Tung tẩy vỉa hè là vậy nhưng khi luận nghiêm túc về chủ đề “Tiếng Việt”, các anh đều tỏ ra nghiêm ngắn hẳn. Trong khi Đoàn Tuấn rưng rưng kể về quãng thời gian chiến đấu ở Campuchia và học tập bên Nga, thì Hoàng Nhuận Cầm lại hồi nhớ thuở tham gia đánh Mỹ ở vùng A Sầu, A Lưới (Thừa Thiên Huế) trong sự khâm phục những người dân tộc nơi đây sử dụng từ ngữ.
Đoàn Tuấn nhớ lại những năm 80 của thế kỷ trước ở Campuchia. Có một bận trên đường vào phum, đi ngang bìa rừng, giữa mênh mông biên giới, nhà biên kịch chợt nghe một giọng con gái cất lên câu tiếng Việt. Xúc động biết bao khi những ngày tháng súng đạn, chỉ được nghe gió rừng thổi, pháo bắn tơi bời. Rồi quãng thời gian gần chục năm trời du học ở nước Nga giá lạnh, thiếu ánh mặt trời, quanh năm thắp đèn, thèm có ai ở bên nói tiếng Việt với mình, anh “cảm giác như bị tù đầy khi phải xa Tổ quốc, xa tiếng Việt”. Đoàn Tuấn còn kể về một vị giáo sư đã sửa văn cho anh không thể tinh tế hơn. Anh viết về những con chim sẻ đi kiếm mồi trong sân, giáo sư sửa là chúng nhảy lách ta lách tách, từng nhịp từng nhịp.
Còn Hoàng Nhuận Cầm lại được những người dân tộc thiểu số chỉnh cho rằng: đi nhặt ốc dưới suối chứ không phải bắt ốc vì con ốc có chạy đâu mà phải bắt. Đuổi theo con hươu, con nai mới là bắt. Giỏi, thật giỏi! Một nhà thơ ẵm bao giải văn chương chợt cúi đầu cảm phục những nhà ngôn ngữ học dân gian...
Thế mới biết, bể học mênh mông, không bất biến mà ào ào như thác lũ. Tiếng Việt bây giờ thay đổi từng ngày. Tiếng Việt tinh tế trong thi ca, văn chương đang phải xếp tạm trên những giá sách bụi phủ. Tiếng Việt giờ trực diện, gọn, giản lược. Tiếng Việt teen với những ký tự như mật mã tình báo. Tiếng Việt của những “tóc xanh tóc đỏ” bông phèng, đùa cợt. Tiếng Việt của những bà buôn bán mang ngôn ngữ hành chính ra chợ; của những ông văn phòng lùa ngôn ngữ chợ búa vào công sở. Tiếng Việt của mấy MC truyền hình trẻ chào nhóm khách mời cao niên là “Xin chào mọi người”...
Tôi không phải là nhà nghiên cứu, càng không phải là nhà văn nên không dám bàn kỹ câu chuyện về chữ nghĩa. Chỉ xin cảm thán đôi lời trước nguy cơ tiếng Việt mình bị xâm hại, cưỡng bức. Không phải ai sinh ra cũng đều văn hay chữ tốt để làm nhà văn nhà thơ. Và phẩm chất đó cũng chả luyện được, nó là thứ trời cho, là thiên phú. Nhưng viết làm sao cho chuẩn, nói làm sao cho đúng, đọc làm sao cho tinh...thì tôi nghĩ là có thể luyện được. Bằng nhiều cách mà cách tốt nhất không gì hơn là phải đọc nhiều sách, nhất là sách văn học.
Tôi nghe nói ngành giáo dục ta bây giờ sính cho con trẻ học tiếng Anh sớm quá. Mới chưa đầy 5 tuổi, chưa sõi tiếng mẹ đẻ đã “ầy bì xi” Anh ngữ. Vẫn biết thời buổi giao thương này, mù ngoại ngữ là khổ lắm, nhưng lẽ nào chúng ta lại chấp nhận tình cảnh những thế hệ trẻ nói ngọng tiếng mẹ đẻ, tí tuổi đầu đã mở Ipad xoành xoạch, trong khi không tài nào phân biệt được con trâu với con bò...Rồi dịch sang tiếng Anh: nhựa cánh kiến là nhựa cánh của con kiến, dịch bán đảo Triều Tiên thành mang bán hòn đảo Triều Tiên...(!). Ở một vài nước tôi vinh dự được đi thăm, họ sử dụng tối đa tiếng và chữ bản địa, rất ít giao tiếp ngôn ngữ khác. Nhiều người cho đó là bảo thủ; nhiều người khác lại ngợi ca về sự tự tôn văn hóa.
Ngôn ngữ là một vấn đề của văn hóa, nó có quy luật và cũng chịu sự chi phối của đời sống. Vấn đề này cần một sự nghiên cứu hết sức nghiêm túc. Đời sống và thời gian là thước đo khách quan và công bằng nhất đối với những thay đổi. Tất nhiên đó phải là một đời sống được xây trên nền móng thẩm mỹ, bản sắc riêng và sự hội nhập. Điều này không phải ai cũng dễ nhận biết. Có những từ sẽ đi vào nhân gian, tồn tại chừng nào đời sống còn chấp nhận. Ngược lại với nhiều từ bám chặt vào cuốn từ điển dày hự nhưng lại chỉ được giới học thức, văn sĩ quen dùng vì sự cao siêu, sang trọng đến xa lạ của nó...
Với ngôn ngữ, không nên thủ cựu khư khư vốn cổ, mà loại bỏ những từ ngữ mới nảy sinh. Trong khi nhà biên kịch Đoàn Tuấn cho rằng, cần bổ sung cho từ điển hệ thống từ ngữ mới, thì nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm lại “phản bác”, theo anh, chỉ nên đưa chúng vào những cuốn tổng hợp từ mới, còn từ điển vẫn phải để dành cho “những từ ngữ đã sống trường tồn cùng sông núi như những giá trị thiêng liêng và đầy tự hào”... >> Đọc thêm: Tranh luận tiếp về tiếng Việt "lệch chuẩn"
...Cuối buổi bia, sau nhiều tranh luận, rồi bảo vệ cho sự trong sáng của Tiếng Việt, Hoàng Nhuận Cầm bắt tay, vọt lẹ để đi đón quý tử tan trường, không quên buông vào bàn bia câu chào gọn rất đời: “Mình cá chuồn đây”. Tôi biết anh đùa vui thôi, chứ lúc nghiêm túc luận Tiếng Việt, anh đã hơn một lần ngân vang mấy câu thơ đầy xúc cảm của Lưu Quang Vũ:
“Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình”./.