Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với NSƯT Chí Trung, đạo diễn chùm hài kịch này.

chien-si.jpg

Hình ảnh người chiến sĩ được đưa lên sân khấu hài

PV:Anh từng nói: Những giọt nước mắt rơi đúng nơi sẽ thanh lọc tâm hồn hơn cả những tiếng cười không đúng lúc. Có phải chính vì sự thanh lọc đó mà anh đã xây dựng một chùm hài kịch nhưng có tới 2 vở bi kịch?

NSƯT Chí Trung:Bạn vẫn thấy, có những người cười nhưng trong lòng khóc đấy thôi. Bởi thế cái cười nhiều khi nằm trong niềm xúc động mà mỗi vở diễn mang lại cho khán giả. Đó là hình ảnh sự hy sinh lặng thầm của người lính để hoàn thành nhiệm vụ. Sự ra đi của anh đã làm thức tỉnh người lính trẻ vào quân ngũ với bao toan tính cá nhân như trong tiểu phẩm “Quê nhà”.

Quan niệm cứ hài kịch là lúc nào cũng phải nghệch cười chưa hẳn hoàn toàn đúng, giống như việc chúng ta vào quán phở vẫn thấy có khi người ta bán cả xôi, miến, bánh mỳ… Làm sao để phục vụ đông đảo khán giả mới chính là tiêu chí chúng tôi hướng đến. Một bản nhạc có 7 nốt cũng phải có cao, thấp, bổng, trầm, đâu nhất thiết tất cả đều phải vút lên... Nên một chùm hài kịch cũng không nhất thiết cả 6 tiểu phẩm đều cười cả.

PV:Vì sao anh có ý tưởng đưa hình ảnh người lính lên sân khấu hài?

Chùm hài kịch “Nụ cười chiến sĩ” gồm 6 tiểu phẩm: Chuyện doanh trại, Quê nhà, Thơ tình lính biển, Đêm giao lưu, Trái tim người lính, Chuyện thật nơi đảo xa.

NSƯT Chí Trung:Từ hồi tháng 3/2011, anh Đinh Tiến Dũng (người đóng vai GS. Cù Trọng Xoay) dẫn đầu một đoàn thanh niên, doanh nghiệp thăm các chiến sỹ ở đảo Trường Sa, hứa với lính Trường Sa rằng sẽ đưa hài kịch “Đời cười” ra phục vụ lính. Tới tháng 8, anh Dũng đưa 15 nghệ sĩ của Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ ra phục vụ chiến sĩ ngoài đảo Trường Sa. Nhưng do biển động không ra được nên chúng tôi phải diễn ngay ở vùng 4 Cam Ranh cho lính Trường Sa vào đổi quân. Đoàn đã phục vụ 4 suất cho hàng ngàn người lính và họ rất thích. Ngay sau đó, chúng tôi suy nghĩ: sao không làm hài kịch riêng về người lính. Và thế là tôi đặt hàng kịch bản với Dũng.

PV:Đề tài người lính cũ mà mới, dễ rồi khó đấy nên ắt hẳn sẽ rất khác so với hài kịch thông thường?

NSƯT Chí Trung:Khác chứ. Để xây dựng một chùm hài kịch gồm 6 tiểu phẩm như vậy trước tiên người biên kịch phải có sự chọn lọc, tham khảo, khai thác từ chính cuộc sống của người lính trong văn học, báo chí… để làm nên chất liệu cho vở diễn. Tiếp đó là các bạn diễn viên cũng có những khó khăn nhất định bởi việc học tập, rèn luyện đúng tư thế, tác phong riêng của người lính không hề dễ dàng.

Việc hành quân, dậm chân tại chỗ, cách chào, mắt nhìn ra sao, các bạn trẻ phải tập luyện nhiều. Đặc biệt phải diễn sao cho bản thân hòa nhập được vào trái tim người lính để toát lên hình ảnh, tư thế, tác phong đẹp nhất của hình tượng người lính.

PV:Có thể cho rằng đây là một chùm hài kịch toàn tâm toàn ý dành cho lính chứ không vì mục đích lợi nhuận?

NSƯT Chí Trung:Bạn muốn nói đến lợi nhuận? Lợi nhuận chỉ có khi chúng ta có giá trị thặng dư sau khi trừ đi vốn đầu tư. Nhưng với “Nụ cười chiến sĩ” chúng tôi không bàn tới thặng dự mà là tồn tại, nghĩa là chỉ cần hòa được “vốn”. Thế nên không gọi là lợi nhuận được. Đêm diễn “Đời cười” phải thu được 40 triệu đồng/suất đoàn mới diễn, nhưng với “Nụ cười chiến sĩ” chỉ cần 5 triệu đồng/suất chúng tôi đã diễn. Hơn tất cả, điều chúng tôi thực sự mong muốn là được tiếp cận với người lính, để họ có được một chương trình hài kịch nhằm giải trí.

Chúng tôi muốn qua “Nụ cười chiến sĩ” thắp sáng niềm tin cho lớp thanh niên hiện nay về nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ và tình yêu người lính. Tạo hình tượng người lính Cụ Hồ trên sân khấu không những đem lại giá trị giải trí mà còn là xây dựng một hình tượng đẹp trong lớp thanh niên hiện nay. Đó không phải là sự lựa chọn hoàn hảo sao?

PV:Vậy một vở kịch dành cho lính bao giờ… sẽ đến được với lính?

NSƯT Chí Trung:Tất nhiên, chúng tôi rất hy vọng bên cạnh những đêm diễn ở rạp Thanh niên - Hà Nội, sẽ có các đơn vị bộ đội liên hệ hợp đồng biểu diễn phục vụ chiến sĩ, đặc biệt trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 tới.

Xin cảm ơn anh!./.