Nhà hát Chèo Hà Nội được thành lập mùa thu năm 1962, trên cơ sở hợp nhất đội Chèo trong Đoàn Lạc Việt với đội Chèo 2 Tổng cục Chính trị. 60 năm qua, không chỉ để lại dấu ấn sâu đậm, tình cảm ấm áp trong lòng khán giả Thủ đô, Nhà hát Chèo Hà Nội còn xác định được 2 khuynh hướng chủ đạo là: bảo tồn và đổi mới, làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

1b1nangsita1.jpg

Nghệ sỹ Quang Dương và nghệ sỹ Thu Huyền trong vở chèo "Nàng Sita".

Đến Nhà hát Chèo Hà Nội trong những ngày này, người hâm mộ sẽ được thưởng thức vở diễn “Quan lớn về làng” - tác phẩm đã giành 4 Huy chương vàng Liên hoan sân khấu Chèo đề tài hiện đại diễn ra tại Thái Bình vừa qua và là một trong 50 tác phẩm Nhà hát trình diễn trước khán giả Thủ đô trong 60 năm qua.

Với niềm yêu mến nghệ thuật chèo, niềm tự hào văn hóa dân tộc, ngay sau khi thành lập, các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội đã cho ra đời nhiều vở diễn đặc sắc ở các mảng đề tài phong phú như lịch sử, dã sử, huyền thoại, cổ tích và hiện đại.

Thông qua các vở diễn, khán giả có thể thấy rõ 2 khuynh hướng sáng tạo của đơn vị nghệ thuật. Đó là khuynh hướng bảo tồn, kế thừa những giá trị truyền thống, và khuynh hướng cách tân, đổi mới.

Nếu ở khuynh hướng bảo tồn, Nhà hát ghi dấu với những vở diễn như: “Tướng quân Phạm Ngũ Lão”, “Ni cô Đàm Vân”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Quan Âm Thị Kính”… tạo dựng nên những tên tuổi nghệ sĩ như Thanh Trầm, Mạnh Tuấn, Thúy Mùi, Xuân Hanh, Quốc Chiêm… được bạn nghề đánh giá cao, thì ở khuynh hướng đổi mới, Nhà hát lại thu hút được sự quan tâm của công chúng Thủ đô.

Những vở chèo mang phong cách hiện đại như: “Sợi tơ vàng”, “Những cô thợ dệt”, “Trời xanh mái phố”, “Nàng sita”, “Biển khổ”, “Chuyện tình sinh viên”, “Quan lớn về làng”… đã có hơi hướng cách tân khỏi truyền thống chèo cổ và được khán giả đón nhận.

Nghệ sĩ ưu tú Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chia sẻ: “Nhà hát đã kịp thời đổi mới phương tiện biểu diễn, thay đổi phong cách trang trí mỹ thuật để hấp dẫn khán giả hơn. Những việc làm này đã được nhà hát quan tâm, chú trọng đầu tư một cách công phu. Chính vì vậy, nhiều vở diễn đã vượt qua được những nguyên tác khô cứng mang lại được sự hấp dẫn cho khán giả”.

Đánh giá về sự đi lên của Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà nghiên cứu nghệ thuật Chèo Nguyễn Văn Thành cho rằng, những vở chèo đề tài hiện đại của Nhà hát Chèo Hà Nội đã có những tìm tòi nhất định như “Nàng sita” đạt được sự thành công vượt bậc khi có số lượng khán giả cũng như số đêm diễn lên đến hàng nghìn đêm. Chèo đề tài hiện đại đã thu hút được đông khán giả hơn vì người ta tò mò bởi với một loại hình nghệ thuật truyền thống nhưng lại nói đến những vẫn đề hôm nay.

Suốt chặng đường hơn 60 năm, Nhà hát Chèo Hà Nội không ngừng đổi mới cả nội dung và cách thể hiện những làn Chèo cổ để ra những giá trị nghệ thuật riêng có của mình, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của khán giả đất kinh kỳ.

Nhà hát Chèo Hà Nội đã không còn ràng buộc quá chặt vào những nguyên tác, đặc trưng của Chèo cổ, mà được sáng tạo thêm, vừa mang vẻ mượt mà của những làn điệu dân ca cổ, vừa mang đậm hơi thở của cuộc sống đương đại.

Ở những vở diễn của Nhà hát Chèo Hà Nội không chỉ có tự sự, trữ tình, mà còn cả tính kịch; không chỉ có bi, hài, mà còn có cả chính kịch tâm lý xã hội; không chỉ có các làn điệu chèo, mà còn có cả dân ca, ca trù, xẩm, hát văn… cũ – mới đan xen, hòa quyện với nhau nên được khán giả nồng nhiệt đón xem.

Nhà nghiên cứu, lý luận sân khấu Trần Việt Ngữ nhận định: “Chèo Hà Nội là kịch có hát đối. Kết cấu của vở chèo không theo kết cấu của Chèo truyền thống và không sử dụng hết thủ pháp cấu thành ngôn ngữ của Chèo truyền thống với thái độ xem để thích thưởng thức thâm mỹ vừa để giới thiệu tinh thần chèo truyền thống”.

Với những cố gắng không ngừng của các lớp nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội đã giúp nghệ thuật chèo Thủ đô ra khỏi sân đình, bước lên sân khấu hiện đại, trở thành chèo của đô thị, của thị dân, của trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế cả nước./.