Gần đây, họa sĩ trẻ Thành Phong đã tập hợp những câu nói hàng ngày của giới trẻ, có thêm các hình ảnh minh họa và xuất bản cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ”. Đã có nhiều ý kiến không ủng hộ đối với cuốn sách này, đồng thời không chấp nhận cách nói “thuận miệng” của giới trẻ như những tập hợp trong cuốn sách. Người ta đặt ra câu hỏi rằng: liệu những câu nói ấy của các bạn trẻ có làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt?
Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn PGS. TS Phạm Văn Tình- Viện Ngôn ngữ và Từ điển học về vấn đề này.
** Thưa ông, với tư cách là một nhà nghiên cứu, ông thấy như thế nào khi các bạn trẻ bây giờ hay nói những câu tưởng như “thành ngữ mới”như trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” tập hợp?
- Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội. Đương nhiên là nó có ý nghĩa của nó và sẽ ảnh hưởng. Nhưng cũng không đáng lo ngại lắm đâu bởi những từ ngữ ấy không nhiều lắm. Nếu chúng ta có ý thức giữ gìn bản sắc tiếng nói của dân tộc mình thì những ngôn ngữ ấy chỉ làm cho ngôn ngữ tiếng Việt thêm phong phú. Nó giống như một người đã có hình hài, đã có gu thẩm mỹ thì dù có mặc thêm cái áo này hay quàng thêm cái khăn kia nhưng bản thân họ vẫn là người có năng lực thẩm định các giá trị nói chung.
** Không thể phủ nhận một điều rằng bản thân ngôn ngữ có sự thích ứng hay đào thải chính bởi nhu cầu sử dụng hàng ngày của con người. Vậy thì theo ông, lý do vì sao cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” lại bị đình bản vào tháng 10/2011. Phải chăng chúng ta cần lưu ý và điều chỉnh?
- Cuốn sách này có ghi ở bìa là “Từ điển thành ngữ sành điệu bằng tranh” – cái tên này không phù hợp với đúng bản chất của cuốn sách đó. Và có lẽ tác giả phải thay đổi. Ngay cả đầu đề “Sát thủ đầu mưng mủ” cũng tạo ra ấn tượng không được hay cho lắm. Chính điều đó cũng là một phần làm cho dư luận phản ứng. Nếu cuốn sách đó chỉ đơn thuần là tập hợp những câu nói của bộ phận giới trẻ hàng ngày và có một tiêu đề khác thì cũng không gây dư luận căng thẳng như thế.
** Vậy quan điểm của ông về hiện tượng này là gì?
- Chúng tôi ủng hộ nhưng không ủng hộ tuyệt đối. Thậm chí chúng tôi có nhiều phản đối, thậm chí phê phán nặng. Tôi chỉ muốn nói chúng ta hãy coi đó là một sản phẩm một thời kì tương đối dài của một bộ phận. Và nó không thể nằm ngoài cuộc sống.
Nó tồn tại ngoài luồng và được nói trong giao tiếp bình thường. Nhưng đưa vào văn viết thì cần phải xem lại. Chúng ta biết rằng nó có những lớp từ thuộc phong cách chức năng. Và nó tùy thuộc vào những nghi thức đòi hỏi cách nói khác nhau.
Nó có sự phân hóa nhất định trong nhóm đó. Chẳng hạn như đối với nhóm lớp trẻ vùng đô thị thì, đặc biệt là lứa tuổi teen thì các em đang định hình một lớp nói. Còn đối với những người tương đối trưởng thành thì có một lớp nói riêng. Tức là có sự phân hóa nhất định trong các cộng đồng giới trẻ khác nhau nhưng tựu chung nếu cộng đồng nào mạnh hơn sẽ lôi kéo cộng đồng khác. Cho nên nó có sức lan truyền. Nhiều khi thấy một người nói “hay” thì người khác lại nói theo. Và đó gọi là sự “a zua”.
** Sự lan truyền ấy có khi nào là những hiệu ứng tiêu cực?
- Lan truyền thì theo nguyên tắc “cái lành đồn xa, cái dở cũng đồn xa” và những cái dở thường hay được tiếp nhận. Lớp trẻ tiếp cận rất nhanh và không phân biệt được. Nhưng gu thẩm mỹ và năng lực của họ cũng chưa đủ để đoán định. Vì thế không loại trừ những từ ngữ không được hay được giới trẻ cổ xúy. Đó là điều đáng lo ngại. Chúng ta không thể để nó tự nhiên mà cần có sự kiểm chứng. Và điều đó thuộc về vài trò của gia đình, nhà trường, hay cả những ý kiến của các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ.
** Bây giờ có những bạn trẻ hay nói những câu nói có vần, vè, trong đó có nhiều câu vô nghĩa. Đằng sau hiện tượng này là gì, thưa ông?
- Tôi chỉ có một sự đóng góp là góp phần điều hòa dư luận trong sự kiện này sau khi đã chia thành 2 luồng dư luận: đồng tình và phản đối, trong đó dư luận phản đối còn căng thẳng hơn nhiều. Chính vì thế cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” đã gặp những sự cố và cần bàn lại. Tôi đã góp một tiếng nói hoàn toàn vô tư với tư cách là một người làm chuyên môn chỉ ra rằng: hiện tượng này đánh dấu một xu hướng ngôn ngữ mà chúng ta không thể bàng quan được.
** Vâng, xin cảm ơn ông!