PV: Mỗi ngày cả nước diễn ra khoảng hơn hai chục lễ hội, cả năm hơn 7.000 lễ hội. Anh thấy con số đó nhiều hay ít?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh:Tôi không quan tâm nhiều hay ít mà chỉ quan tâm chất lượng nhân văn và thẩm mỹ của nó. Đây là hoạt động văn hóa, vui chơi tự nguyện của nhân dân vào lúc mà ta gọi là “nông nhàn” ở hàng vạn làng xã. Nếu đạt hai yếu tố trên, thì 7 nghìn lễ hội cũng có thể nói là còn ít, mà không được như thế, thì chỉ có 7 cái lễ hội thôi, cũng là quá nhiều.

8b_wbph.jpg.jpg
Quang cảnh ở lễ hội chém lợn (Ném Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh)

PV: Vậy bỏ qua số lượng, ta hãy bàn về chất lượng?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Thì lễ hội của ta quá nhiều. 20 năm nay, thực hiện nghị quyết về “xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, ta đã khôi phục nhiều di tích, nhiều giá trị văn hóa và đạo lí, nhưng mặt tiêu cực có thể nói cũng rất ghê gớm.

Ở đâu cũng xây đình chùa, nhà nhà đốt vàng mã cầu tài, cơ quan đoàn thể cúng khấn cầu may. Đâu cũng gặp thầy bói, nhiều như anh hùng thời chiến tranh. Các trò mê tín, thậm chí xuyên tạc lịch sử, bịa ra thần thánh để kiếm tiền (vì chả buôn gì có lãi hơn buôn thần bán thánh), những trò man rợ... được coi là văn hóa.

Tôi nghĩ đã đến lúc, cùng với “đậm đà bản sắc dân tộc”, ta phải nghĩ đến nội dung phù hợp hơn- “trí tuệ, nhân văn và dân chủ” để hội nhập với thế giới. Trong cuộc gặp hơn trăm trí thức, nhà khoa học và văn nghệ sĩ dịp Tết Giáp Ngọ vừa rồi mà tôi được mời tham dự, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Cần tăng cường dân chủ trong đời sống xã hội.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh

PV: Anh có thể nói rõ hơn chuyện bịa tạc trong các di tích và lễ hội để câu khách?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Chỉ xin nêu vài ví dụ mắt thấy tai nghe. Trùng tu đền Trần Quốc Nghiễn ở Hồng Gai 2009, bia đá ghi “Hồng Gai được vua Trần phong cho Trần Quốc Nghiễn ở thời Trần”, “Trần Quốc Nghiễn đã mất ở đây”. Hoàn toàn không đúng.

Hiện trước cửa đền vẫn có lá cờ đại với 4 chữ lớn ĐÔNG HẢI ĐẠI VƯƠNG, tức là thờ Cá Voi từ thời Nguyễn. Năm 1913, có 10 hộ chủ thuyền Bắc Ninh dựng lại đền “trong một ngày”, thờ “Trần triều Hưng Vũ Đông Hải đại vương” là thờ lẫn Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn với Cá Voi, được coi là Thần Biển. Lớn hơn nữa là đền thờ Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông, Cẩm Phả.

Theo bia đá lập năm 1853 và sách địa lí Đại Nam nhất thống chí (1910), đây là miếu thờ duy nhất một người địa phương là Hoàng Cần, có công đánh dẹp giặc cỏ, gọi là “Miếu Cửa Suốt”, chữ Cửa Suốt là gọi chệch chữ “Cửa Suất ” – Suất ti tuần, trạm hải quan ở thời Nguyễn, để thu thuế xuất khẩu than sang Pháp.

Chưa có chữ “Cửa Ông” với nghĩa là cửa khẩu có cá Ông Voi chết, theo cách đặt tên của triều Nguyễn. Khoảng năm 1910 – 1916 mới đưa Trần Quốc Tảng vào thờ. Vậy mà màn diễn xướng trong lễ hội nói ông sống ở đây, chết ở đây và đền này thờ ông từ thời Trần.

Phải nói ngay rằng việc thờ Trần Quốc Tảng ở Cửa Ông là rất hợp ý trời lòng người, nhưng hà cớ gì cứ phải bịa ra cái mà cả đời Trần Quốc Tảng không có, lại hy vọng sự bịa tạc đó giáo dục được sự trung thực cho thế hệ sau, chả phải hài hước lắm lắm ru?

Ông Nguyễn Chí Thăng, Nguyễn Trọng Minh cùng các cộng sự, trong đó có nhà sử học Lê Văn Lan làm phim Danh tướng Trần Quốc Tảng. Không có căn cứ lịch sử nào để xác định Trần Quốc Tảng bị lưu đày ở đây, ức quá rồi chết ở đây, có lăng mộ ở đây. Cũng không có việc ông đóng quân ở đây rồi đánh ngược nước ở ngoài hàng cọc vào trận Bạch Đằng, rồi được phong đất ở đây như ông Lan khẳng định trong phim.

Trước đây, trong phim Phật hoàng Trần Nhân Tông chiếu trong Lễ hội Yên Tử, ông Lan đứng trên chùa Hoa Yên, Uông Bí, chỉ tay xuống Tháp Tổ nói như đinh đóng cột: “Trần Nhân Tông mất ở đây”.

Thực ra Trần Nhân Tông mất ở am Ngọa Vân, Đông Triều, cách sau lưng ông 40 km về phía tây. Và điều đó đã ghi trong Đại Việt sử kí toàn thư từ năm 1497, nhưng nhà sử học chắc chả thèm... đọc. Cũng không có việc Trần Quốc Tảng đánh Trình Bằng Phi ở Đông Triều (người đánh trận đó là Trần Tung).

Sự bịa tạc kì quái nhất của phim này là khẳng định, nơi ông đóng quân là xã Trắc Châu, huyện Thanh Lâm (Hải Dương ) nay thuộc TP Cẩm Phả. Liều đến thế là trên không còn biết sợ trời, dưới không còn biết sợ đất, hai vai không còn biết sợ quỷ thần. Mà làm thế để làm cái gì cơ chứ? Không có cái đó, Trần Quốc Tảng vẫn cứ rất lớn lao. Tôi chỉ thấy xót xa, vô cùng xót xa.

PV: Gần đây nhiều người bày tỏ bức xúc trước một số lễ hội như chém lợn, đâm trâu... Lễ hội ở Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh), người làng chọn con lợn tốt, cho hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt cả năm, đến Tết thì đem chém đứt đôi thân để cúng tế trước sự chứng kiến đông đảo của người làng và du khách. Năm nay bị kêu quá, tục chém sả chuyển thành cứa cổ. Khi máu trào ra người ta lấy tiền quệt vào máu này đặt lên bàn thờ…

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Bên cạnh việc xuyên tạc lịch sử của chính người viết sử, đây là “một trò man rợ” trong lễ hội mà tôi đã nói ở trên. Tôi đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vào cuộc, cho dẹp bỏ ngay “trò man rợ” này vì nó không những phản cảm mà còn phản văn hóa, phản nhân văn- mà văn hóa, nhân văn vốn là cốt lõi của truyền thống lễ hội.

Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên cũng thế, phải dẹp bỏ ngay. Con trâu là đầu cơ nghiệp, hiền lành, cần mẫn làm những việc rất nặng nhọc để nuôi người, suốt đời nhai rơm gặm cỏ. Nó là bạn hiền của người Việt với nền văn minh lúa nước 4.000 năm nay. Tôi rất kinh hãi trò chơi rùng rợn này. Nó giáo dục cái ác, biến việc giết chóc vô nhân đạo thành nghi lễ, dù đó không phải là ý muốn của người tổ chức lễ hội. Riêng hội chọi trâu ở Hải Phòng thì tôi còn băn khoăn, có nên bỏ hay không? Nhưng tôi nghĩ, bỏ được vẫn tốt hơn. Bởi sau đó, kể cả con thắng trận cuối cùng cũng bị giết chết ngay. Khi làm việc này, tôi thấy con người có gì như là hèn hạ trước con vật. Ta gieo cái ác thì sẽ gặt cái ác mà thôi.

PV: GS Ngô Đức Thịnh, tác giả nhiều công trình nghiên cứu văn hóa cho rằng “không ai có quyền phán xét lễ hội nào là rùng rợn hay không”. Theo ông, “không có bất cứ một lễ hội nào là lễ hội man rợ cả. Bởi lễ hội xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, lễ hội hiến tế với họ cũng mang ý nghĩa thiêng liêng, mục đích tế thần để cầu may, mùa màng bội thu. Chỉ có những người không hiểu gì về lễ hội hay ý nghĩa của nó mới cho rằng man rợ. Về pháp luật, những lễ hội đó không vi phạm gì thì hà cớ gì lại cấm? Còn xét mặt mỹ quan, ai cho rằng lễ hội đó phản cảm thì đừng xem nữa”. Anh có ý kiến gì?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Về mặt đơn thuần khoa học thì ý kiến của GS Thịnh có cơ sở. Nhưng đã là lễ hội thì đó còn là thuần phong mĩ tục cần sự quan tâm của cả dân tộc.

Nhu cầu cộng đồng ta xưa nay đều tuân thủ nhà cầm quyền. Vẫn là nhu cầu cộng đồng đó, hàng chục năm trước, chúng ta cấm hầu hết các lễ hội, cộng đồng cũng vui vẻ. Nay mở rộng ra gấp nhiều lần, cộng đồng cũng vui vẻ. Tôi đã chứng kiến những cảnh hò reo ầm ĩ của cộng đồng khi phá các di tích lịch sử văn hóa hàng năm bảy trăm năm để xây nhà kho. Rồi lại chứng kiến tiếng hò reo ầm ĩ của cộng đồng khi phá nhà kho để xây lại đình chùa. Cả phá và xây, đều là “thành tích to lớn” của chúng ta cả đấy chứ. Chỉ cần nhà quản lí gạn đục khơi trong, lấy những giá trị văn hóa và nhân văn làm cốt lõi mà thuyết phục cộng đồng sẽ ủng hộ ngay.

PV: Một nhà văn kể trên báo Văn Nghệ số Tết rằng ông đi Nhật, thấy dù họ ăn mặc và lối sống hiện đại đến đâu nhưng vào đền chùa luôn tỏ thái độ trang nghiêm, tin ở đấng thiêng liêng. Người mình ít tìm hiểu sâu vấn đề gì, đến lễ hội cũng như chỉ tập hợp những thú vui bình thường: ăn uống nhậu nhẹt, cầu tài cầu lộc, xin ấn làm quan. Đi đền chùa lẽ ra cử chỉ khoan thai, uống ăn nhẹ nhàng, vãng cảnh... Đi đền chùa, lễ hội nhưng nhiều người có dáng thượng đài và vẻ mặt của kẻ lên võ đài. Tiêu biểu là lễ hội cướp ấn Đền Trần bao năm nay, và án mạng chết người ngay trước cổng chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh mới đây. Về cơ bản đời sống tâm linh của người Việt có phần nghèo nàn và chẳng mấy lễ hội có tính triết lý?

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Tôi cũng không thực hiểu người Việt mình là như thế nào, vì tất cả tốt xấu, sang hèn, hiền ác luôn đan xen nhau. Ngay ở một người cũng rất phức tạp.

Tôi biết một ông có hàng chục tỷ gửi ngân hàng vẫn thích ăn cắp vặt. Có khi cái vô văn hóa nhất lại tìm thấy ở cơ quan văn hóa đáng tin cậy. Một ông cán bộ cao cấp đi qua đền Cửa Ông, hỏi: Kia là cái gì, hỉ? Dạ thưa, đền thờ Trần Quốc Tảng con trai thứ ba Trần Hưng Đạo ạ? Ừ, tôi biết rồi. Cái ông này bóp nát quả cam ở hội nghị Diên Hồng đây, hỉ? ...

Rồi nữa, chính các nhà viết sử lại thường viết sai về lịch sử. Có hàng trăm ví dụ từ rất nhỏ đến rất to. Cũng tương tự như thế, vi phạm pháp luật nhiều nhất thường lại xảy ra ở các cơ quan thi hành pháp luật. Cái đó là rất Việt Nam. Một nước “cánh cụp cánh xòe”. Ai đánh nhau với mình cũng thua, vì người ta không hiểu lúc nào mình xòe và lúc nào thì cụp. Chính mình cũng không biết khi nào thì cụp, lúc nào thì xòe...

PV: Xin cảm ơn Nhà thơ Trần Nhuận Minh
./.