Không ồn ào và sôi động như vốn có ở người trẻ, “Hội nghị những người viết văn trẻ lần 9” - HNVVT, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 28-29/9 vẫn gây những con sóng ngầm trong giới viết trẻ. Đây như một cuộc tổng kết lực lượng để xác định vị trí, vị thế trong dòng chảy văn chương Việt đương đại..
Không còn nhiều tranh cãi, thậm chí là đã mặc định về những người viết văn trẻ luôn kèm theo nhận xét: Táo bạo, dũng cảm trong tìm tòi, thể nghiệm, quyết liệt trong “đi tìm mặt”, nhiều “nổi loạn”, không ít “phá bĩnh”, “đảo lộn”.
Và đã là trẻ là có quyền “thể nghiệm”, có quyền phô trương, có quyền làm những gì không giống ai, có quyền mang cái “tôi” đầy cá tính riêng biệt để thể hiện. Nhưng làm sao có thể đưa tất cả những điều đó hòa vào trong một dòng chảy lớn, thì quả là một ẩn số.
Cây viết rẻ đang ở thế sóng sau xô sóng trước
Hơn 10 năm trước, cây viết trẻ đã từng tạo những đợt sóng mới “náo loạn” cả văn đàn Việt. |
Hơn 10 năm trước, cây viết trẻ đã từng tạo những đợt sóng mới “náo loạn” cả văn đàn Việt. Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận, Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè, Đỗ Bích Thúy với Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, Vi Thùy Linh với Khát, Đồng tử, Phan Huyền Thư với Nằm nghiêng, Rỗng ngực, Ly Hoàng Ly với Lô lô, Nguyễn Vĩnh Tiến với thơ - nhạc, các cây viết bước từ hội bút nổi tiếng như Hương đầu mùa trên báo Hoa học trò, Vòm me xanh trên báo Mực tím, và đặc biệt sự xuất hiện nhóm Ngựa Trời với Dự báo phi thời tiết , nhóm Mở Miệng hừng hực tinh thần nổi loạn..
Rồi bẵng đi một thời gian, không tạo sóng tạo gió, chỉ thi thoảng gây “sốc” bằng những tác phẩm rất “hiện sinh” như tiểu thuyết dịch Xin lỗi, em chỉ là con đĩ của Trang Hạ, tự truyện Người tình New York của Hà Kin, tiểu thuyếtSợi xích của Lê Kiều Như, tập thơ Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng của Nồng Nàn Phố…, nhưng cũng đủ làm xao động, như một bước chuyển của cây viết trẻ sang một “style” mới.
Văn học mạng đã như một cuộc cách mạng và thuộc về “lãnh địa” của cây viết trẻ, và từ mạng ảo trở thành sản phẩm thực, tạo nên một “dòng” văn học thị trường đầy ma lực và quyền lực với những tác giả có số lượng bản in tác phẩm lên đến hàng vạn cuốn như: Trần Thu Trang, Dương Thụy, Anh Khang, Gào (Vũ Phương Thanh), Keng (Đỗ Thị Thùy Linh), Hamlet Trương, Iris Cao, Nguyễn Ngọc Thạch, Phan Ý Yên, Ploy Ngọc Bích, Kawi Hồng Phương, Bom, Sơn Paris…. hiện đang “chiếm” số đông độc giả và gây tranh cãi đối với giới học thuật Lý luận phê bình văn học Việt.
Và vì có rất nhiều lợi thế, nhiều quyền, cho dù trong 5 năm trở lại đây, người viết trẻ ít gây scandal trên văn trường, ít có tác phẩm gầy “bão” hay hiện tượng “bùng nổ” trong giới, thì không thể phủ nhận người trẻ đang chiếm rất nhiều “mặt bằng” trong các nhà sách, các nhà xuất bản.
Không kể “dòng” văn học thị trường, thì hiện tại, sức sống của văn học Việt phần lớn là ở các cây viết trẻ tạo nên. Họ có mặt ở khắp các thể loại từ thơ đên văn xuôi, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, trường ca, rồi dịch thuật chuyển ngữ… và không ít cây viết tạo nên tên tuổi.
Ngay cả với mảng Lý luận phê bình, tưởng chừng không phải là nơi thích hợp cho người trẻ thì họ cũng đã tạo uy tín không chỉ bằng “nghề” mà cả học vị, trong số họ có nhiều tiến sĩ văn học như: Đoàn Ánh Dương, Đoàn Minh Tâm,Nguyễn Thanh Tâm, Ngô Hương Giang,Nguyễn Mạnh Tiến, Phan Tuấn Anh, Hoàng Cẩm Giang, Nguyễn Đức Toàn,Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Trần Thiện Khanh, Đỗ Thị Hường, Trần Việt Phương, Nguyễn Nhật Huy, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn Thuấn, Thái Phan Vàng Anh, Nguyễn Văn Huy, Hồ Tấn Nguyên Minh, Hoàng Phong Tuấn, Hồ Khánh Vân…
Là những cây viết giàu nội lực, có những định hình phong cách, và đặc biệt người viết trẻ chiếm đại đa số trong những người đoạt giải ở các cuộc so tài văn chương uy tín, danh giá thuộc văn đàn Việt.
Trẻ không chỉ 8X mà còn có cả 10X
Quy định của HNVVT lần 9/2016 với hạn tuổi 35 trở xuống, nghĩa là các cây viết thế hệ 8X trở đi được gọi cây viết trẻ… Nhưng nếu điểm mặt những người viết trẻ hiện tại, rõ ràng thế hệ 9X đang chiếm số đông, đặc biệt còn xuất hiện nhiều cây viết thế hệ 10X hay Y2K từ năm 2000 trở lại, thậm chí có vài cây viết tuổi thiếu niên nhi đồng.
Đầu tiên, “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, 7 tuổi, Đỗ Nhật Nam đã trở thành dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam, 11 tuổi là người viết truyện nhỏ tuổi nhất được xuất bản, tính đến 2016, Đỗ Nhật Nam có trên 10 đầu sách viết và dịch thuật đã được xuất bản: Những con chữ biết hát, Đường xa con hát, Bố mẹ tớ đã cưa đổ tớ, Hát cùng những vì sao, Học thật là vui… Hiện Nhật Nam là du học sinh tại Mỹ và tổng biên tập tờ báo tuổi teen của Đông Nam Á- Creative Melange.
Đỗ Nhật Nam có trên 10 đầu sách viết và dịch thuật đã được xuất bản. |
Tiếp đến phải kể đến trường hợp thần đồng tiểu thuyết Nguyễn Bình, 10 tuổi đã viết tiều thuyết viễn tưởng Cuộc chiến với hành tinh Phantom nhiều tập. Trong vòng 8 tháng, khi bước sang 11 tuổi đã hoàn thành 3 tập tiểu thuyết dày hơn 1.000 trang. Sự kiện ra mắt sách của Nguyễn Bình đã được NXB Trẻ đơn vị phát hành cuốn sách và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức khá long trọng, xem như một thần đồng viết tiều thuyết có tính chất như “công dân toàn cầu”.
Các cây bút 9x trong 5 năm qua đã dần trưởng thành và khẳng định tên tuổi của mình. Cao Nguyệt Nguyên (Hà Nội), tác giả trẻ nhất đoạt giải thưởng truyện ngắn Văn nghệ quân đội gần đây. Phạm Bá Diệp ở phía Nam và có tác phẩm đoạt giải ở cuộc thi văn học tuổi 20 lần thứ V với truyện dài thuộc thể loại kỳ ảo Urem người đang mơ, Nhật Phi (Hà Nội) đã đoạt giải nhất tại cuộc thi văn học tuổi 20 với tác phẩm Người ngủ thuê.
Trương Công Tưởng (Bình Định), một giọng thơ lạ và đầy nội lực. Lê Quang Trạng (An Giang), hội viên trẻ nhất của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh, như một nhân tố mới bởi cách thể hiện sáng tạo, mới lạ. Đắk Lắk có cây bút 9x Nguyễn Võ Hương Nam từng đoạt giải nhất cuộc động sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do NXB Kim Đồng tổ chức.
Cũng không thể không nhắc đến thế hệ 8X, thuộc bậc “đàn anh” của HNVVT lần 9/2016. Những cây viết đã thành danh thì càng khẳng định mình hơn ở các lĩnh vực văn học: Văn xuôi, thơ, lý luận phê bình và dịch thuật như: Vũ Thị Huyền Trang, Nguyễn Quỳnh Trang, Đoàn Minh Tâm, Đào Quốc Minh, Đinh Phương, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Thanh Tâm, Linh Lê, Phan Tuấn Anh, Hoàng Công Danh, Lê Vũ Trường Giang, Văn Thành Lê, Trịnh Sơn, Hồ Huy Sơn, Du Nguyên, Chu Thanh Hương, Lục Mạnh Cường, Hoàng Anh Tuấn…
Ở nhiều cuộc thi văn học các cây bút 8x cũng dành ưu thế chiếm giải và được đánh giá là chững chạc trong cách viết, trong chọn lựa chủ đề, đề tài… Tuy nhiên, vẫn phải sòng phẳng nhìn nhận một điều rằng, dù các cây bút trẻ đã rất nỗ lực, đã có nhiều ghi nhận, đã được độc giả chú ý… nhưng họ cũng không nên tự mãn nhấm nháp những gì đã đạt được. Trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV của Hội Nhà văn Việt Nam chưa hề thấy xuất hiện tác giả trẻ 8x nào đoạt giải, 9X thì chưa có phần tham dự.
Tất cả gọi là sự nghiệp “viết văn” của những cây viết trẻ vẫn chỉ mới là bắt đầu trên con đường dài, nếu lấy đây là “nghề” một cách nghiêm túc. Hy vọng sau HNVVT lần 9/2016 sẽ có thêm nhiều đồi mới từ các cây viết trẻ và cách nhìn nhận về văn học trẻ Việt Nam, để “dòng” văn trẻ này hòa vào dòng chảy chung văn chương Việt như một dấu ấn tạo nên diện mạo văn học Việt Nam đương đại./.