“Ngôn ngữ teen” hay còn gọi là “ngôn ngữ @” đang được giới trẻ 9x và học sinh sử dụng khá thoải mái trong khi giao tiếp. Ngôn ngữ này được nhiều người nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau. Người thì cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ này là “mốt” hay một cách khẳng định bản thân của giới trẻ và nó cũng "hay hay", một số người khác thì cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ này đang làm mất đi sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ.

Với học sinh trung học cơ sở, việc sử dụng những kí hiệu, mật mã hay là những từ ngữ hiện đại hóa dường như đã khá quen thuộc trong giao tiếp hay ghi chép bài học tại trường. Không hiếm những từ ngữ ở quán Internet được học sinh sử dụng thoải mái trong khi làm bài kiểm tra. Cô Long Vân- giáo viên dạy văn tại trường THCS Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội chia sẻ: “Dù những từ đó khi chấm bài tập đã được giáo viên bôi đỏ, trừ từ 0,5 đến 1 điểm kiểm tra và nhắc nhở cùng với lời phê, nhưng học sinh vẫn tiếp tục sử dụng”. Cô Hoàng Kim Oanh, Chủ nhiệm lớp 6A4 ở trường này cũng cho biết quan điểm không ủng hộ thứ  ngôn ngữ này.

Khi nhắn tin qua điện thoại và chat qua mạng Intenet, thay vì viết “biết rồi”, các bạn lại viết “bík òi ‘ hay “bík rùi” . Đọc đoạn tin nhắn này: “ uk. Chj chjen ze dau. Zan bt thou muk. Hj. Kon em seo rou? Ja djnh zan khoe chuk? Nghe nua moa em moj zo doa co wen duog xa j hum?”, liệu người lớn mấy ai hiểu được. Thế nhưng người trong cuộc thì sẽ hiểu ngay(Ừ. Chị có chuyện gì đâu. Vẫn bình thường thôi mà. Hi. Còn em sao rồi. Gia đình vẫn khỏe chứ? Nghe nói má em mới vô đó, có quên đường xá gì không?).

Doc-nhung-dong-chu-nay--tha.jpg
Đây mà là tiếng Việt sao ?
Việc sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Nhiều bạn lợi dụng ngôn ngữ này để thoát khỏi vòng kiểm soát của bố mẹ vì bố mẹ không tài nào dịch nổi nội dung tin nhắn của con gửi cho bạn bè.

Cách sử dụng ngôn ngữ nửa tây nửa ta cũng phổ biến. Những tiếng nước ngoài thường được các bạn sử dụng như: go, or, play, of, v.v . khiến những câu nói nửa tây nửa ta đôi khi còn khó hiểu hơn. Thế nhưng nhiều bạn học sinh cho biết, nếu không nói kiểu này thì bị chê là quê mùa, lạc hậu.

Những ký hiệu ấy, những câu nói không rõ nghĩa ấy xuất phát từ đâu và có từ bao giờ? Thật khó ngăn chặn tình trạng sử dụng ngôn ngữ tùy tiện của lớp trẻ hiện nay ngay lập tức, nhưng tôi nghĩ, chúng ta có thể loại bỏ nó nếu có thời gian và sự quyết tâm cùng với sự chung tay của nhà trường, các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ và toàn xã hội. Bởi vẫn có nhiều bạn ý thức rất rõ tình trạng này. Bạn Nguyễn Bích Ngọc, học sinh lớp 6A4 Trường THCS Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân đã nói như thế này: “Mình thật buồn vì nó đã làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt và không tôn trọng tiếng mẹ đẻ”. 

Hãy thử tưởng tượng xem thế giới này sẽ như thế nào nếu các dân tộc đánh mất tiếng mẹ đẻ của mình mà thay vào đó là những ký hiệu, những mật mã, câu từ khó hiểu của máy tính được gọi là ngôn ngữ @? Có thể thấy rằng việc sử dụng ngôn ngữ teen quá bừa bãi hiện nay trong giới trẻ đang làm mai một những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt. Vì vậy, mỗi bạn học sinh cần có ý thức hạn chế sử dụng ngôn ngữ teen bừa bãi và hãy biết sử dụng tiếng nước ngoài có chọn lọc vào quá trình giao tiếp, làm cho cách nói, cách viết của chúng ta ngày càng phong phú, đa dạng hơn, để Tiếng Việt của chúng ta ngày càng giàu đẹp hơn, trong sáng hơn./.