mục tiêu này khởi nguồn từ chương trình “Một chiếc chai, một cây xanh” của công ty, với cam kết sẽ gửi trả doanh thu mỗi lần bán vào Quỹ xanh Bali.
Trong một tuyên bố, Bali Water cảnh báo hòn đảo nghỉ dưỡng Bali chỉ còn 20% diện tích rừng bản địa sau nhiều thế kỷ hứng chịu nạn phá rừng. Cùng với số lượng du khách gia tăng, hòn đảo cũng đang phải đối mặt với thảm họa sinh thái do việc vứt bỏ ước tính khoảng 30 triệu chai nước nhựa nguyên sinh mỗi tháng. Rác thải nhựa rất khó tự phân hủy và dần lấn át các hệ sinh thái mong manh trên đảo Bali.
Công ty khởi nghiệp này cũng đang nỗ lực đưa ra thị trường quốc tế các loại chai được làm hoàn toàn từ các nguồn tài nguyên có thể tái tạo. Theo đó, chai có thể được tạo ra từ cây thực vật tự nhiên với phần nắp và đỉnh làm từ mía. Ý tưởng này sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng sử dụng nhựa tràn lan, bảo vệ môi trường bền vững và ngăn ngừa biến đổi khí hậu.
Là địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm, Bali đối mặt với "bài toán" rác thải nan giải, đặc biệt trong những đợt gió mùa. Một số bãi biển bị ngập trong hàng tấn rác thải, nhất là vỏ chai nhựa do gió mạnh khiến sóng đẩy rác thải trôi dạt vào bờ. Cuối năm 2017, Bali đã phải ban bố tình trạng "khẩn cấp về rác thải" trên 6km bờ biển của Jimbaran, Kuta và Seminyak. Ước tính mỗi năm Bali thải ra gần 2 triệu tấn rác, trong đó có hơn 300.000 tấn rác thải nhựa.
Trước tình trạng báo động này, chính quyền Bali và nhiều tổ chức xã hội, các tình nguyện viên nỗ lực đưa ra các chính sách, sáng kiến như: cấm nhựa sử dụng một lần; thiết lập hệ thống quản lý rác thải mới cùng hàng chục cơ sở tái chế, xử lý chất thải tích hợp; thành lập các đội thu gom rác trên bờ biển; chương trình đổi rác thải nhựa lấy gạo, thực phẩm… Các nỗ lực bảo vệ môi trường tại Bali đang được tái khởi động trong thời điểm du khách quay trở lại đây ngày càng nhiều và các bãi cát tuyệt đẹp lại bắt đầu đầy những bao bì nhựa, ống hút, chai nhựa… sau giai đoạn dịch bệnh Covid-19./.