Lễ tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của người Khmer là một trong ba lễ hội lớn sau lễ Sen Đolta, Oc Om Boc. Chol Chnam Thmay có ý nghĩa là vào năm mới. Vì vậy, những ngày trước lễ hội và trong lễ hội, nếu chúng ta có dịp đi đến những khu vực có đông bà con Khmer sinh sống, sẽ dễ dàng bắt gặp không khí náo nhiệt của lễ hội với những nét văn hóa độc đáo riêng của đồng bào Khmer. Để hiểu hơn về nét văn hóa, ý nghĩa cũng như các nghi thức, tập tục của lễ hội này, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Châu Ôn, Viện Phật học Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ.
PV: Chỉ còn ít ngày nữa là sẽ đến tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của bà con Khmer Nam bộ, xin ông cho biết là lễ hội này mang ý nghĩa như thế nào và vì sao bà con Khmer lại chọn thời điểm này để tổ chức lễ hội?
Ông Châu Ôn: Chol Chhnam Thmay theo truyền thống mỗi năm, người dân đồng bào Khmer ở Nam bộ thường tổ chức trong tháng Chét hoặc Pisak, tức là tháng 3 hoặc tháng 4 Âm lịch. Người ta chọn 2 tháng này vì từ trước đến nay, đây là khoảng thời gian rảnh rỗi, sau khi thu hoạch lúa, hoa màu xong. Trước đây, người ta chỉ làm hoa màu trong mùa mưa, tức là mùa hạ, còn mùa nắng thì ít làm nên là mùa rảnh rỗi, cho nên mới chọn lấy hai tháng này.
PV: Chol Chhnam Thmay có nghĩa là vào năm mới, vậy bà con Khmer sẽ đón giao thừa như thế nào, có giống các dân tộc khác hay không?
Ông Châu Ôn: Đón giao thừa của người Khmer khác hơn đón giao thừa của người Việt hay là người Hoa. Đón giao thừa của người Khmer được tính theo mặt trời đi. Tức là theo giờ phút đã định sẳn mà người Hora Cha (người thiên văn) bói toán cách tính theo hướng của mặt trời đi theo đường thẳng, ngay một giờ nào đó. Giờ chấm dứt mùa này sang mùa mới, như là mùa hạn sang mùa hạ thì cái đó ngay mặt trời đi thẳng, tức là ngay ngày đó, khoảng 13 hoặc 14, nhưng có giờ giấc đoàng hoàng. Thí dụ như năm nay, vào năm mới bắt đầu từ 14h2’, vậy thì người ta lấy lúc 14h2’ đó, ngày đó là ngày người ta mới ở tại chùa tổ chức đánh cồng, đánh trống, xong rồi mới mời, đưa rước đức phật, tượng phật và Moha Songkran xung quanh chánh điện vào giờ đó.
PV: Thông thường thì lễ hội sẽ diễn ra trong trung tuần tháng 4, như vậy các hoạt động và nghi thức diễn ra trong lễ hội gồm những gì, diễn ra như thế nào và ở đâu?
Ông Châu Ôn: Trong lễ Chol Chhnam Thmay theo truyền thống, người ta có thể chọn ngày 13 hoặc ngày 14 Dương lịch, tức là tháng 4. Dịp lễ này thì người ta tổ chức 3 ngày hoặc là 4 ngày, tức là ngày 13 hoặc ngày 14 là ngày Chol Sangkran Thmay, ngày vào lễ năm mới. Chol Sangkran Thmay được người ta tổ chức lễ đưa đầu ông Kabil Moha Prum và cũng đưa tượng phật đi xung quanh chánh điện, trong buổi sáng sớm ngày đó hoặc là buổi chiều, theo đúng giờ giấc mà người thiên văn Khmer đã chọn lấy.
Nghi thức đưa hình ảnh phật hoặc là đầu của ông Moha Prum, nếu không có thì có thể lấy Moha Sangkran, tức là lịch người ta để đó, rồi đưa đi xung quanh chánh điện 3 vòng, xong vào trong chánh điện rồi mới làm lễ phật, thọ giới rồi tụng kinh. Còn ngày thứ 2, gọi là ngày Vonbof, ngày này người ta làm nghi thức đắp núi cát. Tức là các con cháu, trẻ nhỏ, người lớn đều đi lấy đất cát ở một nơi nào đó đem lại đắp thành núi cát xung quanh chánh điện. Tám hướng xung quanh chánh điện có tám núi cát, và một núi cát thì trên ngôi chánh điện, tức là có 9 núi cát. Đắp xong, người ta làm nghi thức lễ tu trên núi cát. Coi như gồm có vải trắng, đèn cày, nhang, rồi mời sư thọ giới, xong rồi mời sư tụng kinh rồi mới là nghi thức tu núi cát. Ngày thứ 3 là ngày Lơn Săc, người ta làm nghi thức, buổi sáng khi dâng cơm cho sư xong, người ta sẽ đưa tượng phật ra ngoài, khoảng 5 tượng – 10 tượng gì đó để làm lễ tấm phật, người nào cũng tham gia, riêng nước tấm phật thì người ta đem lại từ nhà là nước thơm, dư thì có người sẽ lấy về nhà. Xong rồi thì mới tắm cho sư sãi, phần lớn là thượng tọa, trụ trì chùa, sư lớn tuổi. Người ta thịnh ngồi trên ghế đoàng hoàng rồi mới bắt đầu tắm để xin tha thư những tội lỗi, rồi cầu được phúc, trường thọ.
Ngoài ra, cũng ngày đó, người ta làm lễ tắm cho người già cả hoặc là cha mẹ để đền ơn đáp nghĩa cho cha mẹ. Xong xuôi đến lễ Cầu siêu làm họa phúc cho cha mẹ hoặc là ông bà đã quá giảng.
PV: Vâng! Xin cảm ơn ông./.