Hôm nay (11/2), tạp chí Forbes đã đăng tải những chia sẻ của Nguyễn Hà Đông về lý do “khai tử” game Flappy Bird. Đây cũng là cuộc phỏng vấn độc quyền đầu tiên của Hà Đông với tạp chí danh tiếng này, kể từ khi anh quyết định gỡ bỏ game trên các ứng dụng App Store và Google Play.

Buổi phỏng vấn diễn ra tại một khách sạn ở Hà Nội và kéo dài 45 phút. Trước đó, buổi phỏng vấn bị trì hoãn vài giờ. Theo tiết lộ của Hà Đông là bởi anh có cuộc hẹn gặp bất ngờ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Đề cập về lý do gỡ bỏ trò chơi, Hà Đông cho biết: “Flappy Bird ban đầu được thiết kế chỉ với mục đích giải trí trong vài phút ngắn ngủi. Nhưng vấn đề là nó đã trở thành một sản phẩm gây nghiện. Tôi nghĩ rằng cách giải quyết tốt nhất là xóa bỏ vĩnh viễn trò chơi”.

flappy%20bird.jpg
Sự đơn giản nhưng khó chinh phục của Flappy Bird là một những yếu tố "gây nghiện" cho người chơi

Tuần trước, một tờ báo nước ngoài đã đưa tin Flappy Bird giúp Hà Đông thu được 50.000 USD từ doanh thu quảng cáo game. Tuy nhiên, trả lời trước Forbes, Hà Đông đã lên tiếng phủ nhận thông tin này. Anh khẳng định: “Tôi biết là doanh thu đạt được rất cao nhưng tôi không hề biết con số chính xác là bao nhiêu”.

Giữa những luồng tranh cãi của dư luận những ngày qua, Hà Đông còn bày tỏ: “Cuộc sống của tôi đã bị đảo lộn, không được như trước. Tôi bị mất ngủ thường xuyên”. Anh thừa nhận ban đầu, anh đã cân nhắc rất nhiều về việc gỡ bỏ trò chơi này. Tuy nhiên, hiện tại, cuộc sống của anh đã dần trở lại bình thường.

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau khi trò chơi bị gỡ bỏ, và tôi đã quay trở về được với giấc ngủ thường ngày. Đến giờ tôi nhận ra tôi đã có quyết định đúng đắn”, Hà Đông cho biết. Nhưng Hà Đông tiết lộ sau Flappy Bird, anh có dự định tiếp tục phát triển thêm trò chơi mới: “Sau thành công của Flappy Bird, tôi thấy tự tin hơn về khả năng của mình. Tôi có quyền tự do làm những gì tôi muốn”.

Những "cơn bão" dư luận về Flappy Bird sẽ không khiến Hà Đông ngừng phát triển một game mới (ảnh minh họa: Thanh Niên)

Anh cũng nói rằng cha mẹ anh hoàn toàn không biết về Flappy Bird và vai trò của anh trong việc sáng lập ra trò chơi. Mọi thứ đều được “vỡ lẽ” cho tới khi truyền thông liên tục đưa tin.

Sau “cơn sốt” Flappy Bird trên thế giới, đã bắt đầu xuất hiện hàng loạt các ứng dụng game nhái “ăn theo” với tên gọi và cách chơi tương tự như: Flappy Plane, Flappy Whale, Flappy Penguin, Flappy Angry Bird. Hà Đông khẳng định anh sẽ không có hành động kiện tụng nào liên quan đến vấn đề bản quyền đối với các ứng dụng game này./.