Đã từng nghe và biết anh là luật sư của người nghèo, của những số phận không được cuộc đời ưu ái, nhưng ít biết đến thơ anh vì cứ ngỡ con nhà luật mọi việc đều có khuôn phép, có nguyên tắc, có sự chỉn chu nghiêm cẩn, đâu có thể là “người thơ” với sự mềm mại, dạt dào cảm xúc, trong từ có họa, trong âm có nhạc ...
64 bài thơ là những cung bậc tình khác nhau. Là những xáo động không tên, dịu nhẹ mà nồng ấm, êm đềm mà tha thiết, bâng khuâng mà da diết diệu vợi, có “mộng” đó nhưng cũng rất tỉnh, rất đời, như xa xôi khó nắm bắt nhưng như mật lắng đọng trong tâm khi người có tình…
Tập thơ “Vầng trăng xanh cõi mộng” của Luật sư Bùi Trọng Hiển |
Đời như một cảm thức nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về cõi nhân gian với những tham- sân- si, sự buông- xả, một cách nghĩ, cách sống... Trăm năm giấc mộng kê vàng/ Mới vừa chợp mắt đã tàn… trăm năm”- “Giấc mộng kê vàng”. “Sống trong cõi mộng ta đừng mộng/ Xin hãy vô thường với Sắc- Không”- “Sắc – Không”, “Thực hay mộng cũng chỉ là mộng ảo/ Bởi cuộc đời như một giấc chiêm bao”- “Mộng”
Đời trong “Vầng trăng xanh cõi mộng” của “chàng thơ” Luật sư thấm đẫm nhân tình thế thái, như truyền đến người đọc cảm giác đau nỗi đau đời, nhoi nhói thổn thức với cuộc đời nhiều bất trắc, bất ổn, những thói đời đảo lộn luân thường, mọi cái đều có thể bán mua, những giá trị cơ bản truyền thống cũng thành món hàng tạp nham ở chợ đời nhân gian.. Những nỗi đau đời như chưa bao giờ ngừng ở hồng trần như : “Kiều”, “Chinh phụ ca”, “Cung oán ca”, “Kinh Kha”…
Tình trong “Vầng trăng xanh cõi mộng” có khi nghiêm cẩn nhưng lại rất sâu lắng thủy chung: “Tình yêu và Pháp luật”; Có khi là “Bão lòng”: “Mà bao sóng ngầm dưới đáy trong”; Có khi “Tương tư” hoài niệm “Buổi hẹn hò đầu tiên” làm xáo động từng nhịp thở. Đôi khi là mộng “Vườn xưa” về bóng hình trong ký ức, hay bàng bạc lãng đãng một tình yêu mà đời người ai cũng từng trải qua, để mỗi lần nhớ là một lần như sống lại cảm xúc xưa, và như một vương vấn thoảng qua như chưa bao giờ là quá khứ: “Trương Chi tình hận ca”, “Liêu trai”, “Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt”, “Ánh mắt xưa”… Tình cũng yêu cũng ghen cũng hờn giận như nhân gian cõi hồng trần: “Ghen”, “Thất tình”, “Tình nhạt phai”…
Đặc biệt có một không gian tình mẹ rất nhiều yêu thương ngọt ngào, lòng biết ơn vô bờ mà tác giả dành cho mẹ của mình và tất cả các bà mẹ của mọi người: “Mẹ tôi”. “Mẹ ơi xuân này con đã về”, “Chiều thu nhớ mẹ”….
Cảnh trong “Vầng trăng xanh cõi mộng” như một cái nhìn rất thực mà cũng rất trừu tượng, giống một bức vẽ lập thể, đa chiều, để không chỉ tưởng tượng ra không gian bí ẩn quyến rũ mà còn như chất chứa cả những vần vũ đồi thay, có sự xôn xao khác lạ, có ảo diệu góc cạnh, hình khối, nhưng lại rất ngọt ngào ấn tượng để cảm xúc như luôn được bay bổng thăng hoa cùng sắc màu thời gian và vạn vật xung quanh.
Một tứ bình “Cầm”- “Kỳ”- “Thi”- “Họa” như ảo như thật, “Sen”, “Quỳnh”, “Lan hồ điệp”, “Phượng” những loài hoa thần tiên phiêu dật, và những miền thức cùng “Thu biệt”, “Lập đông”, “Thanh sắc mùa xuân”, “Mưa”, “Trăng viễn xứ”…làm lỗi nhịp trái tim.
Không hoa mỹ hay cầu kỳ trong sử dụng ngôn ngữ, nhưng đặc biệt trong tập thơ này tác giả sử dụng nhiều từ ngữ giàu nhạc điệu rất Việt Nam, làm cho bài thơ ngoài vẻ đẹp như tranh thì còn mang vẻ đẹp của giai điệu lên bổng xuống trầm, hay khoan thai dịu nhẹ…. Rất nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và được công chúng yêu thích: “Chiều thu nhớ mẹ”, “Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt”, “Thanh sắc mùa xuân”, “Thu biệt”, “Bài ca sinh viên trường Luật”, “Mẹ ơi, xuân này con đã về”, “Xuân về bên mẹ”, “Giáng sinh hồng”, “Hẹn hò”, “Liêu trai”…
Và cũng không bó buộc vào các thể luật thơ truyền thống, hơi có chút phóng túng, chút sắp đặt ngẫu hứng theo cảm xúc của mình như một kiểu làm thơ tự do, ngôn ngữ khá tinh tế, súc tích, giàu hình ảnh, ý tại ngôn ngoại, giàu nhạc điệu, “Vầng trăng xanh cõi mộng” của Bùi Trọng Hiển đã thật sự chinh phục người yêu thơ./.