Ngày 29/8, tại Hà Nội, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học “Thị trường văn học và văn học thị trường: Lý luận và thực tiễn”. Và cho dù các nhà chuyên môn còn có nhiều quan điểm trái chiều thì không thể phủ nhận có một dòng văn học gọi là “Văn học thị trường”.
Thông qua gần 50 tham luận của các nhà nghiên cứu lý luận, lịch sử và phê bình văn học thuộc Viện Văn học, Đại học Paris (Pháp), Viện Văn học nghệ thuật quốc gia Việt Nam…, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề lý luận và lịch sử chung về văn học thị trường, thị trường văn học, luận giải về tính đặc thù của sự hình thành, phát triển thị trường văn học ở Việt Nam.
Vài năm gần đây, cụm từ “văn học thị trường” xuất hiện khá thường xuyên trên các phương tiện truyền thông để chỉ những sáng tác văn học nặng tính giải trí, được số đông độc giả ưa chuộng nhưng ít có giá trị nghệ thuật. Đa phần các ý kiến đều thể hiện nỗi e dè, lo ngại trước sự xâm lấn của bộ phận văn học này trong không gian văn hóa đọc hiện nay. Thậm chí không ít người cho rằng đây là biểu hiện của sự xuống cấp văn hóa đọc.
Thế nào là “văn học thị trường”? Cần có thái độ, đánh giá và tác động như thế nào đến bộ phận văn học này?
5 năm trở lại đây, khi nó trở thành một trào lưu, một cơn sốt, với những cuốn sách "best-seller" đình đám thì nó bắt đầu gây chú ý với cả giới học thuật về lý luận phê bình văn học. Mặc dù nó chính là “văn học đại chúng”, “văn học giải trí” được mô tả trong các nghiên cứu văn học trên thế giới, với những đặc điểm chung phổ biến trong mọi nền văn học đương đại, nhưng dòng “văn học thị trường” hiện nay ở Việt Nam nói chung vẫn có những nét riêng.
“Văn học thị trường”, người viết trẻ và người đọc cũng trẻ, kỹ thuật viết đơn giản, dễ đoán trước được, không thoát khỏi những trải nghiệm đơn giản của người sáng tác. Ngoài những tác phẩm ít ỏi là truyện ngắn, tiểu thuyết, có chất “ngôn tình”, những best-seller đều là tản văn.
Có thể liệt kê hàng loạt tác giả được xếp vào văn học thị trường như: Trần Thu Trang, Dương Thụy, Anh Khang, Gào (Vũ Phương Thanh), Keng (Đỗ Thị Thùy Linh), Hamlet Trương, Iris Cao, Nguyễn Ngọc Thạch, Phan Ý Yên, Ploy Ngọc Bích, Kawi Hồng Phương, Bom, Sơn Paris…
Nhiều người trong số họ sở hữu những cuốn sách được tái bản với tốc độ chóng mặt, điển hình nhất là cây viết Anh Khang là một “hiện tượng xuất bản” những năm gần đây, tác phẩm nào ra mắt cũng in từ 15- 20.000 bản, tổng số bản in lên đến hơn 250.000 bản.
Dương Thụy là một “hiện tượng xuất bản” khác, không tác phẩm nào không tái bản, có cuốn tái bản tới 11 lần như “Oxford thương yêu” tái bản 11 lần. Một số tác giả khác cũng có sách tái bản rất nhiều lần, như Gào với “Tự sát” (tái bản 5 lần), “Nhật kí son môi” (tái bản 2 lần);
Keng với “Dị bản” (tái bản 4 lần); Phan Ý Yên với “Người lớn cô đơn” (tái bản 2 lần); Hamlet Trương với “Tay tìm tay níu tay” (tái bản 3 lần), “Ai rồi cũng khác” in đầu tiên đã ra mắt 20.000 bản.
“Văn học thị trường” hút giới trẻ bời nó còn thuộc về giới showbiz, thỏa mãn sự tò mò về người nổi tiếng và về những chân trời mới mẻ, những đất nước xa lạ. Như tự truyện hoặc truyện hư cấu mang màu sắc tự truyện của người nổi tiếng như “Là tôi, Hà Anh” của người mẫu Hà Anh, “Đời call-boy” của Nguyễn Ngọc Thạch, “Vết sẹo cuộc đời” của diễn viên Ngô Thanh Vân, “Cocktail, giày và khói” của diễn viên Đinh Ngọc Diệp…
“Văn học thị trường” gây bão là nhờ sự phát triển của mạng internet và công nghệ truyền thông. Dòng văn học này gắn liền với văn học mạng, là một kênh phát hành, thậm chí là kênh phát hành đầu tiên của văn học thị trường. Bên cạnh đó, công tác PR xung quanh những tác phẩm “văn học thị trường” rất chuyên nghiệp.
Hình thức tác phẩm đẹp, nhiều ấn bản bìa cứng, mềm cho một đầu sách, tặng kèm CD sách nói, tranh… Các tác giả trẻ chịu khó giao lưu với độc giả và qua các kênh như facebook, blog cá nhân… Họ nhanh chóng trở thành hotboy, hotgirl trong làng văn học, độc giả trẻ đổ xô đi mua tác phẩm là vì hâm mộ người viết chứ chưa hẳn đã thích đọc những gì có trong tác phẩm.
Tồn tại hay không tồn tại?
Thông qua gần 50 tham luận trong Hội thảo “Thị trường văn học và văn học thị trường: Lý luận và thực tiễn”, của các nhà nghiên cứu lý luận, lịch sử và phê bình văn học thuộc Viện Văn học, Đại học Paris (Pháp), Viện Văn học nghệ thuật quốc gia VIệt Nam…, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề lý luận và lịch sử chung về “văn học thị trường”, thị trường văn học, luận giải về tính đặc thù của sự hình thành, phát triển thị trường văn học ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, thái độ với “văn học thị trường” có bênh vực, có bình thản chấp nhận, nhiều hơn là sự lo lắng, hoang mang, cho rằng văn hóa đọc đang xuống cấp, thị hiếu văn học thiếu lành mạnh, bị tiền bạc thao túng.
Theo PGS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học: “Văn học thị trường ra đời là tất yếu, khi văn chương tồn tại trong điều kiện kinh tế thị trường. Văn học thị trường có khi được hiểu là văn học đại chúng, văn học bình dân, có khi được hiểu là văn học mua vui, giải trí… Dù được gọi với tên gì thì tác phẩm viết cho nhu cầu số đông, chịu chi phối của thị trường này cũng tồn tại như một tất yếu”.
Nhà nghiên cứu trẻ Quách Thu Huyền đã nêu quan điểm: “Chúng ta không thể thờ ơ với văn học thị trường. Khi tham gia kinh tế, văn học cũng phải theo quy luật cung cầu… Không nên đánh giá thấp văn học thị trường…, khi nhà văn viết tác phẩm thì nhu cầu lớn nhất là đối thoại với độc giả, muốn bán sách. Được công chúng đón nhận thì thành công, không đón nhận thì thất bại…
Tại sao phải can thiệp vào thị trường, nếu là tác phẩm có giá trị thì hôm nay người ta cần, mai người ta quên. Theo tôi đó là nhu cầu của độc giả, không phải là chuyện của các nhà quản lý”.
PGS-TS Võ Văn Nhơn, Trường ĐH KHXHNV TP HCM: “Có rất nhiều người lo ngại về dòng “văn học thị trường” với mỗi cuốn bán vài chục vạn bản… Nội dung của các tác phẩm dòng này sáo mòn, đơn giản, đề tài tình yêu, xa rời thực tế, đó là kết quả của việc nhập khẩu văn học ngôn tình ồ ạt vào Việt Nam".
Nhà phê bình Nguyễn Hòa cho rằng: “Ngày nay rất nhiều cuốn sách ra thị trường được một “dàn đồng ca” tung hô trên báo chí. Công nghệ PR, sự dễ dãi của một số nhà phê bình đã ca ngợi một số cuốn sách, trong khi cuốn sách đó không mang nhiều giá trị.”
Cần phải nhận thức rằng có những vận động văn học là khách quan, là hệ quả của những thay đổi xã hội mà dù muốn hay không nhà phê bình hay nhà quản lí cũng không có cách nào can thiệp. Ta không thể xử lý các vấn đề về văn học thị trường bằng cách đề xuất cơ quan quản lý phải làm thế này, thế khác, bởi văn học thị trường có quy luật của thị trường.
Và tự nó sẽ có quy luật đào thải nếu không có thực giá trị./.