Năm 2014 là một năm chứng kiến nhiều di tích xuống cấp được đầu tư nhiều tiền bạc và công sức để trùng tu. Nhưng, công việc trùng tu di sản chưa thực sự là tu bổ, sửa chữa để tiếp tục mang dấu ấn của quá khứ, chứa đựng được vẻ đẹp, sự độc đáo của các công trình kiến trúc, mà thay vào đó còn làm hư hại những tài sản tinh thần đầy tính nghệ thuật của cha ông.

Quái thú chắn lăng Ngô Quyền

Tháng 3/2014, việc tu bổ và tôn tạo di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền tại làng Cam Lâm, xã Đường Lâm sau 6 tháng triển khai đã vấp phải sự phản đối của dòng họ Ngô và nhân dân Đường Lâm. Một trong những điều gây tranh cãi nhất là việc xây mới một bức bình phong có tạo hình là một con thú dữ tợn, thiếu thẩm mỹ chắn ngay lối vào lăng mà theo GS Trần Lâm Biền, người tư vấn đặt bức bình phong, đây là sáng tác của thợ và nó chưa đạt được giá trị nghệ thuật.

lqt_mpdd.jpgBức bình phong có hình quái thú chắn lăng Ngô Quyền. Ảnh: Quang Trung

Sau nhiều ồn ào, quái thú trên bình phong bị đục bỏ phản cảm vào sáng ngày 7/3, và ngày 13/3, đơn vị thi công đã tự ý đập bỏ toàn bộ bình phong. Việc ứng xử với một di tích cấp quốc gia như thế này được xem là quá dễ dãi và cẩu thả.

Dân bức xúc vì trùng tu mà như phá đình cổ Quang Húc

Ngày 20/3 trên VOV.VN đăng bài “Đình cổ Quang Húc ở Ba Vì "kêu cứu" vì... được trùng tu. Theo đó, Đình Quang Húc (hay người dân địa phương còn gọi là đình Bôm) là một ngôi đình đẹp của xứ Đoài, đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia trong quá trình trùng tu khi đó, đã xảy ra hàng loạt sai phạm đáng tiếc, gây bức xúc.

Bức y môn của đình Quang Húc bị sơn công nghiệp đỏ chói

Không chỉ cẩu thả trong quá trình trùng tu, những cấu kiện, thành tố cũ của đình Quang Húc tuy vẫn còn sử dụng được, nhưng lại bị thay mới không đảm bảo đúng kích thước của bản gốc, lại còn vô cùng xấu xí. Đặc biệt, xà của khám thờ cũ với những hoa văn tinh tế bị vứt lỏng chỏng. Một xà mới đã thế chỗ của nó. Còn bức y môn bị sơn công nghiệp đỏ chói.

Những sai phạm xảy ra do quá trình thi công thiếu giám sát, nghiệm thu công đoạn; dân không được tham gia đóng góp ý kiến.

Huyện Ba Vì sau đó đã nhận trách nhiệm và khắc phục những tồn tại, thiếu sót.

Xâm hại bảo vật quốc gia Bia chùa Đọi

Bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý hiện đang được lưu giữ tại chùa Long Đọi Sơn huyện Duy Tiên, Hà Nam là một trong 37 bảo vật quốc gia đã được Thủ tướng chính phủ công nhận cuối năm ngoái. Lễ công bố quyết định bảo vật quốc gia với tấm bia này diễn ra vào sáng 18/4. Tuy nhiên, hành động “làm sạch” tấm bia cổ này để phục vụ cho lễ công bố được cho là phá hoại nghiêm trọng bảo vật quốc gia với một phương thức khá tàn bạo.

Mặt bia bị cào nhẵn không thương tiếc

Theo lời kể của người dân địa phương, một tốp thợ xây, dùng đá mài, giấy ráp, bàn chải sắt, phoi bào sắt... kì cọ mặt bia. Mục đích của họ đơn giản là chỉ định làm vệ sinh bia cho bà con chiêm ngưỡng trong dịp trọng đại này.

Trùng tu bằng cuốc xẻng tại đình Tiên Hường

Đình Tiên Canh (hay còn gọi là Tiên Hường), thuộc Cụm đình Tam Canh nổi tiếng ở Thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, đã được xếp hạng di tích cấp Quốc Gia, gần như tan hoang với các cấu kiện bị phá hỏng do việc trùng tu được tiến hành thô bạo hồi tháng 6/2014.

Đơn vị thi công thực hiện công việc hạ giải đình Tiên Canh bằng cuốc xẻng, biến ngôi đình cổ trở thành bãi chiến trường với ngổn ngang gạch ngói vỡ.

Trùng tu bằng cuốc xẻng tại đình Tiên Hường

Với tư cách là chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa đình Tiên Canh, Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc đã nghiêm túc nhận trách nhiệm, trong đó, thừa nhận quá trình thi công đã để xảy ra 3 sai phạm: Hạ giải ngói ồ ạt, bằng cuốc xẻng gây phản cảm; chưa xây dựng hoàn thiện nhà kho, lán trại bảo vệ, bảo quản các cấu kiện, thành phần kiến trúc đã tiến hành hạ giải; đơn vị thi công giám sát thường xuyên vắng mặt.

Trùng tu như phá chùa Sổ

Di tích nghệ thuật kiến trúc cấp quốc gia Chùa Sổ (thuộc thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng và hồi tháng 7 đã được tiến hành hạ giải để trùng tu. Tuy nhiên, ngay từ khâu hạ giải ngôi chùa cổ này đã xuất hiện nhiều sai phạm.

Chùa Sổ bị trùng tu như phá

Đơn vị thi công không làm nhà bao che theo đúng nguyên tắc trước khi hạ giải, những cấu kiện gốc của di tích bị ảnh hưởng bởi cung cách hạ giải của công nhân… Đặc biệt, trong khuôn viên chùa, một nhóm thợ tiến hành xây dựng một tòa nhà lục giác. Đây là hạng mục mới, không có trong thiết kế thi công.

Không thể coi tu bổ di tích là tu sửa nhà cửa

Trước thực trạng nhiều di tích bị trùng tu như phá, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho rằng đây không phải là hành động của những người tu bổ di tích, mà đây là hành động phá hoại di tích, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa.

Theo GS Trần Lâm Biền, những người thi công coi tu bổ như sửa nhà cửa chứ không phải tu bổ di sản văn hóa. Bản thân những người làm công tác tu bổ di tích không hiểu được giá trị tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình.

Việc nhận sai phạm hay việc sẽ xử lý nghiêm việc trùng tu như phá các di sản cũng giống như việc “được vạ thì má đã sưng”. Chính vì vậy, việc rất nhiều dự án trùng tu nhưng không giữ nguyên được hiện trạng di sản mà lại góp phần làm sai lệch và hư hại các công trình  tuyệt mỹ của cha ông như hiện nay thì cần phải có cách làm khác sâu sát hơn, triệt để hơn đối với các đơn vị thi công./.