, đình Tiên Canh (hay còn gọi là Tiên Hường), thuộc Cụm đình Tam Canh nổi tiếng ở Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, đã được xếp hạng di tích cấp Quốc Gia, nay gần như tan hoang với các cấu kiện bị phá hỏng do việc trùng tu được tiến hành thô bạo.

Đơn vị thi công thực hiện công việc hạ giải đình Tiên Canh bằng cuốc xẻng, biến ngôi đình cổ trở thành bãi chiến trường với ngổn ngang gạch ngói vỡ. Bộ mái ngói của ngôi đình gần như bị đập nát bằng cuốc xẻng, những cấu kiện gỗ không hề được đánh số như quy định, nhiều phần hư hỏng vứt dưới sàn nhà, nhiều con giống vào tình cảnh vỡ hỏng và bị vứt lăn lóc.

Phóng viên VOV.VN đã trao đổi với Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm) về vấn đề này.

img_2379_tzsq.jpg 

Tiến sĩ Trần Trọng Dương

PV:Thưa TS Trần Trọng Dương, trước tình trạng đình cổ Tiên Canh trở thành bãi chiến trường với ngổn ngang gạch ngói vỡ vì “được” trùng tu bằng cuốc, xẻng một cách thô bạo, đơn vị thi công đã sai phạm như thế nào khi tôn tạo di tích?

TS Trần Trọng Dương: Năm nào ở Việt Nam cũng có một vài di tích, di sản bị hủy hoại bởi chính những người làm văn hóa.

Với trường hợp của đình Tiên Canh, hiển nhiên là đơn vị thi công đã vi phạm luật di sản văn hóa một cách không thể chấp nhận được. Đơn vị thi công đình Tiên Canh đã vi phạm điều 34 luật Di sản văn hóa (2001) về “việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích”, vi phạm điều 14 Nghị định 98 của Chính phủ về hành vi vi phạm, hủy hoại di sản văn hóa. Nói cụ thể hơn, nếu nói phá hoại cả trăm cả nghìn viên ngói là phá hoại cả trăm cả nghìn cổ vật (nếu mỗi viên ngói có niên đại tối thiểu 100 năm). Ấy là chưa kể đến hàng loạt các mảng miếng điêu khắc cổ thế kỷ 18 đã bị xâm hại trong quá trình hạ giải (phá hoại).

 

Đình cổ ngổn ngang như chiến trường vì gạch ngói vỡ

PV:Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu dẫn đến tình trạng đơn vị thi công để xảy ra những sai phạm như vậy khi trùng tu đình Tiên Canh bằng cuốc, xẻng?

TS Trần Trọng Dương: Việc trùng du di tích bao giờ cũng phải thực hiện theo đúng quy trình của Nhà nước. Trước khi trùng tu, cơ quan văn hóa chủ quản phải làm văn bản báo cáo mức độ xuống cấp của di tích. Bao gồm xuống cấp ở mức độ nào, ở vị trí nào; cấu kiện nào mối mọt cần phải bảo quản; cấu kiện nào đã ruỗng mục cần thay mới hoàn toàn…

Nhưng theo như tôi điều tra, tham vấn nhiều nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa, thì việc trùng tu di tích ở Việt Nam hiện nay hầu như không lấy nhiệm vụ trùng tu, bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa lên hàng đầu, mà nó đã trở thành công cụ để kiếm tiền, thu lợi cho các cá nhân và nhóm quyền lợi.

Để được duyệt dự án thì cơ quan quản lý phải ăn dơ với các cơ quan cấp trên, bắt tay với các cơ quan đấu thầu… Tất cả đều nằm trong mạng lưới quan hệ cá nhân nhân danh Nhà nước. Tiền chạy dự án đương nhiên sẽ được tính gộp vào tổng số tiền dự trù để trùng tu, cho nên không thể nào trùng tu một cách tỉ mỉ rạch ròi theo đúng hiện trạng của di tích, theo đúng nguyên tắc khoa học và luật di sản được. Mà hồ sơ đấu thầu sẽ phải “khai khống” tình trạng xuống cấp của di tích. Việc dùng “cuốc, xẻng” để hạ giải  các cấu kiện, đơn nguyên khác trong di tích có thể coi là một hành động phá hoại để phù hợp với nhu cầu giải ngân của đơn vị trúng thầu.

 

TS Trần Trọng Dương: "Tôi coi các công nhân được thuê trong những vụ này chỉ là những nạn nhân"

PV:Những người công nhân thi công đình Tiên Canh phải chịu trách nhiệm gì khi hành động của họ ngang với việc phá hoại di tích, thưa ông?

TS Trần Trọng Dương: Tôi xin nói lại rằng, chúng ta không nên quy chụp trách nhiệm về cho công nhân. Đây là một chiêu bài, một thủ pháp “trốn tội, chạy tội” của những cá nhân/ những cơ quan có trách nhiệm trong việc trùng tu và quản lý di sản văn hóa. Đúng hơn, đây là cách để họ đổ hết trách nhiệm lên người lao động (cho dân), giống như vụ dùng bàn chải sắt và giấy ráp đánh nhẵn bia Long Đọi Sơn (Hà Nam) nhân ngày bia được công nhận là bảo vật quốc gia. 

Tôi coi các công nhân được thuê trong những vụ này chỉ là những nạn nhân. Người ta thuê như thế nào thì họ làm theo như vậy. Thế mà các “hung thủ” chủ mưu lại bắt ép các công nhân viết bản tường trình nhận lỗi. Tôi thử hỏi rằng bây giờ bất kỳ ai đó tự dưng trèo lên mái chùa thì sẽ bị bắt ngay lập tức chứ chưa nói gì đến việc dùng xẻng đập ngói tan nát như thế. Tôi nhiều lần đi nghiên cứu ở di tích, có giấy giới thiệu, có xin phép thầy trụ trì đàng hoàng mà có khi còn bị công an xã, hội cựu chiến binh vào tra hỏi, mắng mỏ rát mặt nữa là. 

Ở đây cần xác định là những người tham gia tu bổ là những ai? Họ gồm: (1) cơ quan trúng gói thầu trùng tu (có thể của nhà nước hoặc của tư nhân, nhưng cả hai đều phải có dấu đỏ, có tư cách pháp nhân để giải ngân), (2) cơ quan quản lý văn hóa của địa phương đó (chịu trách nhiệm là phó chủ tịch xã chuyên trách mảng văn xã), (3) các cơ quan quản lý văn hóa cấp trên (chủ tịch tỉnh, giám đốc sở văn hóa tỉnh). Tôi nghĩ, nên tập trung xác định rõ danh tính của các cá nhân và các cơ quan này; rồi sau đó mới có thể xác định họ có kiến thức như thế nào!

PV:Xin cảm ơn ông!./.