Làng giải trí Việt tuần qua lại rộ lên với sự cố hở ngực của ca sĩ Ngân Khánh trong chương trình truyền hình trực tiếp kênh VTV3, Đài THVN, tối 9/11. Với sự cố này, ca sĩ đã bị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM phạt tiền 3,5 triệu đồng và cảnh báo "đây là mức xử phạt ở khung đầu tiên", nếu nữ ca sĩ còn tiếp tục những sai phạm tương tự trên sân khấu, mức phạt sẽ được đẩy lên khung cao hơn.

ngan%20khanh.jpg
Ca sĩ Ngân Khánh bị phạt 3,5 triệu đồng vì sự cố  hở ngực (ảnh: Phạm Thế Danh)

Với phương châm hở là phạt, lộ là phạt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM từng phạt ca sĩ Thu Minh vì ăn mặc hở hang và phạt Hoàng Yến mặc váy hở hang trình diễn đêm Đam mê và hội tụ năm 2012.

Đây là những động thái mạnh tay của ngành văn hóa nhằm chấn chỉnh trào lưu phát triển tự do của showbiz Việt với xu thế cứ hot bằng mọi cách để trở nên nổi tiếng.

Chỉ trước đó 1 tuần, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) vừa có văn bản cảnh cáo ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vì liên tiếp có những hành vi lệch chuẩn mà gần nhất là vụ vào vai “bác sĩ Cát Tường” trong đêm Halloween gây bức xúc trong dư luận.

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận nhưng những biện pháp mạnh tay này, nhất là việc cấm diễn đối với Lê Thị Huyền Anh (còn gọi là bà Tưng) và Angela Phương Trinh (hay bà mẹ nhí) trên toàn quốc vì có những hành vi trái với thuần phong mỹ tục, trình diễn trái với qui định của pháp luật đã phần nào thiết lập lại trật tự trong giới showbiz Việt vốn nhiều tai tiếng.

Hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng "vào vai" bác sĩ Cát Tường đã gây bức xúc trong dư luận (ảnh: KT)

Thật vậy, sau khi cấm diễn, bà Tưng đã hết…tưng tưng. Bà mẹ nhí thì hết…nhí nhố. Ngay cả với "ông hoàng" tự phong Đàm Vĩnh Hưng cũng bỗng chốc hết…huy hoàng trước nguy cơ bị cấm diễn và buộc phải thừa nhận là những hành vi của mình là không nên, không phải.

Cán bộ văn hóa đã thực sự minh bạch?

Hiệu quả đến không ngờ của những lệnh cấm khiến dư luận đặt ra câu hỏi rằng bấy lâu nay vai trò của các nhà quản lý ở đâu mà để sự thể ra đến nông nỗi này rồi mới bắt đầu giơ roi? Cả một thời gian dài buông lỏng quản lý dẫn đến sự lộn xộn của giới văn hóa giải trí kéo theo một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ lầm tưởng vào những giá trị ảo rồi mê muội với những thần tượng tài năng thì ít, chiêu trò thì nhiều của mình.

Muộn còn hơn không, đây là động thái dọn đường cho một “kỳ vọng” mới của các nhà quản lý: Đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sỹ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, các nghệ sĩ tự do sẽ phải trải qua một khóa tập huấn các quy định của Pháp luật về biểu diễn nghệ thuật.

Mặc dù đối tượng của Đề án này là các nghệ sỹ, người mẫu nhưng dư luận lại rất quan tâm đến năng lực, trách nhiệm và sự minh bạch của cán bộ văn hóa, của các cán bộ thụ lý hồ sơ để giảm thiểu những tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình cấp thẻ.

Sự liên đới của truyền thông "lá cải"

Có thể khẳng định rằng khán giả của chương trình Got to dance - Vũ điệu đam mê được truyền hình trực tiếp trên VTV3 tối 9/11, khó mà phát hiện ra sự cố lộ hàng của ca sĩ Ngân Khánh nếu như báo chí không đăng ảnh tràn lan sau đó.

Trong liveshow, Ngân Khánh xuất hiện cùng ca sĩ Hồ Vĩnh Khoa trong điệu Bollywood sôi động với các động tác nhảy liên tục, đòi hỏi vũ đạo mạnh mẽ và gợi cảm. Điều này đã khiến một bên thân áo của Ngân Khánh tụt hẳn xuống hở trọn một bên ngực dù được che đậy bằng miếng dán. Truyền hình đã rất khéo chọn cảnh để khán giả gần như không nhìn thấy gì.

Nếu như đây là một chiêu trò thì báo chí cũng không được hùa theo. Còn nếu đây là một sự cố, hoàn toàn có thể xảy ra không chỉ trên sân khấu mà cả đời thường, thì liệu báo chí có nên săm soi và tung hê mọi thứ lên mặt báo chỉ để "câu view", bất chấp sự tổn thương của đối tượng?

Có lẽ không chỉ kêu gọi các cơ quan truyền thông "nói không" với các hình ảnh phản cảm mà đã đến lúc cần có một chiếc gậy nữa của nhà quản lý với những cơ quan truyền thông cùng những qui định cụ thể với những mức phạt nghiêm khắc nhằm hạn chế tối đa việc đưa hình ảnh phản cảm trong các bài báo và những thông tin lá cải, phản văn hóa nhằm mục đích "câu view".

Những lộn xộn xảy ra trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và truyền thông về showbiz.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 158/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo thay thế cho các nghị định cũ. Đáng chú ý, theo nghị định mới này, kể từ 1/1/2014 nhiều vi phạm trong lĩnh vực trình diễn nghệ thuật, văn hóa… sẽ bị xử phạt nặng hơn. Nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, “lộ hàng” khi biểu diễn sẽ bị xử phạt gấp đôi mức hiện nay và còn bị cấm biểu diễn từ 1-3 tháng.

Vậy là hành lang pháp lý và những công cụ pháp lý làm cơ sở quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn hoá đã và đang được triển khai quyết liệt.

Tuy nhiên, để showbiz Việt thực sự trong lành thì vẫn cần đến văn hoá ứng xử của hai đối tượng chính: Một là khán giả cũng cần mạnh tay sử dụng “quyền tối thượng” của mình là nói không với những sản phẩm văn hoá kém chất lượng; Hai là những nghệ sĩ phải nhận thức được vai trò của mình trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, nhận thức được rằng chỉ có lao động và sáng tạo trong nghệ thuật mới mang lại giá trị thực sự và lâu dài cho bản thân./.