Bộ sưu tập họa tiết hoa oải hương cao cấp mang phong cách vintage của Yves Saint Laurent đã đưa khán giả trở lại không gian của những năm 1970 và mở màn chương trình thời trang mang tên “40 năm len trong ngành thời trang”, diễn ra tối 19/10 tại Hà Nội.

woolmark_hanoi-5819.jpg

Khoảng 40 mẫu trang phục được trình diễn trên sân khấu mang phong cách từ những năm 1970, 80s, 90s cho tới hiện đại, là thiết kế của những nhà thiết kế hàng đầu thế giới như Emilio Pucci, Thierry Mugler, Missoni, Jenny Kee, Vivienne Westwood, Versace, Burberry và Easton Pearson và Christian Wijnants, người chiến thắng giải thưởng Woolmark Quốc tế 2012/13 với những bộ trang phục thể hiện một cách rõ ràng tính hiện đại của chất liệu len lông cừu Australia.

Đặc biệt, trong chương trình sự kiện này, một số trang phục cổ điển được mượn từ bộ sưu tập Darnell nổi tiếng với thuyết minh của Charlotte Smith (người sở hữu bộ sưu tập hơn 8.000 mẫu trang phục) đã làm rõ hơn về những thay đổi của chất liệu len trong ngành thời trang trong 40 năm qua.

Nhà thiết kế trẻ Việt Nam Hoàng Minh Hà - giải nhất cuộc thi Nhà Thiết kế thời trang Việt Nam (Project Runway Vietnam) mùa đầu tiên cũng trình diễn trong chương trình bộ sưu tập mới của mình.Dưới đây là một số mẫu trang phục được trình diễn:

Công ty hàng đầu thế giới về len Woomark cùng với sự hỗ trợ từ thương hiệu CANIFA – một trong những doanh nghiệp dệt may lớn nhất tại Việt Nam đã tổ chức thành công chương trình thời trang, đem đến cho khán giả cảm nhận thời trang của cả một thế hệ trong suốt 40 năm qua. Qua chương trình, khán giả cũng đã có dịp thấy rõ được đặc tính ưu việt tự nhiên của chất liệu len lông cừu.

Bên cạnh chương trình thời trang là gian triển lãm các sản phẩm len lông cừu “trồng ở Austrlia, sản xuất tại Việt Nam”, là các sản phẩm thời trang từ chất liệu len merino cao cấp, do các doanh nghiệp Việt Nam dệt và may.

Trước đó, chương trình trình diễn thời trang len đã diễn ra tại TP HCM tối 17/9, là một phần trong dự án "Việt Nam trên đường hội nhập", với tầm nhìn chiến lược nhằm xây dựng Việt Nam trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững cho chất liệu len. Với việc giới thiệu len lông cừu của Austrlia vào hệ thống, dự án kì vọng thị trường sản xuất hiện tại của Việt Nam sẽ ngày một mở rộng và phát triển. 

Tổng giám đốc điều hành của công ty Woolmark, ông Stuart McCullough cho biết từ lần đầu ra mắt vào năm 2012, tới nay dự án "Việt Nam trên đường hội nhập" đã thu hút được hơn 50 doanh nghiệp dệt may tham gia. “Những phản hồi tích cực về chương trình “Việt Nam trên đường hội nhập” càng khiến chúng tôi thêm tự tin vào thành công của dự án này. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các đối tác Việt Nam phát triển và xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất cơ sở trong tương lai” - Ông McCullogh cho biết thêm.Đại diện Bộ Thương mại tham dự chương trình, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa phát biểu đưa ra những con số ý nghĩa: “Trong năm 2012 vừa qua, thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam và Austrlia đạt mức 6.6 tỉ USD. Ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam hiện đang thu hút 2,5 triệu lao động (chiếm 10% lực lượng lao động cả nước), và còn mang lại một trong những nguồn thu xuất khẩu lớn nhất, chiếm 15% tổng doanh thu của toàn nền kinh tế. Hiện Việt Nam đang là nước xuất khẩu hàng may mặc sang Mỹ đứng thứ 2 trên thế giới, là nước đứng thứ 3 xuất khẩu vào Nhật Bản và là nước thứ lớn thứ 5 xuất khẩu vào EU...”. Bà Hồ Thị Kim Thoa bày tỏ vui mừng khi Woolmark có Dự án “Việt Nam trên đường hội nhập” nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất cho các sản phẩm len lông cừu cao cấp tại Việt Nam và cũng ra mắt bộ tài liệu về các nguồn cung ứng, bao gồm hồ sơ năng lực của các đối tác sản xuất trong dự án. Đây là bước hợp tác có triển vọng, phù hợp với chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam với mục tiêu đặt ra là sau năm 2020 ưu tiên sản xuất sản phẩm quần áo thời trang, giầy cao cấp./.